Lý do khiến người phụ nữ bị xích cổ vẫn xin tha, khẳng định chồng yêu thương vợ con?

Hoàng Đan |

"Chúng ta đồng cảm, chia sẻ nhưng không thể khuyến khích với việc người vợ bị hành hạ dã man, xích cổ như vậy mà nhẫn nhịn, thậm chí còn bào chữa, bao che cho hành vi của chồng".

Tâm lý "xấu chàng hổ ai"

Chị P.T.T. (35 tuổi, trú tại xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, Thái Bình) bị chồng là Lê Thanh Tùng (SN 1973, trú cùng địa chỉ trên) xích cổ vào ô tô đồ chơi trẻ em và thay vì căm hận chồng, chị đã có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm cho chồng gửi Công an xã.

Bên hành lang Quốc hội, TS xã hội học Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ và chia sẻ với người phụ nữ bị chồng có hành động ngược đãi dã man.

Dưới góc độ tâm lý xã hội, ông có thể lý giải tại sao người phụ nữ này dù bị ngược đãi như vậy nhưng lại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm cho chồng?

Ở đây, trước tiên, có một thực tế là do bối cảnh xã hội, văn hóa phương Đông còn nặng ở nhiều địa phương, nhất là các miền quê nên người phụ nữ vẫn có sự kính nể, trân trọng, thậm chí tôn trọng quyền uy của người chồng trong gia đình, mặc dù, bản thân người vợ có thể bị ngược đãi dã man.

Cũng từ văn hóa phương Đông có tâm lý "xấu chàng hổ ai" hay "tốt thì phô ra, xấu xa đậy lại" nên có gì không hay trong gia đình nhưng không muốn cho hàng xóm, cộng đồng biết mà thường người phụ nữ có xu hướng nhẫn nại, cam chịu để giữ hình ảnh gia đình với làng xóm được trọn vẹn.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân, người vợ sợ nếu tố cáo thì sau khi người chồng bị xử lý xong, quay trở về có thể lại có hành động ngược đãi khác, trả đũa người vợ. Do đó, không ít người vợ rất dè chừng trong các chuyện đó.

Một vấn đề khác, là bản thân cộng đồng, người xung quanh, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng không tích cực vào cuộc trong chuyện bạo hành gia đình này nên bản thân người phụ nữ trong cuộc cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong việc xử lý vụ việc.

Ở trong hoàn cảnh như vậy thì họ có thể suy nghĩ tiêu cực là thôi thà mình chịu đựng chứ không nói ra. Bởi không ai ủng hộ, giúp đỡ mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến hình ảnh gia đình và chồng có thể tiếp tục ngược đãi.

Cho nên, như tôi đã nói, ở đây, có nhiều lý do cả khách quan, chủ quan, cả văn hóa truyền thống dẫn đến việc người vợ dù bị hành hạ dã man vẫn muốn xin cho chồng.

Chuyên gia chỉ rõ 4 lý do khiến người phụ nữ bị xích cổ xin tha cho chồng - Ảnh 1.

Ông Phạm Tất Thắng.

Không khuyến khích vợ bị hành hạ xin cho chồng

Cá nhân ông có đồng tình với việc người vợ dù bị hành hạ dã man vẫn cố xin cho chồng như vậy không?

Rõ ràng là chúng ta không thể đồng tình với các ứng xử xin tha thứ của người vợ mặc dù có lý giải là góc độ văn hóa, truyền thống, sự yêu kính của người vợ với người chồng...

Bởi lẽ, dù lý do nào đi chăng nữa thì cũng chỉ để lý giải hành vi xin cho chồng này thôi chứ còn không thể lấy đó để thực hiện việc xin bỏ qua này.

Theo tôi, trước tiên người phụ nữ phải tự ý thức bảo vệ mình, đồng thời cần liên hệ với các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng, với gia đình hai bên... để có sự hỗ trợ cần thiết để ứng xử với hành xử thô bạo của chồng.

Trong trường hợp cần thiết, người vợ có thể đề nghị sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng có một thực tế là việc này, với tâm lý chung của phụ nữ nông thôn là chưa quen.

Chúng ta đồng cảm, chia sẻ nhưng không thể khuyến khích với việc người vợ bị hành hạ, xích cổ như vậy mà lại nhẫn nhịn, thậm chí còn bào chữa, bao che cho hành vi của chồng.

Nếu được đưa ra lời khuyên cho người vợ trong trường hợp này, ông sẽ khuyên gì?

Ở đây, dĩ nhiên, trong cuộc sống của mỗi gia đình không thể lúc nào cũng hạnh phúc, yêu thương mà có lúc "bát đũa xô lệch". Tuy nhiên, những người trong cuộc phải tìm cách xử lý mối quan hệ đó để tránh cái sẩy nảy cái ung, từ việc nhỏ dẫn đến việc lớn hơn.

Khi sự việc đó xảy ra thì người vợ cũng cần giải thích cho chồng hành vi vi phạm pháp luật của chồng và khuyên nhủ không nên có hành vi như vậy.

Còn nếu đã tìm cách tháo gỡ, giải tỏa trong gia đình rồi mà chồng không nghe thì cần có sự tham gia của hàng xóm, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể và cao hơn nữa thì có thể đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trong trường hợp này, nếu người vợ không tố cáo, bào chữa cho chồng về hành vi bạo hành dã man như vậy, thì có thể không xử lý được không?

Với vụ việc cụ thể như thế này khi người chịu hành vi ngược đãi lại không tố cáo, từ chối không cung cấp chứng cứ... thì đúng là sẽ khó cho cơ quan chức năng xử lý.

Nhưng, theo tôi, nếu các đoàn thể, chính quyền địa phương sâu sát, nắm được các chứng cứ cụ thể như quay phim, chụp ảnh, đưa đi giám định thương tích hay nắm được việc bạo hành đã diễn ra liên tục, kéo dài thì có thể xử lý về mặt pháp luật được.

Cái chính trong lúc này là cần sự vào cuộc mạnh mẽ, xử lý nghiêm túc của các đoàn thể cơ quan chức năng ở địa phương cũng như sự phối hợp của người trong cuộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại