"Đại gia Trung Đông" chi khủng cho hải quân: Thẳng tiến tới thời kỳ hoàng kim!

QS |

Theo Navy Recognition, 2022 sẽ là năm Hải quân Qatar tiến gần tới thời kỳ hoàng kim trong lịch sử.

Cũng như nhiều nước láng giềng Vùng Vịnh, sự thịnh vượng của Qatar chủ yếu nhờ vào dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của Qatar là 15 tỷ thùng. Trong 50 năm, dầu mỏ đã biến Qatar từ đất nước ngư nghiệp nghèo trở thành "đại gia".

Trước khi bị các nước đồng minh "từ mặt" vì cáo buộc cổ súy chủ nghĩa khủng bố, Qatar đã nhanh chân hiện đại hóa quân đội bằng những khoản đầu tư khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lục quân và không quân.

Không dừng lại ở đó, mới đây, Qatar đang tích cực đầu tư cho hải quân, với tham vọng trở thành một lực lượng đáng gờm trên biển.

Tại Hội nghị và Triển lãm Quốc phòng Hàng Hải Quốc tế Doha (DIMDEX 2018), Hải quân Qatar đã giới thiệu mô hình hạm đội tương lai, căn cứ hải quân cũng như các cơ sở huấn luyện của mình.

Theo Navy Recognition, 2022 sẽ là năm ghi nhận những bước tiến thực sự và rõ rệt của Qatar. Đây cũng sẽ là năm báo hiệu Hải quân Qatar đang tiến gần tới thời kỳ hoàng kim trong lịch sử.

Lực lượng hải quân nhỏ bé

Theo trang mạng Global Security, tính đến năm 2010, quân số của lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển Qatar là 1.800 người, được trang bị 21 tàu tuần tra và chiến đấu ven biển, cùng 1 tàu đổ bộ.

Hải quân Qatar có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra bờ biển (nhưng chỉ là các đợt triển khai ngắn), chống buôn lậu, cướp biển. Mục tiêu chính của họ là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Qatar.

Qatar có 2 căn cứ hải quân ở Doha và đảo Halul. Ngoài tham gia các hoạt động diễn tập trong nước, lực lượng hải quân thường tham gia huấn luyện với các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), cũng như Pháp và Anh.

Đại gia Trung Đông chi khủng cho hải quân: Thẳng tiến tới thời kỳ hoàng kim! - Ảnh 1.

Cặp tàu tấn công nhanh lớp Vita được bàn giao cho Hải quân Qatar từ năm 1998. Ảnh: Naval Technology

Tuy nhiên, mức độ đào tạo và cọ xát này được đánh giá là chưa đủ đối với Hải quân Qatar. Ngoài ra, phần lớn trang bị của họ đều đã lỗi thời, dù Qatar vẫn nỗ lực nâng cấp chúng với hy vọng có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tới năm 2014, tại triển lãm DIMDEX, trang bị của lực lượng hải quân mới có sự khởi sắc khi nhà máy đóng tàu Nakilat Damen Qatar ký biên bản ghi nhớ cung cấp 1 tàu hỗ trợ lặn dài 52m và 6 tàu tuần tra cho Hải quân Qatar với tổng giá trị 823 triệu USD.

Lực lượng bảo vệ bờ biển dự kiến mua 17 tàu tuần tra nhanh từ nhà máy đóng tàu Ares Thổ Nhĩ Kỳ (2 tàu dài 46m, 10 tàu dài 33m và 5 tàu dài 23m).

Lột xác mạnh mẽ

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực chiến đấu, đáp ứng các thách thức và đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực, vài năm trở lại đây, Hải quân Qatar ngày càng được hiện đại hóa trang thiết bị trên quy mô lớn để bắt kịp với các bước phát triển công nghệ và khoa học mới nhất.

Để đạt được mục tiêu trong chương trình Tầm nhìn Hải quân, Qatar hiện đang tiến hành toàn bộ các dự án phát triển và hiện đại hóa trang thiết bị tương lai, cũng như các dự án huấn luyện và phục hồi các cơ sở quân sự.

Hải quân Qatar đã chọn lọc các công ty nước ngoài tốt nhất để mua sắm trang vũ khí cho lực lượng, đồng thời tìm kiếm đối tác mới để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao khả năng tác chiến.

Năm 2015, Qatar bắt đầu tích cực tìm kiếm tàu hộ tống cho Hải quân. Các cuộc đàm phán đã được tiến hành với Etihad Ship Building - công ty liên doanh với tập đoàn Fincantieri của Italia về khả năng nâng cấp hoặc đóng tàu mới cho hải quân Qatar.

Các quan chức trong nước đề nghị tăng cường năng lực cho hải quân với 4 tàu hộ tống. Một trong những mẫu tàu tiềm năng được lựa chọn là lớp SIGMA của tập đoàn DAMEN.

Tại triển lãm DIMDEX 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Roberta Pinotti đã sang Qatar nhằm thảo luận khả năng cung cấp 4 tàu hộ tống và 1 tàu hỗ trợ cho Hải quân Qatar. Trước đó, Pháp cũng đề nghị cung cấp tàu hải quân cho Qatar nhưng chưa đi đến kết quả nào.

Đại gia Trung Đông chi khủng cho hải quân: Thẳng tiến tới thời kỳ hoàng kim! - Ảnh 2.

Mẫu LPD của Qatar được phát triển dựa trên mẫu San Giusto của Hải quân Italia

Mới đây nhất, tại triển lãm DIMDEX 2018, Hải quân Qatar đã lần đầu tiên trưng bày mô hình tàu đổ bộ (LPD) phòng không mà họ dự định đưa vào trang bị trong tương lai.

Con tàu này nằm trong hợp đồng đóng 7 tàu mà Qatar ký kết với tập đoàn Fincantieri (Italia) vào tháng 6/2016. Các tàu còn lại bao gồm 4 tàu hộ tống phòng không dài hơn 100m và 2 tàu tuần tra xa bờ (OPV).

Mẫu LPD phòng không của Qatar là phiên bản sửa đổi của mẫu tàu đổ bộ lớp San Giusto trong biên chế Hải quân Italia.

Dự kiến con tàu sẽ được trang bị pháo chính 76mm (hãng Leonardo sản xuất), 16 ống phóng thẳng đứng triển khai tên lửa phòng không Aster 30 (của MBDA), 4 bệ pháo điều khiển tự động Marlins 30mm (Leonardo).

Hiện trên mô hình tàu chưa thấy có tên lửa chống hạm, tuy nhiên, các trực thăng NH90 trên tàu có khả năng triển khai tên lửa Marte ER (của MBDA).

Tàu LPD được thiết kế để mang lại khả năng phòng thủ tầm xa cho Hải quân Qatar trong tương lai, và sẽ được triển khai cùng với các tàu hộ tống. Nó sẽ đóng vai trò như trạm radar cho các tàu hộ tống phòng không và các tên lửa Aster 30 của chúng.

Hải quân Qatar, Mỹ tập trận chung tại vịnh Ba Tư

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại