Tầm nhìn của Alibaba
Alibaba không chỉ đơn thuần là một tập đoàn công nghệ. Jack Ma luôn nhắn nhủ với nhân viên của mình: “Chúng ta đang xây dựng một nền tảng cho những doanh nhân khởi nghiệp". Tầm nhìn của Alibaba cũng đồng thời là kim chỉ nam để phát triển văn hóa công ty: “Để tạo ra việc làm cho những người khởi nghiệp.”
Và để đạt được điều này, đội ngũ Alibaba phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên cả lợi nhuận của công ty.
Theo Porter Erisman, cựu phó giám đốc của Alibaba chia sẻ: “Jack Ma luôn nhắc nhở chúng tôi rằng người dùng của Alibaba phải luôn kiếm được doanh thu, và chỉ khi người dùng có doanh thu, chúng tôi mới nghĩ tới việc tạo ra doanh thu cho công ty.
Jack Ma luôn thúc đẩy mọi người hướng tới mục tiêu và tầm nhìn chung. Chúng tôi thật sự nỗ lực để đạt được những mục tiêu đó vì chúng tôi muốn như vậy, hơn là vì muốn làm Jack Ma hài lòng.”
Vào năm 2000, tất cả những nhà phân tích tại Phố Wall cho rằng Alibaba chỉ nên tập trung xây dựng một hệ thống giao dịch giữa các khách hàng với nhau, với mục tiêu là bất kể ai cũng có thể dễ dàng đặt 20.000 cây vợt tennis tại Trung Quốc chỉ bằng vài cái nhấp chuột.
Nhưng Alibaba và đặc biệt là Jack Ma nhận ra rằng đây không phải là mong muốn của người dùng. Tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc này từ chối tất cả gợi ý từ các chuyên gia hàng đầu thế giới để đặt một tầm nhìn khác cho riêng mình: “Văn hóa của Alibaba là biến các doanh nghiệp nhỏ trở thành các nhà vô địch”.
Alibaba và hơn 27.000 nhân viên của mình đã và đang xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi mà mọi đối tác tham gia, từ bên mua, bên bán, cho đến bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ … đều có cơ hội để phát triển.
Sự thành công như vũ bão của Alibaba là nhờ vào tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và luôn mong muốn tạo ra lợi ích cho người dùng, tất cả đều dựa trên tầm nhìn đặc biệt của tập đoàn này.
Phong cách quản lý Trung Quốc kết hợp với tinh thần Thung Lũng Silicon
Jack Ma luôn điều hành cuộc họp như một giáo viên đứng trước lớp. Ông luôn khuyến khích mọi người tự do nêu ra ý kiến nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc vào lúc cần thiết. Với kinh nghiệm làm giáo viên, Jack Ma có khả năng phát triển những nhân viên của mình trở thành các nhà quản lý tài ba.
Khi so sánh giữa Alibaba và một dự án khởi nghiệp tại thung lũng Silicon, cả hai đều có điểm chung là lý tưởng và mục tiêu thay đổi cả thế giới.
Mặc dù có rất nhiều người nghi ngờ về mục tiêu cao thượng đó, nhưng Porter Erisman đã chia sẻ: “Chúng tôi luôn tin tưởng việc mình làm là đang góp phần thay đổi thế giới và đó chính là mục tiêu của chúng tôi hàng ngày.”
Nhưng ẩn sâu trong văn hóa của Alibaba vẫn là những nét đặc biệt của Phương Đông. Những buổi dã ngoại và du lịch công ty thường được tổ chức như kì nghỉ gia đình cho tất cả nhân viên. Phong cách quản lý Trung Quốc của Alibaba tập trung vào quản lý và hoạt động nhóm hơn là từng cá nhân đơn lẻ.
Nếu các công ty Phương Tây thường có một hoặc hai nhà sáng lập, Alibaba có đến 18 nhà sáng lập khác nhau. Điều này thể hiện rõ phong cách quản lý theo nhóm của phương Đông.
Chiêu mộ nhân tài, thuê “siêu sao” hay những “miếng ghép” phù hợp?
Jack Ma cho rằng việc tìm kiếm và tập hợp một nhóm người có thể làm việc tốt cùng nhau sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn một nhóm “siêu sao” với kinh nghiệm lừng lẫy – “Chúng tôi đã từng thử thuê các “ngôi sao”, một nhóm các nhà quản lý phương Tây với bằng cấp cao và hồ sơ dày dạn kinh nghiệm… nhưng kết quả là hiệu quả hợp tác của nhóm này thật sự không tốt.”
Trong quyển sách nói về văn hóa của Google, tác giả Eric Shmidt từng kể về việc tuyển dụng những siêu sao khắp thế giới và “chuyển đổi” họ để phù hợp với môi trường Google, nhưng tại Alibaba, mọi người thường phối hợp tốt hơn khi cả nhóm đều tập trung vào mục tiêu chung của công ty thay vì mỗi cá nhân.
Những siêu sao với cái tôi lớn sẽ khó lòng toàn tâm toàn ý hợp tác để cùng mọi người phát triển công ty.
Jack Ma sẽ làm gì khi nhân viên mắc lỗi?
Khi Porter lần đầu đến với Alibaba, ông ngay lập tức sử dụng kinh nghiệm quản lý và phân tích của mình để làm mọi chuyện hoàn hảo nhất có thể, nhưng Jack Ma luôn nói đùa với Porter rằng:
“Các nhà quản lý phương Tây rất thích làm phân tích nhưng lại ít thực thi, trong khi người Trung Quốc thường hành động và cho ra kết quả nhiều hơn là phân tích”. Câu tục ngữ của Jack Ma thường dùng là “Nói ít làm nhiều”.
Porter lúc đó đang đảm nhận mảng website quốc tế và Jack Ma có vẻ ám chỉ việc Porter đang làm khá chậm so với tốc độ chung của công ty. Jack Ma còn nói rằng:
“Porter, tôi sẽ không nổi giận nếu anh phạm phải sai lầm, nhưng tôi sẽ không chấp nhận việc anh không làm gì cả. Nếu anh làm một việc gì đó và làm sai, không sao cả. Nhưng nếu anh không làm gì hết, anh sẽ bị sa thải.”
Nhân tài luôn được trọng dụng tối đa
Khi Porter còn làm việc tại Alibaba, chức danh của ông thay đổi đến 8 lần trong vòng 8 năm. Mỗi năm, sau đợt tổng kết và đánh giá, ban quản trị lại thay đổi vị trí của nhiều nhân sự tùy thuộc vào nhu cầu của công ty.
Và điều đặc biệt tại Alibaba là các nhà quản lý không bị bó buộc tại một chỗ, nếu bạn đã phát triển lâu trong công ty và cảm thấy mình không còn phù hợp với bộ phận này, Jack Ma luôn sẵn sàng chuyển bạn qua bộ phận khác.
Mặc dù chức danh có thể thấp hơn nhưng một nhân viên hoàn toàn có thể ở lại và có cơ hội tiếp tục cống hiến cho công ty.
Một trong những giá trị cốt lõi của Alibaba nằm ở việc tất cả nhân viên đều được đánh giá qua mức độ “thích ứng với thay đổi” của mình.
Đa phần những công ty khác sẽ thẳng tay sa thải nhân viên có hiệu quả kém, nhưng Alibaba, với tinh thần khởi nghiệp, luôn muốn giữ lại các nhân tài đã cống hiến cho công ty và tạo điều kiện tốt nhất để họ tiếp tục phát triển.
Cho đến ngày hôm nay, Alibaba vẫn là tập đoàn khiến người Trung Quốc mong muốn vào làm việc nhất.
Và với văn hóa đặc biệt của mình, chỉ qua 18 năm, Alibaba hiện đang nằm trong top 10 công ty có giá trị nhất thế giới và đưa Jack Ma từ một giáo viên với mức lương 15 USD mỗi tháng để trở thành một trong những nhân vật giàu có và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc.