Sau khi Mỹ tuyên bố, tên lửa chống tăng có điều khiển của Nga không thể gây hại cho xe tăng hạng nặng M1A2S Abrams của Mỹ và các biến thể hiện đại, một video đáp trả đã xuất hiện.
Hình ảnh trong một đoạn video cho thấy, tên lửa chống tăng Konkurs hạng nặng của Nga đã tấn công một xe tăng M1 Abrams của Mỹ và dễ dàng phá hủy nó sau một cú đột kích chết người.
Xe tăng M1A2S Mỹ bị tên lửa chống tăng dẫn đường của Nga “xé toạc”
Hình ảnh được công bố cho thấy, tên lửa chống tăng của Nga đã tấn công chính xác vào phần giáp trước của xe tăng Mỹ M1 Abrams.
Cú tấn công này đã ngay lập tức vô hiệu hoá M1 Abrams. Đòn tấn công chính xác đã làm nổ tung lớp giáp và một phần cấu trúc của xe tăng bị xé toạc. Tuy vậy, mặc dù bị tấn công trực diện nhưng tổ lái vẫn sống sót.
Hãng thông tấn AVP cho biết, thành viên của phong trào Ansar Allah chính là lực lượng đứng sau vụ tấn công xe tăng M1A2S Abrams của Saudi Arabia (do Mỹ chế tạo) bằng tên lửa chống tăng có điều khiển Konkurs.
Cần lưu ý rằng phiến quân Yemen đang tích cực sử dụng vũ khí của Nga để chống lại lực lượng của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. Hiện tại vẫn chưa rõ tại sao những loại khí tài công nghệ cao thế này lại nằm trong tay lực lượng Houthis.
Vũ khí Nga vẫn luôn được đánh giá cao. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga vượt mặt Mỹ trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp quốc phòng.
Có nhiều ví dụ chứng minh cho sự vượt trội của Nga so với Mỹ. Cụ thể là mới đây hãng thông tấn AVP có bài phân tích về việc máy bay chiến đấu F-35 của Na Uy sẽ bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga “khoá chặt”.
Tiêm kích F-35 vốn là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà người Mỹ vô cùng tự hào. Thậm chí, F-35 còn là quân bài được Mỹ sử dụng để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
Cụ thể là Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 vì không chịu từ bỏ S-400 và Ankara đang nỗ lực để được trở lại với chương trình này.
Theo các chuyên gia từ AVP, việc Na Uy sử dụng máy bay chiến đấu F-35 đang bị đặt những dấu hỏi, bởi rất có thể nó sẽ trở nên vô dụng.
Sau khi có thông tin hệ thống tác chiến điện tử của Nga được đặt trên bán đảo Kola, các chuyên gia cho rằng, máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ mà Không quân Hoàng gia Na Uy đã mua khó có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Nguy cơ tương tự cũng sẽ xảy ra với máy bay không người lái tấn công mà Na Uy dự định sẽ mua của Mỹ trong thời gian tới.
Hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga đặt gần biên giới với Na Uy và Phần Lan có thể chặn không chỉ sóng ngắn trên toàn châu Âu, mà còn gây nhiễu hoàn toàn liên lạc của máy bay chiến đấu F-35.
Theo các chuyên gia, máy bay chiến đấu trong trường hợp này có thể bay, nhưng rõ ràng nó sẽ bị "điếc" và "mù". Điều này khiến F-35 không thể thực hiện các nhiệm vụ.
“Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga thực sự đã bắt máy bay chiến đấu F-35 làm con tin.
Nhưng, điều này không có nghĩa 52 máy bay chiến đấu sẽ bị xích trên mặt đất, các phi công sẽ vẫn bay chỉ khác là họ không nhận diện được mục tiêu chỉ định, không thể hoạt động như một phần của nhóm tác chiến và hầu hết các vũ khí sẽ không thể sử dụng được”, nhà phân tích từ AVP cho biết.
Được biết, trước đó, Na Uy đã mua 52 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Thế nhưng, hiệu quả thực sự của loại máy bay này hiện đang bị đặt một dấu hỏi rất lớn.