Sự thay đổi thất thường này có thể dẫn tới hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên phạm vi toàn cầu như hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt.
Hình ảnh về một trận lụt khủng khiếp ở Anh vào năm 2012. Ảnh: LNP
Cụ thể, hiện tượng nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân mà các nhà khoa học cho rằng nó có ảnh hưởng làm chậm lại luồng khí quyển hẹp (còn gọi là jet stream) và phân bổ thời tiết. Điều này có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, luồng khí quyển hẹp được cho là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan ở khu vực vĩ tuyến trung bình.
Giáo sư Michael Mann tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết, hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây.
Nhiệt độ ở nhiều nơi trên thế giới chạm ngưỡng kỷ lục, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người. Ảnh: Internet
Cụ thể, hạn hán "chưa từng thấy" đã xuất hiện ở California vào năm 2016, lũ lụt kéo dài ở Pakistan vào năm 2010 và những đợt sóng nhiệt "càn quét" châu Âu vào năm 2003 là những dẫn chứng thực tế về hiện tượng cực đoan ngay khi khí hậu nóng lên bắt đầu được xác nhận.
"Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang vượt quá dự đoán của chúng ta về ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng nóng lên toàn cầu", Giáo sư Mann nhận định.
Giáo sư Mann cho biết thêm, các luồng khí quyển hẹp bị ảnh hưởng từ sự khác biệt về nhiệt độ giữa vùng Bắc Cực và khu vực xích đạo.
Trên thực tế, vùng Bắc Cực đã nóng hơn nhiều so với nơi có khí hậu nhiệt đới là quần đảo Svalbard (nằm giữa đại lục Na Uy và Bắc Cực). Ngoài ra, đất đai ở khu vực băng giá này cũng ấm hơn so với nước biển.
Bắc Cực đang ấm dần lên đáng báo động. Ảnh: Internet
Theo các nhà khoa học, hai yếu tố trên đã làm thay đổi hướng di chuyển của các luồng khí quyển hẹp, dẫn tới trở ngại "kích thích" các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra.
Trước đó, năm 2016, một nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã từng cảnh báo rằng, tốc độ nóng lên nhanh chóng ở Bắc Cực có thể gây ảnh hưởng "khủng khiếp" đối với tình hình thời tiết ở Bắc Bán Cầu.
"Thủ phạm" thay đổi luồng khí quyển hẹp là...
Mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, họ phát hiện thấy có sự ảnh hưởng từ các hoạt động của con người.
Sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, thay đổi hướng di chuyển của các luồng khí quyển hẹp và gây nên các hiện tượng thời tiết bất thường.
Theo các nhà nghiên cứu, sự di chuyển của các luồng khí quyển hẹp đóng vai trò quan trọng. Những gì xảy ra với luồng khí quyển hẹp trong các thập kỷ tới dường như là mối liên kết chính giữa nhận thức về biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết thực tế đang xảy ra trên toàn cầu.
Con người có thể kiểm soát rủi ro. Ảnh: Internet
Nếu con người có thể kiểm soát hoặc giảm bớt lượng khí thải nhà kính thì có thể hạn chế được các rủi ro liên quan tới những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các chuyên gia hiện vẫn đang nỗ lực nghiên cứu về những thay đổi của luồng khí quyển hẹp, tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời đưa ra những dự đoán, hướng giải pháp cho con người nhằm hạn chế được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nguồn: Independent, Dailymail