Lợi thế của Nga trong xung đột với Ukraine nếu tiếp nhận tên lửa đạn đạo từ Iran

Kiều Anh |

Một số nhà quan sát cho rằng nếu Nga thực sự tiếp nhận các tên lửa đạn đạo từ Iran như một số hãng truyền thông đưa tin gần đây thì Moscow sẽ có lợi thế đáng kể để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine.

Tên lửa đất đối đất Fateh-110 do Iran sản xuất. Ảnh: Wikipedia

Tên lửa đất đối đất Fateh-110 do Iran sản xuất. Ảnh: Wikipedia

CNN đưa tin ngày 1/11 rằng Iran sẽ cung cấp khoảng 1.000 vũ khí cho Nga vào cuối năm nay. Đợt vận chuyển này sẽ bao gồm các UAV và cả các tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Phương Tây cáo buộc Iran đã cung cấp một số lượng nhất định UAV cho Nga, trong đó có nhiều UAV được sử dụng ở Ukraine, mặc dù Tehran phủ nhận việc này. Theo giới quan sát phương Tây, các UAV cảm tử (kamikaze) do Iran sản xuất đã tham gia vào các cuộc không kích Kiev cũng như các mục tiêu khác trong những tuần gần đây.

Thậm chí, phương Tây còn cáo buộc các thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được cử tới Crimea để hỗ trợ quân đội Nga triển khai các vũ khí này.

Trong tuyên bố kêu gọi phương Tây hỗ trợ quân sự, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat thông báo nước này "không có hệ thống phòng không có thể phản ứng hiệu quả trước các tên lửa này”, đồng thời cho biết "chúng tôi có hệ thống phòng không chứ không phải hệ thống phòng thủ tên lửa".

Lợi thế của các tên lửa đạn đạo Iran sản xuất

Các tên lửa đạn đạo Fateh-110 và Zolfaghar, được cho là đang chuẩn bị được Iran chuyển giao cho Nga, có công nghệ khác với những UAV từng được chuyển giao trước đó. Tầm bắn của các tên lửa này ngắn hơn so với tầm hoạt động của các UAV trên.

Theo đó, các tên lửa đạn đạo này có tầm bắn khoảng 300 - 700km trong khi UAV Shahed-136 có tầm hoạt động khoảng 2.500km.

Tuy nhiên, các tên lửa đạn đạo của Iran lại có tốc độ cao hơn nhiều (thường được tính bằng km/s thay vì km/h). Điều đó khiến cho việc phòng thủ trước các tên lửa này và đầu đạn mà chúng mang trở nên vô cùng thách thức nếu không muốn nói là bất khả thi với khả năng hiện tại của quân đội Ukraine.

Ukraine tuyên bố nước này có khả năng đánh chặn hơn 70% UAV do Iran sản xuất bằng cách phối hợp giữa các chiến đấu cơ, hệ thống phòng không và thậm chí cả các vũ khí cầm tay. Tuy nhiên, với các tên lửa đạn đạo, những vũ khí này không thể tiếp tục duy trì khả năng đó.

Các tên lửa đạn đạo Fateh-110 và Zolfaghar có những đặc điểm tương tự các tên lửa đạn đạo từng được Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là tốc độ và khả năng thâm nhập, vượt qua hệ thống phòng không của đối phương.

Bà Marina Miron, một học giả cấp cao thuộc Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng tại Cao đẳng Hoàng gia London cho biết những lợi thế của tên lửa Fateh-110 "bên cạnh việc có chi phí tương đối thấp thì còn có khả năng ngụy trang và có thể được phóng từ bất kỳ nơi nào".

"Khi khả năng di chuyển linh động vào mùa đông giảm dần, Nga sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi phóng các tên lửa trên của Iran mà không sợ bị phát hiện hay bị hệ thống HIMARS nhắm trúng", chuyên gia này nhận định với Newsweek.

“Điều đó sẽ giúp Nga có cơ hội bổ sung kho vũ khí, đồng thời sử dụng các tên lửa giá rẻ của Iran để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine cũng như đảm bảo khả năng thâm nhập qua hệ thống này để nhắm vào các mục tiêu quân sự và các cơ sở hạ tầng quan trọng".

Thỏa thuận “lợi cả đôi đường” cho Nga và Iran

Một số nhà quan sát cho rằng, Nga là một thị trường mới cho công nghệ tên lửa Iran.

"Iran có thể thấy tên lửa của họ được thử nghiệm trên chiến trường như thế nào", bà Miron nói, đồng thời nhận định: "Israel có hệ thống phòng không hiệu quả vì thế Iran muốn đảm bảo các tên lửa của họ có thể lọt qua Vòm Sắt".

Trong khi đó, Nga có thể bổ sung kho tên lửa của mình giữa bối cảnh các nhà sản xuất vũ khí của nước này bị kéo căng nguồn lực.

Moscow cũng đang đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí mà các nước phương Tây áp đặt sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014, cũng như đối mặt với các biện pháp hạn chế liên quan đến công nghệ lưỡng dụng sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm nay.

Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu chính phủ đẩy nhanh quá trình ra quyết định và sản xuất các trang thiết bị quân sự trong bối cảnh xung đột ở Ukraine bước sang tháng thứ chín.

"Hiện nay chúng ta đối mặt với nhu cầu cần đẩy nhanh quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cung cấp hậu cần cho chiến dịch quân sự và đối phó với những biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực kinh tế", Tổng thống Putin phát biểu ngày 25/10 tại Hội đồng Điều phối mới được thành lập.

Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo nếu chiến dịch quân sự của Moscow được tiến hành theo khung làm việc của "các thủ tục tiêu chuẩn" thì chiến dịch này sẽ không có kết quả, đồng thời nhấn mạnh các trang thiết bị của binh lính Nga phải "hiệu quả và hiện đại".

Nhà quan sát Daniel Salisbury nhận định trong bài bình luận trên Asia Times rằng, trong khi việc mua vũ khí từ Iran giúp Nga giải quyết nhu cầu vũ khí cũng như cho thấy Moscow không bị cô lập hoàn toàn về ngoại giao thì thỏa thuận này cũng mang đến những lợi ích kinh tế cho Iran - quốc gia cũng đối mặt với các lệnh trừng phạt đáng kể trong những thập kỷ qua.

Dự kiến, Iran sẽ ký một thỏa thuận về năng lượng với tập đoàn khí đốt Nga Gazprom trong tháng 12 với giá trị khoảng 40 tỷ USD.

"Về mặt địa chính trị, đây là một thỏa thuận lớn của Iran", bà Miron đánh giá.

Với Nga và Iran, trao đổi song phương sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Moscow cũng được cho là sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt bổ sung nào của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại