Người ta một lần nữa chứng kiến nỗ lực không ngừng của OPEC+ nhằm đẩy giá dầu cao hơn khi tổ chức này tiếp tục gia hạn việc cắt giảm sản lượng.
Hôm 3/8, nhà lãnh đạo thực tế của nhóm OPEC là Ả Rập Saudi tuyên bố kéo dài việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng ít nhất là đến tháng 9/2023. Nga, quốc gia đang tìm cách lặng lẽ bán dầu với chiết khấu cao so với giá của OPEC cũng thông báo giảm mức cắt giảm từ 500.000 thùng xuống còn 300.000 thùng trong tháng 9.
Đây là những đợt cắt giảm mới, nằm ngoài đợt cắt giảm “tập thể” ở mức 3,66 triệu thùng của OPEC+ từ tháng 10/2022. Câu hỏi đặt ra là OPEC+ có tiếp tục cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu hay không và phương Tây có thể làm gì?
Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi đầu tiên là “Có”. Các nguồn tin của Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi cho biết sản lượng dầu của vương quốc này có thể thấp hơn nữa nếu cần.
Giá dầu thô Brent có xu hướng tăng mạnh từ tháng 7 đến nay.
Về cơ bản, Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC muốn đẩy giá dầu lên cao nhất có thể mà không làm giảm nhu cầu từ khách hàng của họ. Trên lý thuyết, giá dầu hòa vốn tài chính của Ả Rập Saudi là 78 USD/thùng vào năm 2023. Tuy nhiên, trên thực tế, các cam kết về tài chính đang ngày càng tăng với các dự án kinh tế xã hội khiến giá dầu hòa vốn tài chính của họ cao hơn nhiều và vẫn không ngừng tăng lên. Điều tương tự cũng xảy ra với các thành viên OPEC khác.
Với Nga, chiến lược rất đơn giản nhưng hiệu quả: thuyết phục Ả Rập Saudi tăng giá dầu của nhóm OPEC càng nhiều càng tốt đồng thời bán dầu của họ với giá thấp hơn mức này. Rất nhiều người sẵn sàng mua dầu giảm giá của Nga cho dù mức giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng, gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh coi giá dầu và khí đốt cao là mối đe dọa kinh tế và chính trị nghiêm trọng đối với họ vì đa phần đây đều là các nước nhập khẩu ròng năng lượng.
Giá dầu, khí đốt tăng làm gia tăng lạm phát và lãi suất cần thiết để chống lạm phát, từ đó khiến suy thoái kinh tế dễ xảy ra hơn.
Tại Mỹ, mỗi khi dầu tăng giá 10 USD/thùng, giá một gallon xăng sẽ tăng 25-30 cent. Với mỗi cent giá xăng tăng, hơn 1 tỷ USD mỗi năm trong chi tiêu của người tiêu dùng bị thất thoát và nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Bất kỳ ý tưởng nào của Mỹ trong việc thuyết phục Ả Rập Saudi và các nước OPEC ngừng cắt giảm sản lượng đã bị phá sản. Trong khi đó, việc tăng sản lượng tại các mỏ đá phiến của Mỹ để bù đắp lượng bị mất của OPEC+ là vô cùng hạn chế. Tương tự, việc phát hành kho dự trữ chiến lược từ cả Mỹ lẫn các quốc gia thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng không có nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, đã có những thảo luận giữa Mỹ và Iran để đưa ra một phiên bản mới của kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Một trong những điều khoản của thỏa thuận mới có thể là việc dòng dầu và khí đốt từ Iran sẽ quay lại thị trường với số lượng lớn hơn. Theo Kpler, Iran có thể phục hồi 80% sản lượng trong vòng 6 tháng và phục hồi 100% sản lượng trong vòng 12 tháng.
Công ty này tin rằng Iran có thể tăng sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày trong khoảng 6-9 tháng khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và tác động ngay lập tức là giá dầu có thể giảm 5-10%.