Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cục Quản lý Đại dương Khí quyển Mỹ (NOAA) nhận định, kỳ "siêu El Nino" năm 2015 đã biến năm kế tiếp (2016) trở thành năm nóng kỷ lục trong lịch sử.
Hiện tượng El Nino kéo theo loạt thảm họa thời tiết như nắng nóng, bão, lũ lụt đã và đang khiến hàng nghìn người thiệt mạng, tổn thất về của lên đến hàng trăm tỷ USD.
Các chuyên gia khí tượng thế giới đánh giá, biến đổi khí hậu sánh ngang với thảm họa vũ khí hạt nhân và thiên thạch lao vào Trái Đất. Tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ kết liễu mọi sinh vật sống trên Trái Đất.
Biến đổi khí hậu sánh ngang với thảm họa vũ khí hạt nhân và thiên thạch lao vào Trái Đất. Ảnh: Internet.
Điểm lại những thảm họa thời tiết trên thế giới:
Những con số tang thương
Trong những năm vừa qua, khắp các châu lục trên thế giới đều phải hứng chịu những thảm họa thời tiết khủng khiếp mà hệ quả của nó khiến con người phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.
Tính riêng năm 2015, năm xảy ra kỳ "siêu El Nino", có 1.200 người Pakistan chết vì sốc nhiệt và mất nước trong khi đó, tại Ấn Độ có 2.500 người chết vì nắng nóng.
Chưa kể, trận lũ lụt Sindh năm 2011 tại Pakistan khiến 434 người dân thiệt mạng, 5,3 triệu người và 1.524.773 căn nhà bị tàn phá.
Trận lũ lụt Sindh năm 2011 tại Pakistan khiến hàng triệu ngôi nhà bị tàn phá, gần 6 triệu người thương vong. Ảnh: Sindh Weather Portal (SWP).
Tại châu Phi, đợt hạn hán tồi tệ năm 2010 đã khiến 10 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo trầm trọng. Hàng triệu hộ gia đình bị mất mùa và gia súc.
Còn tại Nam Mỹ, trận lũ lụt và sạt lở đất đã khiến thủ đô của Brazil rơi vào cảnh tang thương chưa từng có trong lịch sử: Hơn 200 người bỏ mạng, hàng trăm người mất tích.
Trong khi đó, ở 2 cực của Trái Đất, băng vẫn không ngừng tan chảy trong sự lo lắng không nguôi của các chuyên gia thời tiết.
Riêng tại Việt Nam, theo số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ trong năm 2016, nước ta đã phải hứng chịu hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, bão lũ, hạn hán, nắng nóng.
Trình bày và số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Mặc dù đã được dự báo ít nhiều, thế nhưng, chưa bao giờ thế giới phải chứng kiến những hậu quả khủng khiếp từ sự "tức giận của tự nhiên". Dù ở bất cứ lục địa nào, dù ở bất cứ vùng khí hậu nào đi chăng nữa, con người vẫn đang phải chịu những tác động ghê gớm từ lốc xoáy, lũ lụt, cháy rừng, nắng nóng...
Mang tính chất nguy hiểm và quy mô rộng lớn là thế, nhưng nhiều người vẫn cho rằng hiện tượng thời tiết cực đoan (ví dụ như El Nino hay La Nina) và biến đổi khí hậu (nguyên nhân chính là do con người gây nên) là hai vấn đề hoàn toàn riêng rẽ.
Bài viết dày công của 4 chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới đệ trình lên Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc năm 2016 sẽ cho chúng ta cái nhìn thấu đáo về một trong những vấn đề đang được quan tâm trên toàn cầu hiện nay: Biến đổi khí hậu (Climate Change).
Dưới đây là nhận định của 4 chuyên gia hàng đầu thế giới về khí hậu, cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về mối quan hệ giữa thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu:
Nhóm chuyên gia, tác giả của bài viết về mối liên hệ giữa thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Trình bày ảnh: Mạnh Quân.
Suốt một thời gian dài, nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng thời tiết cực đoan thực chất chỉ là sự cộng hưởng với những dự báo trước về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo dõi những biểu hiện thất thường liên tục của thời tiết gần đây khiến các nhà nghiên cứu và người dân trên thế giới phải nhìn nhận lại vấn đề này.
Liệu rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan có phải là một dấu hiệu rõ nét của biến đổi khí hậu?
Hiểu được nỗi trăn trở này, các nhà nghiên cứu của IPCC đã rất nỗ lực để truy tìm mối liên kết "mơ hồ" giữa thực trạng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.
Định nghĩa biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan của WMO.
Việc tập trung nghiên cứu sâu về thời tiết cực đoan được cho là sẽ đem lại những lợi vô cùng to lớn cho xã hội, hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và cơ sở hạ tầng.
Trong bản báo cáo đệ trình lên Liên Hợp Quốc của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2012 có viết: "Biến đổi của khí hậu kéo theo hàng loạt các thay đổi bất thường về cường độ, tần suất, chu kỳ và thời gian của thời tiết cực đoan và các biến cố thời tiết". Điều này đồng nghĩa với việc, thời tiết cực đoan là biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Xét dưới góc độ khoa học, Trái Đất đang nóng lên vì loạt khí thải nhà kính (phần lớn do hoạt động của con người gây nên), hệ quả của việc nóng lên có thể thấy dễ dàng: Băng tan, nước biển dâng, nắng nóng khốc liệt hơn, lũ lụt khủng khiếp hơn...
Tất cả chúng đều diễn tiến theo tần suất và mức độ lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ tiền công nghiệp hồi thế kỷ 17, 18 - Thời kỳ mà con người chưa có nhiều hoạt động gây phát thải khí nhà kính ồ ạt.
Theo IPCC, hoạt động của con người là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet.
Tốc độ chuyển biến của các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra quá nhanh và có xu hướng gia tăng mạnh khiến ngay cả các phương tiện truyền thông ở một số quốc gia cũng khó mà bắt kịp khả năng hiểu biết khoa học về mối quan hệ qua lại giữa biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã từng công bố báo cáo khẳng định hoạt động của con người là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và cảnh báo về những hậu quả của hiện tượng Trái Đất đang ấm dần lên (biểu hiện rõ rệt nhất về biến đổi khí hậu).
Chuyên gia dẫn chứng cho mối quan hệ giữa:
Thời tiết cực đoan và Biến đổi khí hậu
Trận mưa lớn gây lũ lụt tồi tệ ở Anh, làm thiệt hại 646 triệu USD hồi tháng 1/2014, đã khiến nguyên Thủ tướng David Cameron phải thốt lên rằng, lũ lụt chính là hệ quả của biến đổi khí hậu!
"Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng gây mưa lớn, từ đó khiến lũ lụt hoành hành triền miên ở nhiều nơi.", - Trích báo cáo thường niên gửi WMO của bà Susan Joy Hassol.
Thực tế là, việc nóng lên của Trái Đất khiến nước ở các đại dương và sông ngòi bốc hơi dữ dội hơn, điều này dĩ nhiên dẫn đến việc sẽ có nhiều trận mưa lớn, gây lũ lụt trên diện rộng.
Tại Australia, mùa hè năm 2013 được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử quốc gia vùng châu đại dương. Nhiệt độ tăng cao không chỉ gây cháy rừng diện rộng ở vùng đông nam nước Úc mà còn gây lũ lụt tồi tệ ở vùng đông bắc. Giới khoa học nước này đã gọi mùa hè năm 2013 là "mùa hè giận giữ".
Hạn hán, nắng nóng kéo theo nạn cháy rừng trên diện rộng đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Hệ quả là phát thải khí độc vào bầu khí quyển. Ảnh: NBC News.
"Mùa hè nóng kỷ lục tại Australia năm 2013 là hệ quả từ các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu." - Trích lời của Sophie Lewis, chuyên gia khí hậu học tại trường Đại học Quốc gia Australia.
Trận lụt kinh hoàng tại Anh năm 2014 và thảm họa kép (cháy rừng và lũ lụt) tại Australia năm 2013 mới chỉ là 2 trong rất nhiều biến cố thời tiết khiến cho các nhà khoa học nhận thấy mối liên hệ giữa thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Vì, trong một hành tinh đang nóng dần lên, lũ lụt và nắng nóng là 2 biểu hiện rõ ràng nhất, tác động khủng khiếp nhất đến chính con người chúng ta.
Biến đổi khí hậu đang RẤT GẦN và RẤT THẬT
"Tuy nhiên, không chỉ dừng ở lũ lụt và nắng nóng, hiện nay, các biến cố thời tiết đang tăng lên mức báo động." - Trích lời của chuyên gia khí hậu thuộc WMO Patrick Luganda.
Báo cáo năm 2012 của IPCC đệ trình lên Liên Hợp Quốc có đoạn: "Thời tiết cực đoan hay các biến cố thời tiết là hệ quả của biến đổi khí hậu, trong đó, những hoạt động của con người góp đến 90% gây biến đổi khí hậu."
Trên thực tế, nhiều người vẫn nghĩ, những hệ lụy của thời tiết cực đoan đến từ cơn tức giận của tự nhiên chứ không phải do bàn tay con người gây nên.
Hiện nay, trên thế giới đang còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến việc nhận định xem thời tiết cực đoan có phải là hệ quả của biến đổi khí hậu hay không?
Trong khi chúng ta đang loay hoay đi tìm định nghĩa, thì những hệ quả tính bằng mạng sống của hàng triệu người vẫn đang hàng năm diễn ra: Nơi thì giông bão, lũ lụt, nơi thì hạn hán, nắng nóng rồi bão tuyết, cháy rừng...
Trong tất cả các nghiên cứu, chỉ có những con số thương vong, mất mát là rất thật!
Trong một cuộc họp với Ủy ban An ninh Liên bang Nga năm 2010, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng nói: "Khi cả thế giới nói về biến đổi khí hậu, khái niệm tưởng đâu xa xôi, thì chính chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng toàn cầu này. Nắng nóng tại miền Trung mát mẻ, gây hạn hán và cháy rừng - Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Nga!"
Chính chúng ta chứ không ai khác, không phải "thế lực" tự nhiên nào khác, đang khiến cho Trái Đất ngày càng quá tải và khác thường. Ảnh: Đại học Stanford.
Chúng tôi (4 chuyên gia tác giả) nhận thấy rằng, nếu con người chúng ta cứ luôn đổ lỗi cho tự nhiên gây nên hàng loạt các thảm họa tồi tệ mà không nhận ra rằng chính những hoạt động sinh sống của chúng ta góp phần rất lớn gây biến đổi khí hậu thì việc nâng cao ý thức của mỗi người (nhằm làm giảm phần gây biến đổi khí hậu) sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Vì chính chúng ta chứ không ai khác, không phải "thế lực" tự nhiên nào khác, đang khiến cho Trái Đất ngày càng quá tải và khác thường. Để rồi, lại chính con người và thế hệ tương lai đang phải chịu những hệ quả khôn lường từ thời tiết.
Việc nghiên cứu của giới khoa học cho thấy mỗi liên hệ giữa thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu phải được phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi người. Ý thức cộng đồng phải được nâng cao.
Đến khi đó, ngay cả việc nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi cũng góp phần làm giảm tác động xấu đến môi trường.
Các nhà khoa học khí tượng trên thế giới phải có những dự báo sớm hơn về thời tiết và tình hình biến đổi khí hậu của Trái Đất, để từ đó đưa ra những nhận định chính xác nhằm giảm nhẹ nguy cơ thiệt hại về con người và vật chất; đồng thời kịp đề ra những biện pháp ứng phó với thiên tai.
WMO hiện đang cấp thiết đưa ra các giải pháp tốt hơn trong cuộc chiến của con người với thời tiết.
Bài viết sử dụng nguồn: WMO.int