Cố vấn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ David Trachtenberg đã phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Quân vụ Quốc hội Mỹ vào ngày 28/3 rằng, Washington hiện không có kế hoạch áp dụng chính sách “không dùng trước” vũ khí hạt nhân, nghĩa là họ có thể dùng loại vũ khí này “trong trường hợp cực kỳ nguy hiểm”.
Ông Trachtenberg cũng khẳng định nếu Mỹ thay đổi quan điểm của mình, nó “sẽ giảm bớt khả năng tác chiến tầm xa của Hoa Kỳ và làm tổn hại đến các mối liên minh của chúng ta bởi các nước sẽ nghi ngờ khả năng hỗ trợ quốc phòng cho họ của Hoa Kỳ trong những trường hợp cực kỳ nguy hiểm”.
Ông tin rằng điều này sẽ khiến các quốc gia này tự trang bị vũ khí hạt nhân cho riêng mình.
Bản báo cáo Đánh giá chung về Tình trạng Hạt nhân do Tổng thống Donald Trump và các quan chức Mỹ đưa ra vào năm 2018 đã liệt kê những trường hợp mà Mỹ có thể sẽ quyết định dùng vũ khí hạt nhân đáp trả, trong đó bao gồm các hình thức tấn công chiến lược quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ, các nước đồng minh hay các cơ sở hạ tầng dân sự, quân sự, cơ quan chỉ huy quân đội của các nước đối tác bằng các loại khí tài thông thường.
Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn so với các học thuyết về sử dụng vũ khí hạt nhân trước đây của Mỹ và đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nga, khi họ chỉ trích Washington hạ thấp ngưỡng cho phép để dùng loại vũ khí này và đang khiêu khích chạy đua vũ trang.
Ngoài ra, báo cáo trên cũng đề cập đến việc nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Chính quyền Mỹ có thể xem xét phát triển một loại đầu đạn có mức phóng xạ thấp có thể được trang bị trên các tên lửa đạn đạo các loại.
Loại “đầu đạn hạt nhân mini” này được cho là có sức công pha khoảng 5 kiloton (tương đường sức nổ của 5.000 quả bom TNT), nhằm cho phép Mỹ có nhiều lựa chọn tác chiến hạt nhân hơn. Theo một số chuyên gia, đầu đạn này cũng có thể được thả từ một máy bay ném bom B-21 hiện đại, qua đó càng khiến Mỹ có thể dễ dàng tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân.
Báo cáo chỉ ra rằng quá trình hiện đại hóa khí tài quân sự của Nga là một trong những nguyên nhân Mỹ cần phải gia tăng vũ khí hạt nhân mình đang có. Tuy nhiên khác với Mỹ, Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ khi bị đối phương dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt hay khi chủ quyền lãnh thổ của Nga gặp nguy.
Bên cạnh việc nâng cao số lượng vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ cũng có kế hoạch chi hàng tỉ USD để nâng câp 150 quả bom hạt nhân B61 hiện đang được lưu kho tại các nước Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và cả ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 12, chính quyền Trump đã tuyên bố rằng họ sẽ rút khỏi Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF), có nội dung cấm Mỹ và Nga phát triển tên lửa hạt nhân có tầm bắn nằm trong khoảng 500 đến 5.500km. Đáp lại, Nga cũng quyết định ngừng tuân thủ nội dung của hiệp ước.