Những năm trước, nhiều giáo viên mầm non tư thục đã “xác định tư tưởng” là được thưởng Tết ít hơn so với các ngành khác hoặc có thể không được thưởng đồng nào, huống hồ năm nay dịch Covid-19 khiến các trường phải đóng cửa kéo dài.
Thế nên những ngày này cô giáo Nguyễn Thị Minh (công tác tại một trường mầm non trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang cần mẫn gom nhóm trông trẻ để kiếm thêm chút thu nhập trang trải cho dịp Tết sắp tới.
Giáo viên mầm non tư thục gom nhóm trông trẻ tại nhà. (ảnh minh họa) |
“Chưa bao giờ tôi trải qua một năm khó khăn nhiều đến vậy và tôi nghĩ đây là khó khăn chung của rất nhiều người. Nhưng với những giáo viên mầm non trong hệ thống tư thục như chúng tôi thì đặc biệt hơn, khi đến nay tất cả ngành nghề đã mở, riêng trường học vẫn cửa đóng then cài”, cô Minh chia sẻ.
Trước đó, cô Minh cùng với mấy cô giáo khác rủ nhau mượn mảnh vườn rồi tăng gia sản xuất trồng rau. Tới khi nhận thấy nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con thì cô Minh mới quyết định gom nhóm trông trẻ.
“Tôi và một cô giáo nữa cùng trường quyết định gom nhóm trẻ để trông tại nhà với mức học phí là 100 nghìn/ngày. Chúng tôi đăng thông tin gom nhóm trẻ nhưng gần một tuần qua chỉ mới “chiêu sinh” được 2 bạn. Có lẽ do cuối năm nhiều phụ huynh gửi con về quê cho ông bà trông, phần còn lại thì bố mẹ tranh thủ vừa làm online vừa trông con để tiết kiệm chi phí.
Cả năm đi làm xa nhà, chẳng nhẽ cuối năm về quê không biếu bố mẹ được bộ quần áo hay sắm sửa Tết nhất cho con nên chúng tôi cũng cố gắng xoay xở vì năm nay thì chẳng trông mong gì thưởng Tết”, cô giáo 9X này chia sẻ.
Cô giáo tăng gia sản xuất trồng rau để kiếm thêm thu nhập. |
Cô Minh cho rằng không có bất kỳ giáo viên mầm non nào dám nghĩ tới việc có quà tết hay thưởng tết vì biết các chủ trường, hiệu trưởng còn khó khăn hơn nhiều khi năm qua phải tìm mọi cách để gồng gánh, giữ trường. “Thông cảm và chia sẻ với nhau qua giai đoạn khó khăn nhất là điều mà mọi người đều nhận được khi trải qua mùa dịch. Mong ước lớn nhất của tôi là được trở lại công việc sau Tết”, cô Minh chia sẻ.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như cô Minh, cô Phương Chi (giáo viên mầm non tư thục tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi đi dạy bình thường cũng chỉ thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Gia đình của cô giáo tỉnh lẻ này phải thuê nhà nên cuộc sống hằng ngày vốn đã khó khăn, thiếu thốn.
Vậy nên suốt thời gian tạm nghỉ việc vì trường đóng cửa, cô Phương Chi đã làm nhiều việc khác nhau để trang trải cuộc sống từ bán hàng online, đóng hàng, shipper cho đến bưng bê ở quán ăn... Hiện tại cô chỉ mong Tết này có thêm chút tiền để lo cho các con.
“Trường học đóng cửa, tôi cũng tập tành bán hàng online nhưng bán không chuyên nghiệp, cũng chẳng có tiền đầu tư chạy quảng cáo nên ế ẩm, sau đó ai thuê gì thì tôi làm nấy từ đóng hàng cho đến shipper.
Cách đây 2 tháng tôi có xin làm nhân viên bưng bê tại một nhà hàng ăn uống trên địa bàn quận Cầu Giấy nhưng làm được hơn 1 tháng thì nhà hàng phải đóng cửa do vùng dịch chuyển màu.
Bí quá chưa có gì làm nên tôi đành đăng ký chạy xe ôm công nghệ với hi vọng có một cái Tết ấm áp hơn. Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, trường học được mở cửa và chúng tôi cũng có việc làm ổn định”, cô Chi nói.
Cô giáo Phương Chi chấp nhận ai thuê gì làm nấy để đợi ngày được trở lại trường học. |
Thế nhưng, trường hợp như cô Minh, cô Chi có lẽ vẫn còn chút lạc quan, hy vọng vào ngày trở lại trường hơn là nhiều đồng nghiệp của họ. Bởi lẽ có một số trường mầm non tư thục chuẩn bị phải giải thể vì... hết cách. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên các trường này không biết đi đâu về đâu sau Tết.
Ví dụ như cơ sở giáo dục mầm non của ông Vũ Đặng Quang Tùng. Ông đầu tư hơn 4 tỷ đồng thành lập trường mầm non ở quận Tây Hồ, Hà Nội vào năm 2018. Hoạt động được một năm, trường phải nghỉ dạy vì dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2021, thời gian trường đóng cửa dài gấp đôi thời gian hoạt động.
Trong khi đó, ông Tùng vẫn phải gồng gánh một khoản lên tới 200 triệu đồng mỗi tháng, gồm chi phí duy trì cơ sở vật chất và hỗ trợ giáo viên.
Dù nhận được sự giúp đỡ của đơn vị cho thuê mặt bằng nhưng ông "đã hết cách" và "cảm thấy quá tải". Giáo viên của trường trong tình trạng "giật gấu vá vai", làm thêm các công việc khác để cầm cự.
Hôm 10/1, ông Tùng đăng trên trang Facebook cá nhân thông báo tặng trường cho nhà đầu tư nào đó có đủ tâm huyết và nguồn lực để giữ lại cơ sở này. Ông Tùng cũng cho biết, nếu không có ai liên hệ, ông buộc phải làm thủ tục giải thể.
"Dù rất tâm huyết nhưng tôi phải bỏ cuộc. Nếu các trường mầm non tiếp tục không được hỗ trợ cụ thể bằng chính sách thì khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại, tôi sợ không còn mấy trường hoạt động", ông Tùng chia sẻ thêm.