Xung đột quân sự Ukraine sang giai đoạn mới và nguy cơ hạt nhân
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine đã trải qua 2 giai đoạn và đang bước vào giai đoạn thứ 3. Trong giai đoạn 1, quân Nga tập trung vào khu vực thủ đô Kiev của Ukraine. Giai đoạn 2, quân Nga dồn lực vào miền Đông Ukraine. Đến giai đoạn 3, Nga thực hiện rút quân khỏi một số vị trí, thực hiện động viên một phần lực lượng dự bị và tiến hành trưng cầu dân ý ở 4 vùng Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Giới quan sát đánh giá, giai đoạn 3 là chỉ dấu về khả năng vũ khí hạt nhân sắp được triển khai nếu các giải pháp ngoại giao bất thành.
(Ảnh minh họa về tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Nguồn: NTI)
Hiện nay quân đội Ukraine được trang bị rất nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây. Nếu Ukraine tiếp tục phản công, họ sẽ đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với các vùng lãnh thổ mà Nga coi là thuộc về Nga. Khi ấy, theo lập luận của Nga, do "lãnh thổ Nga bị xâm phạm", Nga sẽ dùng đến các biện pháp mạnh, bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân, trước hết là hạt nhân chiến thuật.
Phương Tây đang băn khoăn Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân thật vào mục tiêu cụ thể hay chỉ hăm dọa. Nhưng trong tình huống nào, tác động răn đe từ hành động của Nga đều như nhau. Có khả năng cao là động thái dùng vũ khí hạt nhân đó sẽ làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev khi mà cả Mỹ và NATO đều gần như chắc chắn không đáp trả bằng hành động tương ứng trên thực địa. Ngoài ra, còn có một khả năng nữa là liên minh NATO có thể bị chia rẽ sâu sắc. Nói cách khác, về thực chất, lợi thế sẽ nghiêng hẳn về Nga khi ông Putin lựa chọn giải pháp cuối cùng.
Giới lãnh đạo phương Tây và các chuyên gia quốc phòng đã suy tính từ lâu về khả năng chiến dịch quân sự quy ước của Nga không đạt hiệu quả như mong muốn khiến Nga phải chuyển sang phương án phi quy ước, đó là sử dụng vũ khí hạt nhân. Giới phân tích đánh giá, khả năng phi quy ước đó đang ngày càng lớn.
Trong thế đối đầu toàn diện với Nga hiện nay, phương Tây đang bắt đầu mở rộng nền tảng công nghiệp và quân sự của mình, làm nghiêng dần thế cân bằng chiến lược theo hướng bất lợi cho Nga. Trước tình thế đó, Nga đã tìm kiếm sự trợ giúp từ các đồng minh nhỏ hơn như Iran và Triều Tiên.
Khả năng phương Tây xuống thang khi Nga dấn tới
Nếu leo thang căng thẳng, Tổng thống Nga có thể đối mặt nhiều rủi ro nhưng cũng không thể loại trừ khả năng ông Putin sẽ giành được thắng lợi cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.
Học thuyết hạt nhân của Nga đặt ra khá nhiều tình huống mà Nga có thể áp dụng kho vũ khí hạt nhân của mình. Một trong số các tình huống đó là khi đối phương phát động cuộc chiến gây hấn quy ước đe dọa sự tồn tại của quốc gia-dân tộc Nga.
Ngưỡng đe dọa từ một cuộc tấn công quy ước nói trên chưa được Nga xác định quá rõ ràng. Tuy nhiên, trong diễn văn mới đây về động viên một phần lực lượng dự bị, Tổng thống Putin đã trình bày về mối đe dọa sinh tồn. Ông tái khẳng định quan điểm của mình cho rằng mục tiêu của phương Tây là ủng hộ Ukraine để phá hủy Nga và đe dọa toàn thể dân tộc Nga. Ông Putin nói rõ rằng Moscow được phép sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nga, mà hiện giờ bao gồm thêm cả các lãnh thổ Ukraine vừa được xúc tiến sáp nhập vào Nga.
Đây là phần trích dẫn nguyên văn bài phát biểu gần đây của Tổng thống Putin về vấn đề này: "Tôi muốn nhắc những ai đưa ra các tuyên bố về Nga rằng đất nước chúng tôi cũng có các loại vũ khí khác và một số loại còn hiện đại hơn vũ khí của các nước NATO. Trong trường hợp có mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, và để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ chắc chắn sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí mà chúng tôi có sẵn".
Nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân để phản ứng lại cuộc phản công của Ukraine thì NATO và phương Tây sẽ phản ứng ra sao? Gần như chắc chắn NATO sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân theo cách tương tự, thậm chí ngay cả khi binh sĩ Mỹ và NATO là mục tiêu của một cuộc tấn công như vậy. Trong trường hợp phía Nga tấn công ồ ạt, có thể Mỹ và NATO sẽ lựa chọn một chiến dịch cường độ cao nhưng vẫn là quy ước, thậm chí họ có thể lùi bước.
Nói cách khác, các lựa chọn của phương Tây sẽ mang tính giới hạn. Cho tới nay, Ukraine vẫn chưa phải là thành viên của khối quân sự NATO và không được bảo vệ bằng chiếc ô hạt nhân của liên minh này. Một chuyên gia kỳ cựu của Mỹ về kiểm soát vũ khí hạt nhân đánh giá rằng chắc chắn Mỹ sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Có lẽ phương Tây vẫn còn e ngại về tuyên bố của Tổng thống Putin trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018: "Tại sao chúng tôi phải thiết tha một thế giới mà trong đó không hề có chỗ cho nước Nga?"./.