Bloomberg: Châu Âu sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ, vì sao họ không thể sử dụng nó?

Hồng Anh |

Mới đây, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa tuyên bố với báo giới rằng nước này sẽ không tiếp tục khai thác mỏ khí đốt Groningen vì những trận động đất trong quá trình khai thác.

Tọa lạc bên dưới vùng đầm lầy với những chiếc cối xay gió nằm rải rác của Hà Lan là mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu, Groningen.

Mỏ khí đốt lớn này có đủ trữ lượng để thay thế phần lớn nguồn khí đốt Đức từng nhập khẩu từ Nga trước tháng 2, tuy nhiên châu Âu lại không thể sử dụng nó, theo Bloomberg.

Mặc dù vẫn còn trữ lượng lớn khí đốt chưa được khai thác, nhưng mỏ Groningen lại đang trong quá trình đóng cửa, và Hà Lan từ chối những lời kêu gọi tăng cường khai thác, dù châu Âu dang chuẩn bị đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất kể từ thời Thế chiến II.

Lý do là bởi quá trình khai thác tại mỏ này đã gây ra những trận động đất lặp đi lặp lại, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong khu vực.

Những lo ngại về "trụ cột" cung cấp khí đốt cho châu Âu

Kể từ năm 1963, mỏ Groningen đã trở thành "trụ cột" cung cấp khí đốt cho châu Âu. Kể cả khi nó đã được khai thác liên tục trong nửa thế kỷ qua, thì vẫn còn khoảng 450 tỷ mét khối khí đốt dưới lòng đất - trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, người dân địa phương lại có suy nghĩ khác. Ông Wilnur Hollaar, 50 tuổi, người đã sống tại khu vực mỏ Groningen hơn 2 thập kỷ, đã chia sẻ nhiều lo ngại khu khu vực này thường xảy ra động đất do quá trình khai thác.

Ông Hollaar cho biết, khi ông mua ngôi nhà hiện tại vào năm 2004, nó trông giống như một tòa lâu đài. Nhưng giờ đây, cũng giống như hàng ngàn ngôi nhà khác trong khu vực, nó đã xuống cấp nghiêm trọng do những trận động đất thường xuyên.

Bloomberg: Châu Âu sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ, vì sao họ không thể sử dụng nó? - Ảnh 1.

Ông Hollaar và ngôi nhà của mình. Ảnh: Imke Lass/Bloomberg

Bộ trưởng Bộ Khai thác Tài nguyên Hà Lan Hans Vijlbrief thừa nhận rằng việc tiếp tục khai thác tại khu mỏ này là rất nguy hiểm, tuy nhiên đất nước ông không thể làm ngơ khi những nơi khác ở châu Âu đang gặp khó về năng lượng.

Ông Vijlbrief cũng nói rằng nước này sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn nếu xảy ra tình trạng thiếu khí đốt, và sẽ không an toàn nếu các bệnh viện, trường học và nhà dân không được sưởi ấm đúng cách.

Tập đoàn Shell (Anh), một trong 2 đối tác lớn tham gia vận hành mỏ Groningen, cho biết sản lượng khai thác hàng năm tại mỏ này còn có thể tăng thêm 50 tỷ mét khối so với hiện tại, đủ để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt của Đức.

Tuy nhiên, các quan chức Hà Lan nói rằng nếu Đức cần thêm năng lượng, thì lựa chọn an toàn hơn là kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân. Đức không loại trừ khả năng này; trong tháng trước, chính phủ Đức đã tuyên bố về khả năng đưa hai nhà máy điện hạt nhân dự kiến đóng cửa vào hoạt động trở lại nếu cần thiết.

Hà Lan đã nhận được những lời kêu gọi xem xét lại quyết định đóng cửa mỏ khí đốt Groningen, và ông Vijlbrief cũng đã nhận được sức ép tương tự từ những người đồng cấp EU, nhưng nước này vẫn kiên quyết giữ quan điểm.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Mark Rutte không loại trừ khả năng sử dụng nguồn khí đốt từ Groningen để tăng cường nguồn cung, nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra "trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng".

Groningen ghi nhận những rung chấn nhỏ đầu tiên vào năm 1986. Kể từ đó, nơi này đã ghi nhận hàng trăm trận rung chấn, động đất khác. Mặc dù hầu hết những đợt rung chấn này khó có thể cảm nhận nếu không có thiết bị đo chuyên dụng, nhưng vào năm 2012, một trận động đất mạnh 3,6 độ Richter đã xảy ra khiến hàng ngàn hộ dân yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.

Bloomberg: Châu Âu sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ, vì sao họ không thể sử dụng nó? - Ảnh 3.

Một ngôi nhà được chống đỡ bằng những cột gỗ vì những tổn hại sau những lần rung chấn. Ảnh: Imke Lass/Bloomberg

Bắt đầu từ năm 2014, chính phủ Hà Lan đã đặt ra những giới hạn ngày càng khắt khe hơn đối với sản lượng khí đốt khai thác từ mỏ Groningen, và sản lượng đã giảm từ 54 tỷ mét khối năm 2013 xuống dự kiến 4,5 tỷ mét khối trong năm nay.

Trong số khoảng 327.000 nhà dân trong khu vực, ít nhất 127.000 hộ gia đình đã báo cáo một số thiệt hại. Đài truyền hình Hà Lan NOS cho biết đã có hơn 3.300 tòa nhà bị phá dỡ kể từ năm 2012 vì động đất khiến chúng trở nên không an toàn.

Thủ tướng Rutte đã gửi lời xin lỗi công khai trước quốc hội vào năm 2019. Chính phủ Hà Lan cùng liên doanh Nederlandse Aardolie Maatschappij (NAM) của hai gã khổng lồ dầu khí Shell (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) đã trả 1,65 tỷ euro tiền bồi thường, tuy nhiên con số này vẫn là quá nhỏ so với mong muốn của người dân.

Chẳng hạn, ông Hollar cho biết mình đã nhận được đề nghị bồi thường 12.000 euro cho ngôi nhà bị thiệt hại ở Roodeschool. Thế nhưng giá trị căn nhà từng được ông ví như "lâu đài" đã giảm 550.000 euro.

Được biết, thay vì tăng cường khai thác khí đốt, Hà Lan đã loại bỏ các giới hạn đối với các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo an ninh năng lượng, nhập khẩu gấp đôi khí đốt tự nhiên hóa lỏng và tăng cường dự trữ để đảm bảo các kho chứa khí đốt đầy 80% trước mùa đông.

Theo ông Vijlbrief, mùa đông năm nay có thể "khá an toàn", nhưng ông lo ngại rằng trong tương lai, khi châu Âu sử dụng hết nguồn dự trữ thì "làm thế nào để lấp đầy lại các kho chứa?"

Trong khi đó, những người dân ở Groningen đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với viễn cảnh chính phủ thay đổi quyết định và gia tăng khai thác khí đốt để giải quyết khủng hoảng năng lượng.

Bloomberg: Châu Âu sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ, vì sao họ không thể sử dụng nó? - Ảnh 5.

Khu vực chiết xuất khí đốt. Ảnh: Imke Lass/Bloomberg

Chính phủ Hà Lan giữ vững lập trường

Theo EURACTIV, mới đây Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa tuyên bố với báo giới tại Praha rằng nước này sẽ không tiếp tục khai thác mỏ khí đốt Groningen vì những trận động đất trong quá trình khai thác gây ảnh hưởng đến những người dân trong khu vực.

Groningen là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, và được mô tả là thứ duy nhất có khả năng "thay đổi cuộc chơi ở châu Âu" trong bối cảnh nguồn cung khí dốt từ Nga bị gián đoạn.

Mỏ khí đốt khổng lồ của Hà Lan từng sản xuất hơn 40 tỷ mét khối khí đốt hàng năm - tương đương 10% lượng khí đốt EU tiêu thụ, tuy nhiên sản lượng của mỏ khí đốt này hiện đã bị giới hạn do các trận động đất.

Cùng lúc đó, nguồn cung khí đốt của Nga cho EU giảm từ 41% xuống còn 7,5% mức tiêu thụ của khối này, khiến các nước thành viên phải tìm kiếm nguồn cung thay thế - thường là nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn.

Trong khi Hà Lan không muốn tiếp tục khai thác mỏ khí đốt Groningen,Thủ tướng Rutte cho biết các nhà lãnh đạo EU đã đồng thuận về sự cần thiết của việc hạ giá khí đốt.

Đại diện của các quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp tại Praha trong 2 ngày 11-12/10 về vấn đề năng lượng, cụ thể là giải quyết tình trạng giá khí đốt cao./.

Theo Bloomberg, Euractiv


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại