Sư đoàn 23 VNCH bị sập bẫy hiểm: Cơn địa chấn rung chuyển miền Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Sau gần 2 ngày bị tiến công, quá trưa ngày 11.3.1975 thị xã Buôn Mê Thuột (BMT) chính thức thất thủ tạo nên một cơn địa chấn rung chuyển miền Nam.

Tuy nhiên, lúc này lực lượng Việt Nam cộng hòa (VNCH) trên địa bàn Tây Nguyên (TN) vẫn còn khá mạnh. Ngoài 2 trung đoàn 44 và 45 của Sư đoàn 23 bộ binh trong tay tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 còn 7 liên đoàn biệt động quân cùng lực lượng pháo binh, xe tăng và không quân của quân đoàn gần như nguyên vẹn.

Chính vì vậy mà ngay sau khi Buôn Mê Thuột (BMT) thất thủ trưa 11.3, thì ngay chiều ngày 11.3 Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Phạm Văn Phú phải giữ bằng được các vị trí còn lại ở phía Đông BMT để làm bàn đạp tái chiếm thị xã.

Kế hoạch tái chiếm BMT được đích danh Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt gồm mấy điểm cơ bản như sau :

- Sử dụng lực lượng của Liên đoàn 21 biệt động quân đang ở phía đông BMT phối hợp với số quân còn lại của Trung đoàn 53 tại căn cứ 53 hình thành một cánh quân tại chỗ để phản kích

- Khẩn trương điều động Trung đoàn 44 và Trung đoàn 45 của Sư đoàn 23 từ Pleiku về phía đông BMT hình thành mũi tấn công chủ yếu giải cứu thị xã.

- Huy động tối đa lực lương không quân còn lại ở Pleiku, Đà Nẵng, Cần Thơ yểm trợ tối đa cho việc chuyển quân và phản kích.

-Điều động liên đoàn 7 biệt động từ Sài Gòn lên Pleiku thay thế hai Trung đoàn 44 và 45 được rút đi để ném xuống Buôn Ma Thuột.

Song có một điều mà các tướng lĩnh VNCH không biết là những dự định và hành động của họ đều đã nằm trong dự liệu của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.

Sư đoàn 23 VNCH bị sập bẫy hiểm: Cơn địa chấn rung chuyển miền Nam - Ảnh 1.

Xe tăng trung đoàn 273 đánh chiếm Buôn Mê Thuột 1975. Ảnh tư liệu.

Những tiên liệu chính xác để "trói địch lại mà đánh"

Khi vạch kế hoạch tiến công BMT, Bộ Tư lệnh (BTL) chiến dịch TN đã tính đến việc phía VNCH sẽ quyết tâm phản kích chiếm lại thị xã này vì tầm quan trọng của nó và cũng vì lực lượng của họ còn khá mạnh.

Để ứng cứu BMT, phía VNCH có thể sử dụng đường bộ và đường không (cả máy bay trực thăng và máy bay có cánh qua sân bay Phụng Dực). Chính vì vậy, trong quá trình tạo thế, BTL chiến dịch TN đã sử dụng Sư đoàn BB320 chặn cắt đường 14 ở phía bắc, Trung đoàn 25 chặn cắt đường 21 và Sư đoàn 10 đánh Đức Lập để chặn cắt đường 14 từ phía nam lên.

Đồng thời, khi trận BMT diễn ra đã cho Trung đoàn đặc công 198 tiến công sân bay Phụng Dực và vô hiệu hóa sân bay này. Tất cả các hoạt động đó đã cô lập tối đa thị xã BMT và để ứng cứu cho BMT, phía VNCH chỉ còn duy nhất một con đường là đổ quân bằng trực thăng.

Về lực lượng ứng cứu BMT, BTL chiến dịch Tây Nguyên cũng dự đoán phía VNCH không thể sử dụng lực lượng trù bị chiến lược là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến vì hai đơn vị này đang phải căng sức đối phó tại các địa bàn khác.

Vì vậy, lực lượng ứng cứu cho BMT chỉ là nội bộ của Quân đoàn 2 VNCH và khả dĩ nhất là các Trung đoàn 44, 45 của Sư đoàn 23 đang ở Bắc Tây Nguyên mà thôi. Cộng với một vài liên đoàn Biệt động quân thì quân số cũng chỉ khoảng 1 sư đoàn và không thể có xe tăng, pháo lớn.

Căn cứ vào địa hình khu vực và tình hình bố trí lực lượng hai bên, BTL chiến dịch TN cũng đã dự kiến khu vực đổ bộ của VNCH xuống ứng cứu BMT chỉ có thể là một số điểm cao ở phía đông thị xã. Vì vậy BTL đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 10 là sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh Đức Lập xong phải cấp tốc cơ động về ngay khu vực này để "đón lõng".

Về mặt thời gian, BTL Chiến dịch TN cũng dự đoán để tập trung đủ lực lượng và phương tiện, phía VNCH cần ít nhất là 2 đến 3 ngày mới thực hành đổ quân được. Thời gian này đủ để cơ động lực lượng đến những địa điểm cần thiết.

Những diễn biến tiếp theo của trận đánh đã chứng minh các tính toán của BTL chiến dịch Tây Nguyên là hoàn toàn chính xác.

Sư đoàn 23 VNCH bị sập bẫy hiểm: Cơn địa chấn rung chuyển miền Nam - Ảnh 2.

Quân Giải phóng đã xóa sổ Sư đoàn 23 của địch.

Kết cục không thể tránh khỏi của Sư đoàn 23 BB Việt Nam cộng hòa

Đúng như dự đoán của BTL chiến dịch Tây Nguyên, sau khi thị xã BMT thất thủ, tàn quân VNCH kéo nhau chạy về những căn cứ ngoại vi thị xã chưa bị tấn chiếm - chủ yếu là Căn cứ 53. Quân số VNCH tại căn cứ 53 lúc này lên đến gần 3000 và trang bị còn rất mạnh.

Căn cứ vào kế hoạch phản kích đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thông qua, tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh quân đoàn 2 VNCH đã chỉ thị cho trung tá Võ Ân, trung đoàn trưởng Trung đoàn 53 phải bằng mọi giá phải giữ cho được căn cứ này để làm bàn đạp tái chiếm thị xã.

Đồng thời, một chiến dịch "trực thăng vận" quy mô lớn nhất kể từ sau ngày Hiệp định Pa- ris ký kết đã được khởi động.

Chiều ngày 12/3 hơn 100 lượt chiếc trực thăng các loại đã đổ 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và một đại đội thám kích của Sư đoàn 23 xuống khu vực điểm cao 581 , cách BMT 10km về phía đông .

Ngày 13.3, đổ tiếp Trung đoàn 44 , pháo đội 232 và tiểu đoàn 3 Trung đoàn 45 xuống khu vực điểm cao 581, Nông Trại, Phước An .

Đích thân Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân Đoàn 2 bay trên một chiếc trực thăng đến vùng trời BMT để chỉ huy cuộc đổ quân. Với lực lượng còn lại quanh Buôn Ma Thuột và lực lượng được đổ xuống Phú hy vọng chỉ trong vòng một vài ngày sẽ tái chiếm được BMT.

Nhưng "người tính không bằng trời tính".

Ngày 11.3 trong lúc trận BMT vẫn còn đang diễn ra thì Tiểu đoàn 5 -Trung đoàn 24 đã tiêu diệt cứ điểm Chư Nga.

Ngày 12.3, Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 24 được tăng cường Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 95B cùng 7 xe tăng tổ chức tấn công làm chủ Căn cứ 45.

Như vậy đến hết ngày 12/3 các vị trí xung quanh BMT mà phía VNCH dự kiến đổ quân đã bị chiếm xong , duy nhất chỉ còn Căn cứ 53 cách BMT 7 km về phía Đông là chưa bị chiếm song đã bị bao vây, khống chế.

Sáng 14.3, tận dụng thời cơ quân ứng cứu vừa đổ xuống, công sự, hầm hào còn sơ sài, chưa liên kết được với nhau... Sư đoàn 10 đã lệnh cho Trung đoàn 24 tổ chức tấn công ngay. Đến chiều 14.3 toàn bộ lực lượng 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 45 vừa đổ xuống trong ngày 12 và 13.3 đã cơ bản bị tiêu diệt và làm tan rã, số sống sót chạy về Nông Trại.

Ngày 15.3, Sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 do Chuẩn tướng Lê Trung Tường - Tư Lệnh Sư đoàn 23 cùng lực lượng còn lại của Trung đoàn 44 cũng được đổ bộ tiếp xuống Phước An.

Sáng ngày 16.3, Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 cùng Tiểu đoàn xe tăng 1- Trung đoàn 273 được lệnh tấn công vào cụm quân địch ở khu vực Nông Trại, nơi có Sở chỉ huy Trung đoàn 45. Trước sức mạnh tấn công của bộ binh và xe tăng QGP, quân VNCH không chống đỡ nổi đã bỏ chạy, ban chỉ huy Trung đoàn 45 bị bắt sống.

Sư đoàn 23 VNCH bị sập bẫy hiểm: Cơn địa chấn rung chuyển miền Nam - Ảnh 3.

Đài kỷ niệm chiến tháng Buôn Mê Thuột mùa Xuân năm 1975.

Phát huy thắng lợi , bộ binh cùng xe tăng Trung đoàn 24 tiếp tục truy kích về hướng Phước An. Tại đây, lúc 10 giờ 40 ngày 16.3, Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 đã đáp trực thăng xuống để xem xét tình hình cuộc phản kích.

Sư đoàn 23 VNCH bị sập bẫy hiểm: Cơn địa chấn rung chuyển miền Nam - Ảnh 4.

Nhưng khi nhận được tin Trung đoàn 45 bại trận, Nông Trại và các vị trí xung quanh Buôn Mê Thuột đã bị chiếm và khả năng không chống đỡ nổi, Phạm Văn Phú đã ra lệnh cho Lê Trung Tường rút quân khỏi Phước An, chạy về Chư Cúc lập tuyến phòng thủ mới.

Cũng trong đêm 16, rạng ngày 17.3, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 149 đã hiệp lực dứt điểm Căn cứ 53. Tham vọng sử dụng nơi đây làm bàn đạp tiến công tái chiếm BMT tan thành mây khói.

18 giờ ngày 18.3, Tiểu đoàn 3 nổ súng tấn công vào tiểu đoàn 1- Trung đoàn 44 VNCH ở phía Nam Chư Cúc nhưng chưa dứt điểm được. Sáng 19.3, được hỏa lực pháo binh chi viện đắc lực, Tiểu đoàn 3 cùng Tiểu đoàn 1 tiếp tục tấn công. Đến 12 giờ ngày 19.3 Trung đoàn 28 đã làm chủ được Chư Cúc.

Cho đến thời điểm đó, Sư đoàn BB 23 - lực lượng trụ cột của VNCH tại Tây Nguyên coi như đã bị xóa sổ hoàn toàn. Tình hình Quân khu 2, Quân đoàn 2 Quân lực VNCH đã bi đát lại càng bi đát và mở ra một cục diện mới ở chiến trường này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại