Mặc Trung Quốc tức giận, Đài Loan vẫn được "tuồn" vũ khí để nâng cấp hạm đội

Nam Đồng |

Hình ảnh về vũ khí mới xuất hiện trên khinh hạm lớp Cheng Kung (phiên bản Oliver Hazard Perry đóng tại Đài Loan) đã khiến Trung Quốc phải chú ý.

Hiện tại trong biên chế Hải quân Đài Loan có 8 khinh hạm 4.000 tấn lớp Cheng Kung do nước này tự đóng theo thiết kế của Mỹ, chiếc đầu tiên vào biên chế hạm đội năm 1993 trong khi chiếc cuối cùng mới "nhập ngũ" năm 2004, như vậy là còn khá mới nếu đặt cạnh Oliver Hazard Perry của Mỹ.

So với nguyên bản, tàu chiến của Đài Loan vẫn giữ lại ray phóng đơn Mk 13 để triển khai tên lửa phòng không tầm trung RIM-66 Standard MR thay vì tháo bỏ để lắp pháo tự động Mk 38 Mod 2 cỡ 25 mm như Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên thay vì tích hợp cả tên lửa phòng không RIM-66 lẫn tên lửa chống hạm RGM-84 từ ray Mk 13, Đài Loan đã tiến hành lắp 8 ống phóng tên lửa HF-2 (hoặc 4 ống phóng tên lửa HF-2 và 4 ống phóng tên lửa HF-3) giữa tháp radar chính và tháp radar AN/SPS-49, khiến cho chiến hạm của họ có năng lực phòng không và chống hạm tốt hơn tàu của Mỹ.

Mặc Trung Quốc tức giận, Đài Loan vẫn được tuồn vũ khí để nâng cấp hạm đội - Ảnh 1.

Khinh hạm lớp Cheng Kung của Hải quân Đài Loan, có thể thấy rất rõ các ống phóng tên lửa chống hạm HF-2 hình chữ nhật sau tháp chỉ huy

Ngoài thay đổi trên, vũ khí còn lại của lớp Cheng Kung hoàn toàn tương đồng với Oliver Hazard Perry, bao gồm 2 cụm 3 ống phóng Mk 32 dùng để bắn ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 46, 1 pháo hạm Oto Melara Mk 75 76 mm/62 bố trí ở giữa tàu, 1 module hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx cỡ 20 mm và 4 súng máy 12,7 mm.

Trong thời gian gần đây, phía Đài Loan tỏ ý rất muốn hiện đại hóa các tàu hộ vệ Cheng Kung của mình thông qua việc sửa đổi khung thân để tích hợp bệ phóng thẳng đứng đa năng Mk 41 nhằm sử dụng được nhiều loại đạn tên lửa tiên tiến hơn, hay tích hợp đài radar cảnh giới đường không SMART-S Mk 2 3D như trên khinh hạm TCG-Göksu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên do áp lực lớn từ Trung Quốc mà các nhà cung cấp đều đã lắc đầu từ chối yêu cầu của phía Đài Loan, bất chấp giá thành mà họ đưa ra rất hấp dẫn.

Mặc Trung Quốc tức giận, Đài Loan vẫn được tuồn vũ khí để nâng cấp hạm đội - Ảnh 2.

Pháo hạm Oto Melara Super Rapid 76,2 mm trên khinh hạm lớp Cheng Kung của Hải quân Đài Loan

Chính vì vậy mà mới đây bức ảnh chụp một khinh hạm Cheng Kung đang trong tình trạng hiện đại hóa với sự xuất hiện của khẩu pháo Oto Melara Super Rapid tối tân là điều gây bất ngờ lớn.

Được biết phiên bản mới của pháo 76 mm ngoài tháp pháo có thiết kế tàng hình hóa thì nó còn được tích hợp thêm radar dẫn bắn bên trong, cho phép triển khai đạn dẫn đường tăng tầm Vulcano (tầm xa tới 40 km), đặc biệt hữu dụng khi chống lại tàu xuồng cỡ nhỏ, thậm chí còn có thể sử dụng như một kênh phòng không dự phòng.

Sức mạnh của pháo Oto Melara Super Rapid so với nguyên bản theo đánh giá đã tăng gấp nhiều lần, chúng được dự báo sẽ mang lại năng lực vượt trội cho các tàu hộ vệ tên lửa lớp Cheng Kung của Hải quân Đài Loan.

Hiện tại chưa rõ đối tác nào đã cung cấp thành phẩm hoặc công nghệ giúp Đài Loan tích hợp vũ khí trên lên tàu chiến của mình, nhưng chắc chắn một điều rằng việc làm này đã khiến Đại Lục cảm thấy "sôi sục".

Khinh hạm lớp Cheng Kung của Hải quân Đài Loan bắn thử nghiệm tên lửa Hsiung Feng 3 (HF-3)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại