Bóc trần bí mật "bẩn" về vũ khí hạt nhân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên

QS |

Triều Tiên đã phải trải qua 33 năm đối mặt với vũ khí hạt nhân Mỹ ngay bên kia biên giới.

Mỹ đã "nuốt lời" trước

Trong lúc Tổng thống Donald Trump chuẩn bị cho một cuộc họp có khả năng diễn ra với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thì nhiều người Mỹ lên tiếng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng từng phá vỡ các thỏa thuận vũ khí trước đây.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Walter Pincus trên tờ New York Times, những ai đang hoài nghi nên nhớ rằng vào năm 1958, Mỹ từng phá vỡ Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953, khi chính quyền cố Tổng thống Eisenhower đưa những vũ khí hạt nhân đầu tiên vào Hàn Quốc.

Từ giữa những năm 1960, Mỹ đã có hơn 900 đạn pháo hạt nhân, bom chiến thuật, rocket/tên lửa đất-đối-đất, tên lửa phòng không và mìn hạt nhân tại Hàn Quốc. Thậm chí đạn hạt nhân dùng cho súng không giật Davy Crockett cũng được triển khai tại Hàn Quốc trong vài năm.

Bóc trần bí mật bẩn về vũ khí hạt nhân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Súng không giật Davy Crockett của quân đội Mỹ. Ảnh: Wiki

Sự hiện diện của số vũ khí trên có lẽ đã thúc đẩy Triều Tiên tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân.

Mặc dù toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được chuyển khỏi Hàn Quốc vào năm 1991 nhưng chính quyền Seoul vẫn đứng dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ - điều được xem là một động lực để Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì kho vũ khí của mình.

"Nguy cơ ‘vũ khí hạt nhân Mỹ có thể được sử dụng để chống lại Triều Tiên’ đã trở thành yếu tố trung tâm trong tư duy chiến lược và mọi hành động của Bình Nhưỡng kể từ đó" - Joseph S. Bermudez Jr., chuyên gia Triều Tiên, viết trong một tài liệu năm 2015.

Bóc trần bí mật bẩn về vũ khí hạt nhân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 2.

Đầu đạn nguyên tử W-54 sử dụng cho súng Davy Crockett. Ảnh: Wiki

Bí mật "bẩn"

Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953, với mục đích tạm dừng cuộc chiến đẫm máu kéo dài 3 năm, đã đưa điều khoản cấm lực lượng Liên Hiệp Quốc (do Mỹ dẫn đầu) hoặc Triều Tiên và Trung Quốc đưa thêm đạn dược hay các loại vũ khí mới tới bán đảo Triều Tiên.

Thậm chí theo hiệp định này, một đội kiểm tra đã được thành lập, với các thành viên đến từ các quốc gia trung lập, nhằm giám sát các hoạt động vận chuyển vũ khí của các bên liên quan trong thời gian sau đó.

Tuy nhiên, các tài liệu được giải mật của Mỹ sau này đã nêu chi tiết rằng, do quan ngại về chi phí phòng thủ Hàn Quốc và lo lắng về sức mạnh quân đội Triều Tiên (được Trung Quốc hậu thuẫn), chính quyền cố Tổng thống Eisenhower đã đồng ý chuyển các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc.

Đổi lại, ông Eisenhower hy vọng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ (JSC) sẽ hỗ trợ giảm bớt số lượng binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên, bởi Mỹ đang phải "nuôi" số quân này với chi phí khá tốn kém, khoảng 650 triệu/năm cho riêng số binh sĩ Hàn Quốc.

Kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc bắt đầu vào năm 1956. Theo một biên bản ghi nhớ được giải mật, vào ngày 28/11/1956, cuộc họp giữa các quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã diễn ra với chủ đề "Đề xuất cho phép đưa ‘Honest John’ (hệ thống rocket có khả năng bắn đạn hạt nhân) và pháo 280mm tới bán đảo Triều Tiên".

Bóc trần bí mật bẩn về vũ khí hạt nhân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 3.

Hệ thống rocket có khả năng bắn đạn hạt nhân Honest John. Ảnh: Wiki

Theo bản ghi nhớ, nhóm cố vấn của Lầu Năm Góc cho rằng các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc "nên được cho phép trang bị vũ khí lưỡng dụng", đồng thời lưu ý rằng hệ thống rocket Honest John và pháo 280mm "đều có khả năng bắn đạn thông thường và hạt nhân".

Trong khi đó, cố vấn chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ Herman Phleger cho rằng 2 hệ thống vũ khí trên "sẽ vi phạm" hiệp định đình chiến.

Theo ông Phleger, chúng sẽ gây ra sự mất cân bằng (trong khu vực), vi phạm tinh thần của hiệp định, nhất là khi các quan chức Mỹ không thể đưa ra bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã triển khai vũ khí hạt nhân.

Để bảo vệ quan điểm của mình, các quan chức Lầu Năm Góc tranh cãi rằng, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã xem việc triển khai các hệ thống Honest John và Davy Crockett là cần thiết, xét trên lập trường quân sự.

Ngoài ra, họ cho rằng, Triều Tiên đã vi phạm hiệp định trước, khi trang bị các loại pháo mới và máy bay chiến đấu tính năng cao. Vì thế, Mỹ không cần thiết phải tôn trọng các quy tắc ràng buộc này.

Theo tài liệu ghi chép lại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 13/6/1957, Đô đốc Arthur Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã nói ngắn gọn rằng, kế hoạch quân sự của Mỹ đối với Hàn Quốc không thể tiếp tục "nếu không thể dựa vào vũ khí hạt nhân".

Tổng thống Eisenhower đồng tình việc Mỹ nên đưa các máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông lưu ý, nếu quyết định đưa các hệ thống rocket Honest John và pháo 280mm tới Hàn Quốc thì Mỹ sẽ phải "giải thích lý do triển khai với toàn thế giới" bởi chúng quá gây chú ý.

Ngày 21/6/1957, quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Đình chiến của Liên Hiệp Quốc (UNCMAC) - Thiếu tướng Homer L. Litzenberg tuyên bố, do Triều Tiên đã vi phạm hiệp định nên UNCMAC sẽ không còn chịu sự giới hạn của một số điều khoản trong hiệp định.

Đại diện Triều Tiên tại UNCMAC đã chỉ trích tuyên bố của Tướng Litzenberg là một nỗ lực nhằm "phá vỡ hiệp định đình chiến và biến Hàn Quốc thành căn cứ tác chiến hạt nhân của Mỹ".

Song ngay ngày hôm đó, UNCMAC đã tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm triển khai vũ khí trong hiệp định với Triều Tiên.

Bóc trần bí mật bẩn về vũ khí hạt nhân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 4.

Người dân diễu hành tại Bình Nhưỡng vào tháng 7/1958 yêu cầu Mỹ rút lực lượng khỏi Hàn Quốc. Ảnh: Getty

Theo mô tả từ phóng viên của New York Times tại Panmunjom (Triều Tiên), trong cuộc họp, Tướng Litzenberg đã "mở cửa khả năng đưa vũ khí có thể bắn đạn hạt nhân tới Hàn Quốc". Song, ông Litzenberg từ chối tiết lộ loại vũ khí nào đang được Mỹ lên kế hoạch triển khai.

Cùng ngày hôm đó, tại Washington, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố với các phóng viên rằng, sẽ không có hệ thống vũ khí trên bộ, với khả năng bắn đần đạn hạt nhân, được triển khai. Tuy nhiên, điều đó hóa ra hoàn toàn không đúng sự thật.

Tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 8/8/1957, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Foster Dulles cho biết, quyết định hủy bỏ lệnh cấm vũ khí trên bán đảo Triều Tiên "đã được khá nhiều quốc gia ở Thế giới Tự do chấp nhận".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Charles Erwin Wilson nói rằng, kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, nếu được thông qua, "sẽ cho phép khoảng 8.000 quân nhân Mỹ trở về nhà và chúng ta có thể cắt giảm 4 sự đoàn của Hàn Quốc, tiết kiệm xấp xỉ 125 triệu USD một năm".

Mỹ phải mất vài tháng để đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee về việc cắt giảm 4 sự đoàn của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngày 24/12/1957, Bộ trưởng lục quân Wilber Brucker đã được phép triển khai tới bán đảo Triều Tiên các hệ thống Honest John và pháo 280mm "ngay khi chúng được thông qua theo kế hoạch triển khai của Lục quân".

Ba ngày sau, Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc đề nghị công bố việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân và được UNCMAC chấp nhận. Tại cuộc họp ngày 28/1/1958, thông tin đã được công bố.

Người phát ngôn Lục quân Mỹ từ chối thông báo chi tiết số lượng các hệ thống pháo được đưa đến, cũng như việc chúng có mang theo các đầu đạn hạt nhân hay không.

Theo nhà phân tích Walter Pincus, kể từ ngày hôm đó, người Mỹ đã quên mất những gì mình đã làm, và các chính trị gia Mỹ chỉ biết đổ lỗi cho Triều Tiên vì đã coi thường các hiệp định vũ khí.

Bình Nhưỡng quả thật không đáng tin cậy, nhưng các nhà lãnh đạo của họ đang nhắc Mỹ nhớ lại những gì diễn ra vào những năm 1950, khi Triều Tiên phải trải qua 33 năm đối mặt với vũ khí hạt nhân Mỹ ngay bên kia biên giới.

Vị chuyên gia nhận định, Mỹ sẽ không đi đến bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai với hai bàn tay "hoàn toàn sạch sẽ". Cả Mỹ và Triều Tiên đều có những lý do riêng để áp dụng đúng câu nói của cố Tổng thống Ronald Reagan: "Tin tưởng, nhưng cần kiểm chứng".

Mỹ triển khai hệ thống rocket Honest John và pháo hạt nhân 280mm tới Hàn Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại