Đầu tiên ông bảo, khi bạn 20 - 25 tuổi - hãy trở thành 1 sinh viên giỏi và cứ sai lầm đi.
Tôi đã từng là một sinh viên giỏi. Và đúng là tôi đã sai lầm. Năm thứ hai đại học, tôi muốn kiếm tiền thật nhanh nên đã quyết định dùng tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà, vay thêm bạn bè, người thân... đầu tư 10 mã hàng đa cấp. (chẳng phải các tỷ phú thế giới đều có lúc dốc những đồng tiền cuối cùng trong ví để đầu tư đó sao?).
Giám đốc công ty đa cấp MB 24 đã ôm lấy tôi và tuyên bố trước toàn công ty, thiên tài kinh doanh đã xuất hiện. Tôi tin cậu sẽ kiếm được 1 triệu USD vào năm tới. Hàng trăm người vây lấy tôi vỗ tay ầm ĩ như sấm dậy. Hai tháng sau giám đốc Công ty đa cấp bị bắt vì lừa đảo. Hàng trăm người, trong đó có tôi khóc như ri.
Tôi bị đuổi ra đường vì không có tiền nhà, tôi còn suýt bị đuổi học vì nợ học phí, nợ môn. Sai lầm đầu đời của tôi đã phải trả cái giá rất đắt. Bạn bè quay lưng, bố mẹ thất vọng, hàng xóm chê cười. Vì vậy, tôi nghĩ, khi còn trẻ 20 đến 25 tuổi chúng ta có thể sai lầm, nhưng cũng tuỳ từng loại sai lầm. Có những vấp ngã khiến ta không thể gượng dậy được, tôi nghĩ là như vậy.
Jack Ma chia sẻ cảm xúc khi thi trượt
Jack Ma, ông còn nói, nếu muốn xây dựng một doanh nghiệp tốt, bạn phải xây dựng được một đội tốt. Hãy tìm người đúng, người phù hợp nhất chứ không phải người tốt nhất.
Tôi thích câu này nhưng tôi tin đây cũng chỉ là lý thuyết. Ở Việt Nam lại có những đặc thù rất riêng có thể ông cũng chưa biết. Để tôi kể ông nghe câu chuyện này. Bạn tôi rất yêu thích nghề làm mắm. Anh ta quyết định sẽ không tiếp tục làm thuê cho doạn nghiệp nước ngoài để có thời gian xây dựng ước mơ cho mình.
Nhưng ông biết không, khi bày tỏ ý định có phần mạo hiểm đó, anh ấy bị cả họ phản đối. Cha mẹ anh ấy rầu rĩ, ngăn cản, bạn bè rất ít người ủng hộ, họ hàng thì rất nhiều người cho rằng, nó sẽ thất bại thôi. Tuyệt đối không có con đường nào khác ngoài thất bại.
Vì sao rất đông người phản đối thay vì ủng hộ một hướng đi khác lạ? Vì một bộ phận không nhỏ người Việt Nam trẻ vẫn giữ tâm lý an phận, thủ thường; không muốn tự mình làm chủ, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Với tâm lý đó nên việc chọn người đi cùng, sát cánh bên cạnh mình xây dựng một dự án mới rất khó. Bạn tôi đã phải độc hành trên chặng đường khởi nghiệp. May mắn là anh ta đã thành công.
Ở Việt Nam, ông đừng nghĩ việc đứng lên sau thất bại, thậm chí thất bại đến 1.000 lần như Alibaba là khả thi. Chỉ cần thất bại đến lần thứ hai có thể anh sẽ bị "ném đá" đến quỵ ngã.
Không hiểu vì sao ở nước tôi, người ta lại thích "ném đá", thích hả hê với thất bại của kẻ khác thay vì động viên, chia sẻ. Thậm chí đến cả thành công rực rỡ như Nguyễn Hà Đông, một người Việt đã chinh phục thế giới bằng trò chơi Flappy Bird cũng bị "ném đá" tơi bời. Hậu quả là Hà Đông phải gỡ bỏ ứng dụng khỏi Apple Store một cách cực kỳ tiếc nuối.
Jack Ma tôi cũng nghe ông nói, khi đi ra phố, ông gặp rất nhiều người trẻ tuổi, họ dùng điện thoại thông minh và chơi những trò chơi truyền thống đầy say mê, hạnh phúc. Trong mắt họ ánh lên niềm tin tưởng vào tương lai.
Ông hình như hơi phiến diện và phát ngôn có phần ngoại giao, thưa Jack Ma. Tôi cần nghe những lời khuyên thực chất và không ngoại giao hơn nữa để lớp người trẻ không mãi ngủ quên.
Ông không biết đấy thôi, ở nước tôi có rất đông người trẻ tuổi, họ đang ở tuổi sung mãn nhất của đời người nhưng họ không làm gì cả, họ đốt thời gian bên những quán cafe hay quán trà đá từ sáng đến đêm thâu. Họ cũng vùi mình trong quán game đến mụ mị cả người.
Một bộ phận khác thì cứ hò dô bia rượu suốt ngày. Chắc hẳn ông chưa đi cafe ở Hà Nội, chưa ra quán nhậu nào. Nếu có mặt ở đó hoặc trợ lý của ông đến Hà Nội trước để tìm hiểu, tôi tin ông sẽ nói hay và thực tế hơn.
Thực ra, khi đã thành công như ông, mỗi lời nói ra đều là vàng ngọc. Tôi thì chỉ thích ông đến và truyền cảm hứng, chỉ đơn giản thế thôi, còn lại, người trẻ Việt Nam sẽ phải tự rút ra bài học cho riêng mình. Làm giàu, khởi nghiệp thực ra chẳng có công thức chung nào cả. Ông cũng vậy, đúng không Jack Ma?