Lực lượng tàu ngầm - “công cụ” giúp Mỹ khắc chế tham vọng của Trung Quốc

Hồng Anh |

Lực lượng tàu ngầm là một trong những “công cụ” quan trọng giúp Mỹ duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tàu ngầm USS Seawolf . Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu ngầm USS Seawolf . Ảnh: Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ nhiều lần khẳng định rằng, lực lượng tàu ngầm của họ luôn trong tư thế sẵn sàng và đáp ứng mọi nhiệm vụ đặt ra.

Lực lượng tàu ngầm của Mỹ tại Thái Bình Dương cung cấp năng lực tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước, các cuộc tấn công chính xác trên bộ, khả năng tình báo, trinh sát, cảnh báo sớm, khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược.

Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, các tàu ngầm tấn công của lực lượng này đang thực hiện đồng thời “các hoạt động ứng phó với những tình huống bất ngờ” tại Tây Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ chính sách của Lầu Năm Góc về “một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Chiến dịch này không chỉ nhằm mục đích đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông mà còn bác bỏ những nhận xét cho rằng Hải quân Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.

Tờ Honolulu Star-Advertiser cho biết, ít nhất 7 tàu ngầm, hoặc nhiều hơn, trong đó có các tàu ngầm tấn công từ căn cứ Guam, tàu ngầm USS Alexandria từ căn cứ San Diego và nhiều tàu ngầm khác từ căn cứ Hawaii đã tham gia nỗ lực thể hiện sức mạnh của hải quân Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thực hiện các chiến lược hoạt động linh hoạt và khó đoán của Lầu Năm Góc.

Thông thường, Hải quân Mỹ chỉ thông báo về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm hùng hậu, vốn ít khi được nhìn thấy, để răn đe các lực lượng của đối phương. Nhưng trong trường hợp này, họ có lẽ muốn chứng minh rằng hạm đội tàu ngầm luôn đảm bảo sự linh hoạt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh một số tàu sân bay, chẳng hạn như USS Theodore Roosevelt, đang nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ vẫn duy trì được khả năng tiếp cận với các vùng biển quan trọng và khả năng triển khai nhanh chóng, vốn là một phần quan trọng trong năng lực ứng phó khủng hoảng và xung đột của hạm đội Thái Bình Dương.

Theo hải quân Mỹ, các tàu ngầm này đang tiến hành các đợt huấn luyện về nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sử dụng năng lực tác chiến dưới biến để hỗ trợ các nhiệm vụ khác nhau.

Chuẩn đô đốc Blake Converse, tư lệnh Lực lượng Tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương cho biết: “Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi luôn chứng minh có thể hoạt động mọi lúc, mọi nơi. Lực lượng này luôn giữ vững sự mạnh mẽ, linh hoạt và sẵn sàng chiến đấu bất kể thời gian nào”.

Lực lượng tàu ngầm - “công cụ” giúp Mỹ khắc chế tham vọng của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tàu ngầm hạt nhân USS Alexandria. Ảnh: Wikipedia.

Theo National Interest, tàu ngầm được coi là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm duy trì cán cân quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Hải quân Mỹ vẫn là trung tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Trước đó vào năm 2020, 3 tàu ngầm của Hạm đội 7 đã tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines, nhằm đảm bảo năng lực chiến đấu, cải thiện tính sát thương và sự sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ. Cuộc tập trận thể hiện sức mạnh của Hải quân Mỹ và cam kết của Washington nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như của các đối tác trong khu vực.

Chuẩn Đô đốc Jimmy Pitts, chỉ huy chỉ huy Trung tâm phát triển tác chiến trong lòng biển của hải quân Mỹ của hải quân Mỹ, cho biết “yếu tố then chốt dẫn đến sự thành công của lực lượng tàu ngầm là khả năng sử dụng các năng lực tác chiến dưới biển để hỗ trợ cho nhiều nhiệm vụ khác".

"Như những gì cuộc tập trận cho thấy, các lực lượng của Hạm đội 7 đều được trang bị đầy đủ trong các đợt huấn luyện và nâng cao sự phối hợp với đối tác", ông Pitts nói.

Hiện, Hải quân Mỹ có lực lượng tàu ngầm lớn hơn Trung Quốc khi xét về số lượng. Mỹ có 68 tàu ngầm, trong khi Trung Quốc có 66 chiếc. Hạm đội tàu ngầm Mỹ có những tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, hơn hẳn về kích thước, tốc độ, có độ ồn thấp hơn và trang bị vũ khí nhiều vũ khí hiện đại. Sở hữu khả năng cơ động âm thầm dưới biển, tàu ngầm Mỹ có thể bí mật bất ngờ tấn công đối phương bằng ngư lôi và tên lửa từ bất cứ nơi nào dưới đáy biển sâu.

Xét về số lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Mỹ có 50 chiếc còn Trung Quốc chỉ có 7 chiếc. Nhiều tàu ngầm của Trung Quốc vẫn chạy bằng động cơ điện - diesel, nhỏ hơn và có tầm hoạt động hẹp hơn nhiều so với các tàu ngầm mà Hải quân Mỹ đang vận hành.

Mỹ đang có kế hoạch đóng thêm nhiều tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới cho lực lượng hải quân và dự kiến tăng thêm số lượng tàu ngầm lớp Virginia. Theo kế hoạch đóng tàu hải quân của Mỹ, số tàu ngầm sẽ tăng từ 70 trong năm 2022 lên 92 chiếc vào năm 2051.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại