Đã bao giờ bạn nghe thấy một tin không được tốt lắm nhưng lại không thể kiểm soát nên bật cười?
Phải chăng vì bạn quá lạnh lùng vô tâm nên mới vô ý đến vậy? Nhưng theo khoa học, có khá nhiều giả thuyết để lý giải cho vấn đề này.
- Cơ chế giảm căng thẳng của cơ thể
Chúng ta đều biết rằng: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Thế nên khi cười, cơ thể sẽ tiết ra những hormone vui vẻ giúp đánh bay hormone căng thẳng như cortisol, adrenaline được não tiết ra.
Vì thế, khi nghe tin xấu, hoặc rơi vào tình huống quá căng thẳng, sợ hãi - não bộ sẽ theo phản xạ điều khiển tiết ra hormone giúp cân bằng nội môi của cơ thể. Đây là đặc tính của hệ thống điều khiển môi trường bên trong nhằm duy trì trạng thái cân bằng cảm xúc khác nhau.
Hiểu đơn giản, khi có quá nhiều cảm xúc tiêu cực, cơ thể sẽ "ra quân" thực hiện một hành động biểu thị sự tích cực để cân bằng mọi thứ.
- Phản ứng của việc "không thể tin nổi điều gì vừa xảy ra"
Theo các chuyên gia, chúng ta có xu hướng "dự đoán" một cách vô thức diễn biến sự việc sẽ xảy ra.
Khi phải tiếp nhận một sự việc quá bất thường, khác xa với những gì não bộ "dự đoán" sẵn, chúng ta thường sẽ không thể tin nổi và thích nghi kịp. Khi đó, phản ứng của hiện tượng này sẽ là bật cười.
Đây là một trong những lí do thú vị nhất của hiện tượng bật cười khi nghe chuyện buồn mà giới khoa học đã tốn công nghiên cứu nói đến.
Trong các trường hợp này, không hẳn chúng ta ý thức rằng câu chuyện đó buồn cười, mà là dự đoán của chúng ta về cái kết của câu chuyện bỗng nhiên hoàn toàn biến mất, và cười là một phản ứng tự nhiên của việc đó.
Cũng như vậy, một sự việc quá đau buồn hay tàn khốc cũng làm xáo trộn những gì mà tiềm thức ta đã dự đoán. Mà bạn biết rồi đấy, đôi khi não bộ con người sẽ nhầm lẫn giữa trường hợp 1 câu chuyện cười với 1 việc đáng buồn.
Kết quả là điều khác thường đó đôi khi làm ta bật cười một cách không thể kiểm soát được, cùng với đó là niềm hân hoan vui vẻ mơ hồ như khi nghe chuyện tiếu lâm. May thay, điều này thường sẽ chỉ xảy ra một cách rất chớp nhoáng và chúng ta sẽ bình thường trở lại khi ý thức được sự việc.
Như vậy, xét về phương diện khoa học, những trường hợp bật cười một cách quá vô duyên nói trên không hẳn là do một người nhẫn tâm đến mức biểu thị sự vui vẻ lộ liễu mà có thể là…do tạo hóa.
Thế mới nói có đôi khi không nên dựa vào một cử chỉ nhất định của người khác mà đánh giá người ta mà nên tiếp xúc trong một thời gian dài trước khi nhận xét về nhân cách của họ.
Nguồn: Newscientist, Standford encyclopedia of philosophy, Cognitive science