Lý giải tiêm kích Su-30 còn mới của Nga bị mất lái và đâm chúi mũi xuống tòa nhà

Trung Hiếu |

Giới chuyên gia cho rằng có thể có lỗi kỹ thuật do quá trình sản xuất máy bay quân sự tại Nga đang được đẩy nhanh. Về vấn đề phi công không kịp nhảy dù thoát thân, có khả năng “lực G âm” (hướng xuống dưới) đã tác động mạnh lên tổ lái.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Nga mất thêm một chiếc tiêm kích thứ 2, Su-30 trong một tai nạn máy bay.

Lý giải tiêm kích Su-30 còn mới của Nga bị mất lái và đâm chúi mũi xuống tòa nhà - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30 của Nga. Ảnh: Jerusalem Post.

Vào ngày 23/10, chiếc phi cơ tiêm kích đa nhiệm Su-30SM đã rơi xuống một tòa chung cư ở Irkutsk, Siberia, với hậu quả là 2 phi công trên máy bay thiệt mạng và xuất hiện một quả cầu lửa lớn trên mặt đất.

Máy bay Su-30 có 2 động cơ, 2 ghế ngồi. Đây là loại tiêm kích cơ động cao do hãng chế tạo máy bay Sukhoi của Nga sản xuất. Dòng máy bay này được sản xuất tại nhà máy hàng không Irkutsk, nơi chiếc máy bay được thông báo là đã cất cánh.

Theo kênh Telegram chính thức của Tập đoàn máy bay United của Nga, chiếc Su-30 này bị rơi vào lúc 17h30 (giờ địa phương) trong một chuyến bay “tiếp nhận”.

Hãng Thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết chiếc Su-30SM nói trên không mang vũ khí vào thời điểm rơi.

Bộ phận báo chí của văn phòng Bộ Tình trạng Khẩn cấp ở tỉnh Irkutsk tuyên bố máy bay Su-30 này rơi trong chuyến bay thử nghiệm. “Máy bay rơi trong ranh giới thành phố, tại một khu vực dân cư. Các đơn vị chữa cháy và cứu hộ đang thực thi nhiệm vụ tại hiện trường, thông tin đang được làm rõ”.

Ủy ban Điều tra Nga đã khởi tố hình sự đối với vụ việc này chiểu theo Điều 263 Bộ luật Hình sự Nga.

Tai nạn với Su-30 đáng chú ý trong bối cảnh một chiếc Su-34 mới đây cũng rơi vào tòa nhà dân sự khiến vài dân thường thiệt mạng.

Vào ngày 17/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố một trong các máy bay tiêm cường kích Su-34 của họ đã đâm xuống sân một khu dân cư. Ngoài ra, tai nạn rơi máy bay Su-34 xảy ra trong một chuyến bay huấn luyện từ một sân bay quân sự ở Quân khu miền Nam.

Các vụ mất máy bay trong tai nạn như thế này xảy ra vào giai đoạn xung đột Nga - Ukraine ngày càng khốc liệt và không quân Nga đã hứng chịu một số tổn thất nhất định về phi công và máy bay trong xung đột đó.

Vì sao bị bổ nhào?

Loạt tai nạn máy bay quân sự Nga lần này khác các lần trước.

Video trên internet cho thấy chiếc tiêm kích Su-30 đã bổ nhào, đâm chúi đầu vào tòa nhà.

Viên phi công tiêm kích kỳ cựu Vijainder K Thakur nói với Eurasian Times: “Máy bay này bay tiếp nhận sau khi được chế tạo. Như vậy, chiếc máy bay này hoàn toàn mới”.

Theo Thakur, có khả năng tình trạng mất lái gây ra thảm kịch này. “Sẽ cần phải có điều tra để xác định xem liệu lỗi rơi máy bay là do phi công hay do bản thân máy bay mới được sản xuất này.

Phi công Thakur nói “Có tin đồn nói rằng Nga đang đẩy nhanh sản xuất máy bay, và vụ rơi máy bay gần nhất là do khâu kiểm tra chất lượng yếu kém. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đồn đoán thuần túy”.

Viên phi công này cũng đưa ra nhận định về việc 2 phi công Nga không kịp nhảy dù thoát thân. Theo ông, đó là lực G âm (hướng xuống dưới) tác động lên kíp lái Su-30SM khi chẳng may máy bay bị chúi đầu đột ngột.

Lực G âm dẫn tới hiện tượng dồn máu lên não và sưng mặt, khiến mí mắt dưới phủ chặt lên toàn mắt.

Su-30 là tiêm kích đa nhiệm thế hệ “4+”, do hãng thiết kế Sukhoi phát triển và sản xuất hàng loạt tại nhà máy Irkutsk chuyên về sản xuất máy bay.

Cách đây vài năm, vào ngày 30/4/2019, một máy bay Su-30MKI của không quân Ấn Độ cũng bị chúi mũi và rơi gần thao trường Pokhran của không quân Ấn Độ ở Rajasthan sau khi cất cánh từ Pune.

Khi ấy, người ta cho biết các phi công này mất lái đối với máy bay sau khi vô tình kích hoạt giao diện điều khiển bằng màn hình. Như vậy, xét trên phạm vi thế giới thì sự cố nói trên chưa phải là sự cố “bổ nhào” đầu tiên trong một tai nạn Su-30 như trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại