Lực lượng hải quân nhỏ, trang bị vũ khí "hàng Tàu" và cổ lỗ nhưng lại khiến Mỹ khiếp vía

QS |

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, đây là một trong những lực lượng hải quân nhỏ nhất nhưng "hung hăng" nhất trong khu vực.

Hàng thập kỷ cấm vận và bị áp đặt các lệnh trừng phạt đã bóp nghẹt các nỗ lực hiện đại hóa của họ, khiến quy mô của hải quân Iran nhỏ hơn mong đợi, chỉ có trang bị chủ lực là các khinh hạm, tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển và các tàu tấn công nhanh vũ trang hạng nhẹ tự chế tạo trong nước.

Tuy nhiên, bất chấp quy mô này, tầm quan trong chiến lược của vịnh Ba Tư và vị trí tiếp giáp của Iran đối với các nguồn cung cấp dầu mỏ trên thế giới vẫn mang lại cho hải quân Iran cơ hội tiếp cận rộng rãi một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên địa cầu.

Trong quá khứ, Iran là một cường quốc lục quân, sức mạnh không quân là ưu tiên số 2 và hải quân chỉ đứng ở vị trí số 3, kém quan trọng nhất trong 3 lực lượng.

Hải quân Iran dưới thời phong kiến có quy mô khiêm tốn nhất: Năm 1976, Hải quân Hoàng gia Iran chỉ có 4 khinh hạm trang bị các tên lửa dẫn đường Sea Killer và Seacat. Chúng được hỗ trợ bởi 25 tàu tuần tra, 6 tàu quét mìn và 1 cặp xuồng đổ bộ.

Một tiểu đoàn vận tải đường không của hải quân được trang bị 35 trực thăng Bell, chúng có khả năng hạ cánh xuống các giàn khoan dầu và nhiều đảo nhỏ ở vịnh Ba Tư.

Vua Iran khi ấy có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô hạm đội. Hải quân Iran dự kiến sẽ được tăng cường 3 tàu ngầm cũ lớp Tang, 4 tàu khu trục cải tiến lớp Spruance và 12 tàu tuần tra trang bị tên lửa hành trình chống tàu Exocet.

Tuy nhiên, kế hoạch mua phần lớn số trang bị này đã phải hủy bỏ sau khi vua Iran bị lật đổ và Iran chuyển sang chế độ thần quyền, dưới sự lãnh đạo tối cao của Ayatollah Khomeini.

Dưới chế độ này, Hải quân Hoàng gia Iran được đổi thành Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIN). Chế độ mới đã công khai thái độ thù địch với Mỹ và phương Tây. Vì thế, các thỏa thuận cung cấp tàu ngầm và tàu khu trục cho Iran đều không được thông qua. Các tàu khu trục này sau đó đã được hoàn thiện cho Hải quân Mỹ, xếp vào tàu lớp Kidd.

Lực lượng hải quân nhỏ, trang bị vũ khí hàng Tàu và cổ lỗ nhưng lại khiến Mỹ khiếp vía - Ảnh 1.

Sau khi bị Mỹ loại biên, các tàu khu trục lớp Kidd được bán lại cho Đài Loan. Tại đây, chúng được gọi là lớp Kee Lung.

Cuộc chiến tranh Iran-Iraq trong giai đoạn 1980-1988 chủ yếu diễn ra trên bộ và trên không. Và mặc dù 2 nước có chia ranh giới trên biển nhưng không có cuộc hải chiến đáng kể nào được sử sách ghi lại.

Thay vì tiến hành các cuộc tấn công đường biển, hai quốc gia này lại ưa thích tấn công từ trên bộ/trên không nhằm vào các mục tiêu trên biển, sử dụng các loại bom và tên lửa, đặc biệt là nhắm vào các tàu chở dầu của đối phương.

Chỉ có một lần Hải quân Iran hành động, đó là trong giai đoạn 1987-1988, nhằm chống lại Hải quân Mỹ.

Các lực lượng Iran đã rải thủy lôi ở eo biển Hormuz để làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu mỏ trong khu vực, khiến khinh hạm mang tên lửa dẫn đường USS Samuel B. Roberts của Mỹ bị hư hại.

Trong một bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho biết, mặc dù có thiết kế cổ từ thời Thế chiến I nhưng suýt chút nữa thủy lôi của Iran đã đánh chìm khinh hạm USS Samuel B. Roberts.

Để đáp trả, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó đã ra lệnh cho không quân và hải quân Mỹ tiến hành cuộc tấn công trừng phạt nhằm vào hải quân Iran.

Trong chiến dịch Praying Mantis, tàu tuần tra Joshan (trang bị tên lửa Harpoon) và khinh hạm Sahand của Iran đã bị đánh chìm, còn khinh hạm Sabalan bị hư hại nặng.

Những tổn thất hải quân Iran phải hứng chịu từ Hải quân Mỹ trong 48 giờ đồng hồ thậm chí còn nhiều hơn những tổn thất mà quân Iraq gây ra cho họ trong 8 năm chiến tranh.

Hai lực lượng hải quân

Trong những năm 1980, lực lượng hải quân thứ hai của Iran ra đời, gọi là lực lượng hải quân của Vệ Binh Cách Mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

IRGC là tổ chức bán quân sự tách biệt với lực lượng thông thường. Hải quân IRGC ban đầu là lực lượng đặc biệt quy mô lớn, được trang bị hàng trăm tàu cao tốc, nhiều chiếc trong số này do công ty Boghammer của Thụy Điển chế tạo, trang bị súng máy 12.7mm, súng phóng lựu RPG và các ống phóng rocket 107mm.

IRGC rất giỏi trong việc "quấy rối" các hoạt động lưu thông hàng hải trong khu vực và đe dọa "vây" các tàu chiến cỡ lớn của nước ngoài, đặc biệt là các tàu hải quân Mỹ.

Lực lượng hải quân nhỏ, trang bị vũ khí hàng Tàu và cổ lỗ nhưng lại khiến Mỹ khiếp vía - Ảnh 2.

Tàu USS Thunderbolt của Hải quân Mỹ chạm trán một tàu Iran ngày 25/7/2017

Ngoài các trang bị trên, IRGC còn quản lý các tổ hợp tên lửa Silkworm do Trung Quốc chế tạo, được bố trí trên bờ biển Iran.

Tuy nhiên, IRGC đã thiệt hại 3 tàu cao tốc (bị phá hủy hoặc hư hại nặng) trong chiến dịch Praying Mantis.

Các lệnh cấm vũ khí của phương Tây đã làm hạn chế khả năng tái thiết của Iran.

Hiện nay, hải quân IRGC duy trì một hạm đội gồm 10 tàu tuần tra bờ biển Houdong do Trung Quốc chế tạo, mỗi tàu trang bị các tên lửa chống hạm Ghader.

Theo Văn phòng tình báo hải quân của Hải quân Mỹ, IRGC còn có 46 tàu tuần tra của Trung Quốc và Triều Tiên với kích cỡ nhỏ hơn, trang bị tên lửa chống hạm hoặc ngư lôi, có khả năng đạt tốc độ tới 40-50 hải lý.

Bên cạnh đó, IRGC còn có một hạm đội tàu cao tốc, xuồng tấn công nhanh ven bờ trang bị các loại vũ khí hỗ trợ bộ binh và có khả năng rải thủy lôi.

Lực lượng hải quân nhỏ, trang bị vũ khí hàng Tàu và cổ lỗ nhưng lại khiến Mỹ khiếp vía - Ảnh 3.

Một tàu cao tốc của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Trong khi đó Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIN) hướng tới các tàu lớn hơn, đắt đỏ hơn, mạnh hơn nhưng tái thiết chậm hơn.

Thậm chí tới cuối năm 2007, các tàu chiến chủ lực của IRIN chỉ có 3 khinh hạm Vosper Mk.5 lớp Alvand.

Được chế tạo vào cuối những năm 1960 và có lượng giãn nước chỉ 1.100 tấn, đã có 4 chiếc tàu lớp này được xây dựng nhưng 1 chiếc đã bị phá hủy trong chiến dịch Praying Mantis.

Các tàu khác của IRIN bao gồm 10/12 tàu hộ tống tên lửa lớp Combattante II mua từ Pháp và các tàu sao chép, tự sản xuất trong nước, trang bị tên lửa chống hạm C-802 Ying Ji do Trung Quốc chế tạo.

IRIN còn có 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo mua từ Nga và 14 tàu ngầm mini lớp Yono mua từ Triều Tiên (một chiếc tàu lớp này của Triều Tiên từng đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc vào năm 2010).

Trong 10 năm qua, IRIN đã có một khoản tài trợ nhỏ, bổ sung được thêm 11 tàu trang bị tên lửa C-704 và C-802 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, họ đã đưa vào biên chế 2 khinh hạm mới lớp Jamaran – phiên bản sao chép của khinh hạm Vosper, trang bị 1 pháo 76mm, 3 pháo 23mm và 4 pháo 40mm, tên lửa phòng không Standard, ngư lôi, các tên lửa C-704 hoặc C-802.

Thêm 4 tàu Jamaran nữa và 7 tàu tấn công nhanh lớp Sina đang được chế tạo để thay thế các tàu Combattantes.

Lực lượng hải quân nhỏ, trang bị vũ khí hàng Tàu và cổ lỗ nhưng lại khiến Mỹ khiếp vía - Ảnh 4.

Một cuộc tập trận của lực lượng hải quân Vệ Binh Cách Mạng Hồi giáo Iran (IRGC)

Do Iran có đường bờ biển dài, lại nằm trên một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất của thế giới nên đối với họ, các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển trở thành vũ khí hiệu quả.

Iran có các tổ hợp tên lửa C-802, cùng các phiên bản nội địa Ghadir và Ghader, với tầm bắn từ 200-300km.

Không quân của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran – lực lượng quản lý phần lớn các tên lửa đạn đạo của Iran – đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo chống tàu có khả năng tấn công các tàu chiến đối phương trên biển vào tháng Ba năm nay.

Nhìn chung, lực lượng hải quân là một phần quan trọng trong phòng thủ quốc gia Iran. Mặc dù bị xem nhẹ nhưng IRGN và IRIN vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công phức tạp, đa hướng bằng tên lửa chống tàu nhằm vào các tàu hải quân nước ngoài.

Theo chuyên gia Mizokami, đây là các lực lượng "nhỏ nhưng có võ", có thể tạo ra mối đe dọa đối với bất kỳ lực lượng hải quân nào cản đường mình.

Tàu USS Thunderbolt chạm trán tàu Iran, buộc phải bắn súng máy cảnh cáo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại