Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực, nhiều nước phản đối mạnh mẽ

Hồng Anh |

Ngay từ lúc còn là dự thảo cho đến khi chính thức có hiệu lực, luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Sekaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: JCG.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Sekaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: JCG.

Hôm nay (1/2), luật Hải cảnh của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, luật Hải cảnh được đưa ra nhằm làm rõ vai trò và quyền hạn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, chính sách hàng hải của nước này vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, ngay từ lúc còn là dự thảo cho đến khi chính thức có hiệu lực, luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Philippines. Đã có những lo ngại ngày càng gia tăng về việc Trung Quốc có thể thực hiện nhiều hành động gây hấn hơn tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Thượng nghị sỹ Francis Tolentino – Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Philippines ngày 31/1 cho rằng, Bộ Ngoại giao nước này nên triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian để giải thích lý do tại sao Bắc Kinh lại vội vã thông qua luật này.

Theo ông Francis Tolentino, luật mới của Trung Quốc đã vi phạm một số quy chế quốc tế, trong đó có Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.

Phát biểu với dzBB, ông Tolentino cho biết: “Theo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp đều bị cấm. Có rất nhiều luật lệ đang bị vi phạm ở đây”.

Thượng nghị sỹ Francis Tolentino kêu gọi ASEAN hoặc ít nhất là các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đánh giá động thái tiếp theo của Trung Quốc và xem xét khả năng đệ trình công hàm phản đối chung lên Liên Hợp Quốc.

“Công hàm phản đối chung sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi (Philippines) có thể khởi xướng việc này”, ông Tolentino nói.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ đối với luật Hải cảnh của Trung Quốc. NHK ngày 2/1 dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ, luật này có thể làm “lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”.

Hiện, Tokyo đang chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc có thể gia tăng hành động quân sự ở biển Hoa Đông, nơi hai bên đang có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một số thành viên trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Nhật Bản cho biết, lực lượng phòng vệ nước này nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc ứng phó với tình hình.

Ông Iida Masafumi – chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản cho rằng, Tokyo nên đề cao cảnh giác.

Chuyên gia này nhấn mạnh, vẫn còn phải xem xét liệu Trung Quốc có sẵn sàng sử dụng vũ khí theo luật mới hay không, song ông cho rằng có khả năng lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ thể hiện đầy đủ năng lực của họ khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại