Loài cá hoàng gia
Cá tầm là loài cá có hình dáng đặc biệt. Theo nghiên cứu, loài cá này có rất ít sự khác biệt so với tổ tiên cách đây hơn 100 triệu năm. Thân cá thuôn dài, phần đầu khá nhọn, dẹt và có phần mỏ chìa dài ra phía trước. Hai bên thân cá sẽ có tới 5 hàng vây nhọn cứng. Tuy vậy, xương cá lại rất mềm, giòn như sụn heo hoặc sụn gà nên người ta vẫn thường coi cá tầm là "cá không xương".
Cá tầm sống khỏe trong môi trường nước sạch tự nhiên, có lượng oxy hòa tan trong nước cao. Nhiệt độ nước phù hợp đối với cá tầm là 18 độ đến 27 độ C. Vì vậy, chúng thường xuất hiện ở vùng biển của các nước ôn đới và đã trở thành một phần trong văn hóa lâu đời tại một số quốc gia. Cá tầm săn mồi ở tầng đáy, thức ăn của chúng chủ yếu là các loài động vật giáp xác và cá nhỏ.
Thời trung cổ, cá tầm được coi là một loài cá hoàng gia. Theo luật cổ đại, bất kỳ con cá tầm nào được tìm thấy trên các bãi biển hoặc đánh bắt ở Đại Tây Dương hoặc Baltic, đều thuộc về nhà vua. Ví dụ, trong Luật Scania (Đan Mạch) từ năm 1202, cá tầm sẽ được sử dụng bởi gia đình hoàng gia và không có ngoại lệ. Mặt khác, người dân có thể sử dụng cá voi tùy ý, tùy theo phương tiện vận chuyển của bản thân (có thể sở hữu theo trọng lượng họ mang được khi đi bộ, dùng ngựa, bằng xe thô sơ hoặc tàu thủy).
Vào năm 1324, Vua Edward II của Anh đã tuyên bố cá tầm là loài cá hoàng gia. Về mặt lý thuyết, hoàng gia Anh vẫn sở hữu tất cả cá tầm, cá voi và cá heo sống ở vùng biển xung quanh nước Anh và xứ Wales. Bất kỳ con cá tầm nào bị bắt trong vương quốc này vẫn là tài sản riêng của vua hoặc hoàng hậu.
Cá tầm là loài cá sống lâu, lâu lớn. Tuổi thọ trung bình của chúng là từ 50 đến 60 năm. Chúng chỉ đẻ trứng khi đã tới 15 hoặc 20 tuổi. Cá tầm không đẻ trứng hàng năm vì chúng cần những điều kiện môi trường cụ thể. Theo thống kê, cá tầm có thể dài hai đến ba mét. Kỉ lục có cá tầm đặc biệt lớn dài hơn bảy mét.
Vào thời Trung Cổ, cá tầm bơi cũng được đánh giá cao như một nguồn cung cấp isinglass (hay còn gọi là collagen cá, được lấy từ bong bóng trong cơ thể của các loại cá lớn). Đây còn là một dạng collagen được sử dụng trong quá trình sản xuất rượu và bia, như một tiền chất của gelatin hoặc để bảo quản giấy da.
Cá tầm tại Việt Nam
Cá tầm sinh sống tại nhiều vùng trên thế giới, tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và nổi tiếng nhất là Nga. Cá tầm ưa những vùng nước có nhiệt độ thấp, lạnh và sạch. Vì lí do này, chỉ một số ít khu vực ở Việt Nam đủ điều kiện để nuôi cá tầm, bao gồm một số vùng có khí hậu thích hợp như Sa Pa và Đà Lạt. Nhiều nhà hàng cá tầm tại đây thu hút khách du lịch vì những món ăn đậm đà và không kém phần bổ dưỡng.
Cá tầm Sa Pa có màu trắng xám, không có vẩy. Nếu đã có dịp thưởng thức cá tầm tại đây, thực khách sẽ thấy thịt cá trắng hồng mịn, lát thịt có vân vàng, thịt cá rất thơm và dai. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cá tầm là loại cá đặc sản cao cấp vì giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt rất tốt cho bà bầu, trẻ em và người già. Thịt cá tầm chứa nhiều vitamin A, phốt pho, selenium và protein có lợi cho hoạt động hằng ngày của cơ thể.
Những phần sụn xương cá tầm khi ninh, hầm hoặc nấu lẩu sẽ trở nên rất mềm, thậm chí còn mềm hơn sụn gà nên hoàn toàn có thể ăn được.
Những món ăn ngon nhất có thể chế biến từ cá tầm là: Salad cá tầm, lẩu cá tầm măng chua, cá tầm nướng, cá tầm chiên sả...
Nhắc đến cá tầm, những khách sành ăn không thể quên món trứng cá tầm - một trong 10 món ăn xa xỉ nhất hành tinh. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, trứng cá tầm còn rất khó khai thác do đặc điểm sinh sản của loài cá này. 1kg trứng cá tầm có mức giá khoảng 180 triệu đồng/kg, có loại cao cấp có mức giá lên tới cả tỉ đồng/kg.