Đây là di tích vật thể đầu tiên trên cả nước do 2 địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia và trùng tu bảo vệ.
Hải Vân Quan được xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân, ở độ cao 490 mét so với mực nước biển, nằm giữa địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đây là cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự của triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng.
Trước cổng quay về tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi 3 chữ "Hải Vân Quan", mặt quay về phía Đà Nẵng có 6 chữ "Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan", để khắc ghi vẻ đẹp hùng vĩ của cửa ải này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia lịch sử đều cho rằng: Triều Nguyễn đã đưa vị thế của Hải Vân Quan lên một tầm cao mới trong việc biến nơi đây trở thành một pháo đài quân sự, một cứ điểm phòng thủ từ xa trong hệ thống phòng thủ quanh Kinh đô Huế.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Bang, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế khẳng định, đây là một trong những quan ải hùng tráng ở Việt Nam: "Năm 1858 khi Pháp đánh vào Đà Nẵng, huy động toàn bộ lực lượng đánh trên bộ vượt qua Hải Vân Quan để ra kinh đô Huế nhưng chúng bất lực trước khả năng phòng vệ và chiến đấu kiên cường của quân đội Triều đình Huế tại Hải Vân Quan.
Cho thấy vị trí Hải Vân Quan cực kỳ lớn trong chiến lược phòng thủ đất nước, trong đó bảo vệ kinh đô Huế".
Sau hơn 190 năm tồn tại, một thời gian dài Hải Vân Quan rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”; không được trùng tu, quản lý, bảo vệ nên xuống cấp nghiêm trọng. Một số hạng mục di tích bị hủy hoại, dấu vết không còn rõ.
Một số công trình xây dựng, lều quán xâm hại di tích, du khách tham quan viết bậy lên tường, phóng uế, xả rác bừa bãi.
Đến cuối năm 2016, ngành Văn hóa 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã ngồi lại bàn cách bảo vệ Hải Vân Quan bằng việc lập hồ sơ chung, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Hải Vân Quan. Đây là cơ sở giúp 2 địa phương phối hợp trùng tu, bảo vệ di tích.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng, trước mắt sẽ cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích; sau đó, tiến hành đánh giá hiện trạng chất lượng di tích, xây dựng kế hoạch trùng tu: "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch dài hạn bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản của Hải Vân Quan.
Xây dựng cơ chế để kiểm soát, quản lý khai thác như thế nào cho phù hợp. Di tích Hải Vân Quan là danh thắng rất nổi tiếng.
Do đó việc khai thác phát huy giá trị di sản này hết sức thuận lợi. Xu hướng chúng tôi tán thành là quản lý về mặt nhà nước, còn huy động nguồn lực phát huy giá trị di sản thì quản lý làm theo hướng xã hội hóa."
Lâu nay, một số di tích phi vật thể đã được nhiều địa phương chung tay bảo vệ nhưng Hải Vân Quan là di tích vật thể đầu tiên trên cả nước được 2 địa phương làm hồ sơ chung, đề nghị công nhận di tích quốc gia.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, Hải Vân Quan đã là “tài sản” văn hóa chung.
Sau khi được cắm mốc bảo vệ sẽ tháo dỡ các công trình xâm lấn, di dời lều quán ra khỏi khu vực di tích. Hai địa phương đang có kế hoạch xây dựng thành điểm du lịch phục vụ khách tham quan.
Hiện cả 2 địa phương đang soạn bộ tiêu chí chung trong việc trùng tu, bảo vệ và khai thác giá trị văn hóa di tích này.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, sau khi bàn giao cho ngành du lịch khai thác, tiền bán vé được dùng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích.
Mai này, di tích “Thiên hạ Đệ nhất hùng quan” sẽ là điểm đến hấp dẫn khách tham quan. Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn là dịp để tìm hiểu, nghiên cứu ý nghĩa lịch sử của vùng đất này./.