Lo ngại vũ khí Mỹ rơi vào tay kẻ xấu, khuấy đảo nội chiến ở Yemen

Yến Chi |

Những vũ khí do Mỹ sản xuất bằng nhiều cách đã rơi vào tay các nhóm dân quân đối thủ ở Yemen, trong đó một số đã quay ra chống lại Chính phủ do Mỹ hậu thuẫn làm cho cuộc xung đột tại đất nước này tiếp tục vòng luẩn quẩn và ngày càng tồi tệ hơn. Điều này đã được hé lộ trong một cuộc điều tra của hãng tin CNN.

Bằng chứng mới cho thấy, trái ngược với các thỏa thuận đã ký ban đầu, vũ khí và thiết bị quân sự được cung cấp cho các đồng minh của Mỹ đã được phân phối cho các nhóm dân quân nổi dậy, bao gồm cả phe ly khai được Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hậu thuẫn. Hiện tại các nhóm này đang sử dụng nó để chống lại các lực lượng được Chính phủ và quốc tế công nhận, những người được Arập Xêút (Saudi Arabia) hỗ trợ và cũng được trang bị vũ khí của Mỹ.

Những phát hiện mới này xuất hiện sau cuộc điều tra độc quyền của CNN vào tháng 2-2019 trong quá trình theo dõi thiết bị do Mỹ sản xuất được bán cho Saudi Arabia và UAE. Các vũ khí đã được chuyển cho các tay súng vô chính phủ ở Yemen, bao gồm các phiến binh liên kết với al-Qaeda, dân quân theo dòng Hồi giáo Salafi và phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.

Từ thông tin ban đầu của CNN, Lầu Năm góc cho biết họ đã mở cuộc điều tra riêng về việc chuyển giao trái phép vũ khí của Mỹ ở Yemen. Nhưng hơn nửa năm trôi qua, tình hình chiến sự tại đất nước này trở nên tồi tệ hơn.

Lo ngại vũ khí Mỹ rơi vào tay kẻ xấu, khuấy đảo nội chiến ở Yemen - Ảnh 1.
Nhiều nghị sỹ Mỹ kêu gọi nước này ngừng bán vũ khí để ngăn “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới” ở Yemen

Đồng minh rạn nứt, phiến quân cực đoan nổi lên

Saudi Arabia đứng đầu liên minh, hợp tác chặt chẽ với UAE và các nhóm dân quân khác để chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen kể từ năm 2015. Nhưng, trong sự rạn nứt rõ ràng với đối tác Saudi Arabia, UAE đã tuyên bố vào tháng 7-2019 rằng họ đã cắt giảm binh sỹ tại Yemen và các cuộc giao tranh trên bộ giữa phe ly khai và lực lượng Chính phủ Yemen bắt đầu leo thang từ tháng 8-2019. Kể từ đó, UAE đã lén hỗ trợ phong trào ly khai.

Cũng trong tháng 8-2019, phe ly khai cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược Aden sau nhiều ngày chiến đấu với lực lượng Chính phủ. Vài tuần sau, Chính phủ Yemen cáo buộc UAE đã thực hiện một loạt cuộc không kích sát hại hàng chục binh sĩ của họ nhưng UAE cho biết họ nhắm vào các chiến binh khủng bố.

Các lực lượng được Saudi Arabia hậu thuẫn đã giành lại quyền kiểm soát Aden và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để chấm dứt cảnh tranh giành quyền lực ở thành phố này.

Trong khi đấu đá nội bộ leo thang ở miền Nam Yemen, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nắm bắt cơ hội để hồi sinh ở đó. Nhóm này đã nhận trách nhiệm gây ra một loạt vụ tấn công ở Aden vào tháng 8, sự cố xảy ra lần đầu tiên sau hơn 1 năm, đồng thời là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy cuộc xung đột ở Yemen đang tạo ra một khoảng trống cho những kẻ cực đoan phát triển.

Bất ngờ với phát hiện mới của CNN, một số nhà lập pháp Mỹ đều cho rằng những thông tin này rất đáng lo ngại. Một trong số họ, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2020 cho biết, bà sẽ chất vấn với chính quyền của Tổng thống Trump. “Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao chưa đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra hồi tháng 2 và tôi dự định sẽ tiếp tục theo đuổi”, bà Elizabeth Warren nói thêm.

Bán cho đồng minh nhưng lạc vào tay kẻ thù

Quá trình điều tra ở Yemen, CNN đã quay được một số phương tiện kháng mìn (MRAP) do Mỹ sản xuất đã được các nhóm dân quân ly khai do Hội đồng chuyển tiếp phía Nam (STC) dẫn đầu sử dụng. Trong số này, có chiếc BAE Caiman được phe ly khai sử dụng trong trận chiến đấu giành Shabwah, miền Nam Yemen, chống lại lực lượng Chính phủ vào tháng 8-2019.

Giống như nhiều loại khác, đây là vũ khí có thể được truy nguyên từ hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 2,5 tỷ USD giữa Mỹ và UAE vào năm 2014. Giống như tất cả các thỏa thuận vũ khí khác, hợp đồng quy định UAE là người sử dụng vũ khí cuối cùng nhưng lại để nó rơi vào tay người khác.

Bên trong chiếc xe là bằng chứng rõ ràng hơn về nguồn gốc của nó. Hệ thống điều hòa không khí của nó có số sê-ri từ công ty Real Time Laboratories của Mỹ, cho thấy bộ phận này được sản xuất tại cơ sở ở Mississippi. Khi được hỏi liệu công nghệ có bị bàn giao nhầm ở Yemen, Công ty Real Time Laboratories khẳng định họ cung cấp sản phẩm thuộc Hệ thống BAE vào năm 2010 theo hợp đồng phụ với Chính phủ Mỹ nhưng không thể biết quá trính bàn giao ra sao.

Phân tích loạt video trên mạng xã hội về các vụ đụng độ gần đây ở miền Nam Yemen, CNN đã nhận thấy một số nhóm dân quân, bao gồm lực lượng chống đối Chính phủ sở hữu MRAP của Mỹ. Nổi bật nhất là nhóm Alwiyat al Amalqa hay “Lữ đoàn khổng lồ’, chủ yếu tập hợp các chiến binh Sunni cực kỳ bảo thủ được UAE hỗ trợ.

Đầu năm nay, một quan chức cấp cao của UAE tiết lộ “Lữ đoàn khổng lồ” trực thuộc quân đội Yemen và nằm dưới sự “giám sát trực tiếp” của UAE, nhưng hiện giờ họ đã sáp nhập cùng phe ly khai trong cuộc chiến chống lại Chính phủ. Trả lời về các bằng chứng mới nhất, một quan chức của UAE cho biết: “Không có trường hợp nào thiết bị do Mỹ sản xuất được sử dụng mà không có sự giám sát trực tiếp của UAE, ngoại trừ 4 phương tiện đã bị địch bắt”.

Khi xung đột và vai trò của vũ khí Mỹ góp phần làm cho tình hình Yemen ngày càng phức tạp hơn, và một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc tại nơi này, Lầu Năm góc đã cam kết điều tra làm thế nào vũ khí hạng nặng của Mỹ lại rơi vào tay kẻ xấu. Người phát ngôn Lầu Năm góc, Trung tá Carla Glory cho biết hồi tháng 9 rằng cuộc điều tra chung của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng về việc chuyển vũ khí trái phép ở Yemen vẫn “đang diễn ra”.

Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ ngừng bán vũ khí

Phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện 1 ngày sau khi báo cáo ban đầu của CNN được công bố vào tháng 2-2019, Tướng Joseph Votel, lúc đó là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết, quân đội đã “xem xét kỹ hơn các cáo buộc”. Quan chức này được cho biết, Mỹ “không ủy quyền cho Arab Saudi hoặc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất để chuyển giao bất kỳ thiết bị nào cho các bên khác ở Yemen.

Trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng đề nghị Tổng thống Trump chấm dứt hậu thuẫn tài chính và quân sự của Mỹ cho cuộc chiến ở Yemen. Thượng nghị sĩ Chris Murphy, tác giả dự luật sửa đổi chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ, đề nghị cắt đứt hỗ trợ cho liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cho đến khi Bộ trưởng Quốc phòng có thể chứng nhận rằng cả Saudi Arabia và UAE đã ngừng chuyển nhượng vũ khí Mỹ cho các bên thứ ba ở Yemen. Đây chỉ là một trong những nỗ lực gần đây trong Quốc hội Mỹ nhằm ngăn cản sự can dự của quân đội Mỹ vào Yemen.

Không chỉ vậy, nhiều tổ chức quốc tế đã viết thư ngỏ kêu gọi Quốc hội Mỹ cắt giảm việc bán vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia và UAE để ngăn chặn cái mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”. Vào tháng 9-2019, Liên hợp quốc tuyên bố rằng các quốc gia cung cấp vũ khí cho các bên liên quan đến cuộc xung đột của Yemen có thể đồng lõa trong các tội ác chiến tranh. Một hội đồng chuyên gia được Liên hợp quốc ủy quyền khuyến nghị Mỹ, Anh và Pháp “không cung cấp vũ khí cho các bên tham gia cuộc xung đột” vì “nguy cơ phổ biến là các vũ khí đó sẽ được các bên sử dụng để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền nghiêm trọng”.

Vào tháng 9-2019, Liên hợp quốc tuyên bố rằng các quốc gia cung cấp vũ khí cho các bên liên quan đến cuộc xung đột của Yemen có thể đồng lõa trong các tội ác chiến tranh. Một hội đồng chuyên gia được Liên hợp quốc ủy quyền khuyến nghị Mỹ, Anh và Pháp “không cung cấp vũ khí cho các bên tham gia cuộc xung đột” vì “nguy cơ phổ biến là các vũ khí đó sẽ được các bên sử dụng để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền nghiêm trọng”.

Link bài gốc tại đây.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại