Thổ Nhĩ Kỳ hoãn kích hoạt S-400 vì lý do gì?
Hôm 21/4, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ cho biết, họ sẽ hoãn việc kích hoạt hệ thống S-400 dự kiến diễn ra trong tháng này với lý do liên quan đến vấn đề kỹ thuật và ảnh hưởng bởi các mối lo ngại xuất phát từ đại dịch COVID-19.
Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, đây chỉ là động thái hoãn tạm thời và kế hoạch sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn không thay đổi.
Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói với Reuters rằng Washington tiếp tục phản đối mọi động thái liên quan đến thương vụ tên lửa S-400 của Ankara.
Một số nhà phân tích cho rằng việc hoãn kích hoạt S-400 đang mang lại một cơ hội mới cho các cuộc đàm phán giảm căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có thể khắc phục căng thẳng âm ỉ giữa hai quốc gia liên quan đến vũ khí Nga.
Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall tại Ankara, cho biết việc hoãn lại có thể là một nỗ lực của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh các căng thẳng kinh tế dưới hình thức trừng phạt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra, nhưng động thái này cũng có thể được coi là một mở đầu cho các cuộc đàm phán song phương.
Trong cuộc điện đàm ngày 31/3 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hỏi về các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để giúp giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh.
Chuyên gia Unluhisarcikli cho biết những yêu cầu như vậy mang lại cho Washington đòn bẩy trong vấn đề S-400. Theo ông, các quan chức Mỹ có thể theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin với Ankara bằng cách đề nghị triển khai các hệ thống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, như những gì họ đã làm trong quá khứ.
Nhắc lại nguy cơ leo thang giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria ở tỉnh Idlib, chuyên gia Unluhisarcikli cho biết tên lửa Patriot có thể thay thế vũ khí của Nga và phục vụ nhu cầu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đổi lại, Mỹ có thể yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt tên lửa S-400 trong một năm", ông nhấn mạnh.
S-400 được Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm vào cuối năm 2019.
"Gông cùm" S-400
Thương vụ hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất trị giá 2,5 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành chiếc "gông cùm đắt giá đè nặng trên cổ" Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, các nhà phân tích so sánh với Arab News hôm 21/4.
Các kế hoạch kích hoạt hệ thống đã bị trì hoãn trong vài tháng tới vì những gì các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là do vấn đề kỹ thuật và vì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, chuyên gia Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại, đã tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố cho rằng có một vài vấn đề kỹ thuật liên quan đến hệ thống mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận từ tháng 7 năm ngoái.
"Báo chí Nga cho biết các nhóm vận hành của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đào tạo và tất cả các thành phần của tên lửa S-400 đã được chuyển đi", ông nói với Arab News.
"Tôi đoán sự chậm trễ kỹ thuật này gắn liền với các mối quan tâm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến COVID-19 nhiều hơn và những nỗ lực của nước này trong việc đề nghị sự giúp đỡ từ Mỹ", Stein cho biết thêm.
Đã từ lâu, thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến đạo luật trừng phạt của Mỹ đối với những quốc gia có dính líu đến vũ khí Nga.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế được đưa ra vào thời điểm mà Ankara đang gặp vô số những khó khăn và sẽ kìm hãm nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích tin rằng các vấn đề kỹ thuật nói trên chỉ là cái cớ để Ankara kéo dài thời gian chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Amanda Sloat, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings cho biết, các lệnh trừng phạt sẽ gây áp lực lên nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang gặp khó khăn trước đại dịch virus corona.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington tiếp tục phản đối gay gắt về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga và sẽ là mối quan ngại sâu sắc nếu Ankara kích hoạt vũ khí.
"Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh ở mức cao nhất rằng giao dịch hệ thống tên lửa S-400 là chủ đề của các cuộc thảo luận trừng phạt theo đạo luật CAATSA và nó vẫn là một trở ngại lớn trong mối quan hệ song phương cũng như với NATO.
Chúng tôi tin tưởng rằng Tổng thống Erdogan và các quan chức cấp cao của ông hiểu lập trường của chúng tôi", phía Mỹ cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ kể từ khi hệ thống phòng không S-400 được chuyển giao đến Ankara hồi tháng 7 năm ngoái.
Hệ thống phòng thủ do Nga sản xuất bị cáo buộc gây ra mối đe dọa an ninh đối với các thiết bị của liên minh NATO, đồng thời khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình phát triển F-35, leo thang căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ lên đỉnh điểm vô thời hạn.