Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một quan chức cấp cao quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, việc quân đội nước này cho triển khai hàng chục máy bay không người lái (UAV) tấn công vào vị trí hoạt động của quân đội Syria đã chứng minh bước cải tiến quân sự của Ankara trên chiến trường.
Hình ảnh trận không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào phái đoàn quân sự của quân đội Syria ở tỉnh Idlib. (Ảnh: AA)
Vụ tấn công bằng các UAV vào ngày 1/3 là lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho triển khai số lượng UAV lớn như vậy trong chiến đấu. Đây cũng là đòn đáp trả sau vụ việc hôm 27/2, quân đội Syria tấn công và gây ra cái chết cho 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hàng loạt cuộc tấn công bằng UAV bắt đầu từ ngày 27/2 đã nhắm vào nhiều căn cứ quân sự và các cơ sở chứa vũ khí hóa học của quân đội Syria.
Cụ thể, trong ngày 1/3, 19 binh sĩ Syria được cho đã thiệt mạng sau trận không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào một phái đoàn quân sự tại khu vực Jabal al-Zawiya và một căn cứ ở gần thành phố Maaret al-Numan, theo dữ liệu từ Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh.
Đáng nói, trước khi cho triển khai cuộc tấn công bằng loạt UAV, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho điều động hàng loạt thiết bị gây nhiễu sóng điện tử tới Syria. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho đăng tải loạt đoạn video trên Twitter về quá trình phá hủy dàn xe tăng, pháo binh của quân đội Syria.
Động thái này được cho là nhằm thể hiện năng lực chiến đấu ngày càng hiệu quả của các công nghệ vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định đã tiêu diệt một số hệ thống phòng thủ tên lửa của Syria. Chính hành động này làm dấy lên câu hỏi về khả năng hoạt động hiệu quả của các vũ khí do Nga sản xuất trong việc ngăn chặn những vụ không kích như trên.
Điều đáng nói, lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ vai trò là quốc gia tổ chức cuộc tập trận quân sự của NATO mang tên Anatolian Eagle. Nội dung của cuộc diễn tập là mô phỏng các đợt tấn công nhằm vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất bao gồm cả vũ khí phục vụ chiến tranh điện tử. Israel cũng từng tham gia đợt tập trận này.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phát động một chiến dịch trên không bằng việc sử dụng toàn bộ UAV vũ trang nhằm hỗ trợ cho các đợt dội đạn pháo quy mô lớn”, ông Charles Lister tại Viện Trung Đông chia sẻ trên Twitter liên quan tới một đoạn video do UAV Thổ Nhĩ Kỳ ghi lại cảnh phá hủy một hệ thống phòng thủ tên lửa của quân đội Syria.
Trên thực tế, giới chuyên gia nhận định, chiến thuật dùng UAV tấn công ở chiến trường Syria đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, tiến gần bờ vực xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
Động thái này còn khiến mối quan hệ Nga – Thổ trở nên căng thẳng hơn, trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan sắp gặp mặt trong tuần này để đưa ra những biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Syria .
Dù hai nhà lãnh đạo Nga – Thổ vẫn tiếp tục hợp tác để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 tại Syria, nhưng quan hệ giữa hai bên đang rơi vào cảnh căng thẳng do những bất đồng liên quan tới việc quyết định lực lượng nào có quyền kiểm soát tỉnh Idlib ở phía tây bắc Syria và nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong chiến dịch quân sự hỗ trợ cho quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga hiện nắm vai trò kiểm soát bầu trời Syria. Cụ thể, Nga không chỉ cho triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 để bảo vệ không phận Syria mà còn điều động các chiến đấu cơ không kích nhằm hỗ trợ cho quân đội Syria giành quyền kiểm soát ở thành trì cuối cùng của phiến quân tại Idlib.
Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy Syria chống lại quân chính phủ. Ankara cũng nhiều lần nhắc tới mối quan ngại về một làn sóng di cư mới đổ xô vào Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như quân đội của Tổng thống Assad giành được quyền kiểm soát tỉnh Idlib.
Sau vụ không kích bằng loạt UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin, Syria tuyên bố phong tỏa toàn bộ không phận tỉnh Idlib.
“Bất cứ máy bay nào xâm phạm không phận Syria sẽ bị xem là máy bay thù địch và cần bị bắn hạ”, SANA dẫn lời một quan chức quân sự Syria giấu tên nói hôm 1/3.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quân đội nước này đã bắn rơi 2 chiến đấu cơ Su-24 do Nga sản xuất và thuộc quân đội Syria cũng như phá hủy 3 hệ thống phòng không Syria. Ngoài ra, 1 UAV vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị quân đội Syria bắn rơi.
Lâu nay, Ankara muốn thiết lập một vùng riêng ở phía bắc Syria để làm nơi cư trú cho hàng triệu dân thường Syria đang tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Song theo Tổng thống Nga Putin, quân đội của Tổng thống Assad mới là lực lượng cần nắm quyền kiểm soát toàn lãnh thổ Syria bởi đây là cách tốt nhất đảm bảo an ninh biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Nga cũng lên tiếng phủ nhận tham gia cuộc không kích hôm 27/2 với quân đội Syria gây ra cái chết cho 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Moscow không thể ngăn cản quân đội Syria tấn công “các lực lượng khủng bố” hoạt động trên lãnh thổ Syria. Bởi theo tuyên bố hôm 28/2 của Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Syria đã cho không kích đáp trả sau vụ tấn công quy mô lớn của nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Syria, bên trong vùng hạ nhiệt căng thẳng ở tỉnh Idlib vào một ngày trước đó.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng là do cùng hoạt động với nhóm khủng bố HTS đúng thời điểm quân đội Syria không kích vào khu vực gần thị trấn Behun. Đáng nói, theo thông tin mà Nga nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ trước đó, không có bất cứ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở gần Behun vào thời điểm quân đội Syria tấn công lực lượng khủng bố HTS.
Song giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc Moscow đã có quá ít hành động để kiềm chế cuộc chiến của quân đội Syria ở Idlib.