Theo quan điểm của họ, lực lượng tàu ngầm của Nga hiện tại chỉ bằng 1/5 số tàu ngầm mà Liên Xô từng có trước đây và chỉ một nửa trong số này có thể được điều động. Tuy nhiên, Hải quân Nga thực sự đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka của Nga
Một trong những sự kiện đánh dấu thời kỳ khó khăn của lực lượng tàu ngầm Nga, đó là vụ tàu K-141 Kursk bị chìm do ngư lôi của tàu phát nổ vào năm 2000.
Chỉ đến khi tàu Kursk bị chìm, dư luận Nga mới nhận ra những vấn đề hiện hữu mà Hải quân Nga phải đối mặt, đó là tàu chiến và tàu ngầm của họ đều không được bảo dưỡng kỹ càng, còn đội ngũ thủy thủ cũng không được huấn luyện bài bản.
Ông Micheal Kofman, một nhà nghiên cứu quân sự Nga nói rằng: “Sau vụ tàu Kursk, Nga gần như đã ngừng toàn bộ các hoạt động của tàu ngầm. Trong vài năm sau đó Hải quân Nga cũng không có bất kỳ hoạt động nào đáng kể”.
Sau đó, điện Kremlin đã có những bước đi nhằm cải thiện khả năng của Hải quân Nga, không chỉ đối với các loại khí tài quân sự mà còn cả về con người. Lực lượng này đã đạt được những kết quả khả quan trong quá trình huấn luyện thủy thủ, và ngày này tất cả đều là những người tình nguyện tòng quân và được ký hợp đồng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, mặc dù Hải quân Nga, cụ thể là lực lượng tàu ngầm, đã phát triển rất nhiều từ khủng hoảng sau Chiến tranh Lạnh, họ không có quân số và khả năng mà Hải quân Liên Xô trước đây từng có. Trước đây, Liên Xô từng có 250 tàu ngầm, còn giờ đây Nga chỉ có 1/5 số đó.
“Việc tàu ngầm Nga có thể hoạt động mạnh mẽ như thời Chiến tranh Lạnh là hoàn toàn không thể. Làm sao một lực lượng tàu ngầm chỉ bằng 1/5 của Liên Xô, trong đó số tàu có thể điều động chỉ bằng một nửa có thể hoạt động với tần suất ngang với lực lượng tàu ngầm lớn nhất thế giới?”.
Dù vậy, Nga cũng đã có những tiến bộ đáng kể với sự xuất hiện của các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, hiện đang thay thế dần các tàu lớp Delta-III đã cũ.
Ông Kofman nhận định Nga sẽ chế tạo toàn bộ 8 tàu lớp Borei đúng như kế hoạch ban đầu. Bởi các tàu này là một phần quan trọng trong chiến lược vũ khí hạt nhân của Nga, Moscow đã ưu tiên chi phí phát triển các loại tàu này.
Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen thì đang gặp khó khăn trong việc chế tạo. Mặc dù là một loại tàu ngầm hiện đại, chi phí của nó rất đắt đỏ khi nó tiêu tốn gấp hai lần ngân sách phát triển tàu Borei.
Thêm vào đó, Nga cũng chưa thể đưa tàu vào hoạt động quân sự do những lỗi kỹ thuật phát sinh trong các cuộc thử nghiệm. Thực tế chiếc tàu lớp Yasen đầu tiên đã phải trải qua nhiều năm thử nghiệm và chỉ được đưa vào sử dụng trong quân đội trong năm nay.
Trong khi đó, Nga tiếp tục chế tạo thêm tàu ngầm diesel Varshavyanka, còn có tên gọi là tàu Kilo cải tiến, sau khi tàu ngầm lớp Lada không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Tuy nhiên mặc dù tàu Kilo được nâng cấp sau nhiều năm được sử dụng trong quân đội, ông Kofman nói rằng thiết kế tàu nay đã lạc hậu và Nga cần một loại tàu mới.
Nga đang có kế hoạch chế tạo tàu Kalina, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới. Tàu sẽ được trang bị hệ thống động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (AIP) song ông Kofman cho rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hệ thống này.
Bên cạnh chế tạo các loại tàu ngầm mới, Hải quân Nga cũng nâng cấp các tàu ngầm hạt nhân lớp Shchuka-B và Antey. Chúng sẽ phóng được tên lửa P-800 Oniks, Kalibr và các loại tên lửa chống hạm khác.
Ông Kofman nói, tên lửa Kalibr sẽ cho phép các tàu của Nga có sức chiến đấu đáng kể, song ông nhận định rằng “tên lửa tầm xa sẽ rất hữu dụng nếu anh có thể phát hiện và phát hiện chính xác mục tiêu, và cho đến nay vẫn còn rất ít thông tin về cách thức xác định mục tiêu của tàu ngầm Nga hiện tại”.
Sau cùng, ông Kofman nói, mặc dù Hải quân Nga đang dần phát triển nhiều loại tàu chiến và trở nên lợi hại hơn trước, họ vẫn chưa thể sánh với Hải quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Vấn đề của Mỹ và NATO hiện tại chủ yếu là sự thiếu các loại vũ khí chống ngầm để chống lại các tàu ngầm của Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.