Câu chuyện bác sĩ Hoàng Công Lương, bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra do có liên quan đến sự cố y khoa làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong khiến nhiều bác sĩ xót xa và việc đúng hay sai còn phải chờ kết luận cụ thể của cơ quan cảnh sát điều tra.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cho biết, ông đã theo dõi khá kỹ quá trình khởi tố, bắt các đối tượng có liên quan đến sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Theo ông, qua những gì báo chí đăng tải thì bác sĩ Lương đã cho chạy thận khi chưa có văn bản bàn giao và vì lỗi này mà bị truy tố, bắt tạm giam.
Tuy nhiên, trong kết luận điều tra của cơ quan công an cho thấy, nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là do nhiễm độc các hóa chất tồn dư cao gấp rất nhiều lần trong hệ thống máy lọc nước dẫn vào máy lọc thận.
"Còn lỗi của bác sĩ Lương trong việc chưa có văn bản bàn giao mà đã tiến hành chạy thận thì chỉ là về quy tắc hành chính và không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người.
Cũng cần nói rõ, Quy chế Khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành đã quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các chức danh trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thì việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến việc mua bán, tiếp nhận thiết bị, vật tư y tế là của bộ phận hành chính hoặc những người có trách nhiệm, quyền hạn được giám đốc bệnh viện giao nhiệm vụ.
Như vậy, bác sĩ Lương khi thực hiện khám chữa bệnh chỉ chịu trách nhiệm với y lệnh của mình chứ không phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh đã được bệnh viện tiếp nhận bằng các giao dịch hợp pháp.
Việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu là do đơn vị cung cấp, bảo dưỡng thiết bị định kỳ theo hợp đồng thực hiện và trách nhiệm là của ban giám đốc, phòng ban liên quan, nhân viên kỹ thuật chứ không phải thuộc về bác sĩ", luật sư Thiệp nói.
LS Lê Văn Thiệp.
Luật sư Thiệp cũng đặt vấn đề, nếu bác sĩ Lương ký bàn giao xong thì liệu nguồn nước đó có trở nên đảm bảo, hoàn hảo hay không? Nếu bác sĩ chờ có văn bản bàn giao rồi mới cho chạy thận nhân tạo, thì thảm họa có xảy ra không?
"Theo tôi, dù thế nào thì thảm họa vẫn xảy ra, vì bác sĩ Lương đâu có thể nào bằng mắt thường mà biết được nguồn nước đó không bảo đảm chất lượng.
Mọi chuyện sẽ vẫn như vậy nhưng có lẽ bác sĩ Lương sẽ được coi là làm đúng quy định và không bị rơi vào vòng lao lý.
Lẽ ra, với việc chỉ bàn giao qua điện thoại của bác sĩ Lương rồi chỉ định cho chạy thận chỉ là vi phạm quy tắc hành chính thì xử lý về hành chính còn việc khởi tố, bắt tạm giam tôi cho là không phù hợp. Nó cũng không tuân thủ quy chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế cũng như các quy định khác của pháp luật", ông Thiệp nêu rõ.
Một ý kiến khác cũng được luật sư Thiệp chỉ ra, đó là nếu giả thiết, trong trường hợp bác sĩ Lương chờ vào thủ tục hành chính là văn bản bàn giao mà không chỉ định chạy thận khiến bệnh nhân tử vong thì khi đó trách nhiệm thuộc về ai và hậu quả do ai gánh chịu?
Ông mong các cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật còn việc khởi tố, bắt bác sĩ khi họ chỉ sai về quy tắc hành chính là không nên, cần xem xét lại.