Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai (Trình bày: Mạnh Quân) |

Ngày 8/7/2019, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã tuyên bố sẽ giảm quân ở Yemen và bắt đầu triệt thoái một số lực lượng quân sự của mình ra khỏi nước này.

Abu Dhabi tuyên bố kế hoạch "Hoà bình trên hết" và việc rút quân này là "một bước tiến tới hòa bình và để tạo cơ hội cho người Yemen tự quản lý lấy cuộc xung đột". Các nguồn tin tình báo cho biết, UAE đã rút quân khỏi các vị trí ở bờ biển phía Nam Yemen và bàn giao các hòn đảo ở eo biển Bab Al-Mandeb cho các lực lượng Yemen.

Đồng thời với việc rút quân, UAE cũng đã bắt đầu huấn luyện và trang bị vũ khí cho 90 ngàn người thuộc các lực lượng Yemen để họ có thể tự đảm nhiệm các nhiệm vụ chiến đấu thay cho các lực lượng của UAE.

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 1.

UAE nói rằng đây chỉ là sự "bố trí lại quân", nhưng các nhà quan sát chính trị cho rằng, đây là "quyết định mang tính chiến lược của Abu Dhabi nhằm ngăn đám cháy ở khu vực lan sang nhà của họ."

UAE lo ngại rằng nếu Mỹ tấn công Iran, họ có thể trở thành một trong những mục tiêu trả đũa của Tehran. Trên thực tế, UAE đã bắt đầu rút khoảng 5.000 binh sĩ đang đồn trú tại Yemen theo từng giai đoạn. Các nguồn tin từ Yemen cho biết, hàng trăm binh sĩ UAE cùng xe tăng và máy bay trực thăng đã rời khỏi Yemen.

Cuộc nội chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2014 giữa các bộ tộc Houthi và các lực lượng chính phủ. Tháng 3/2015, Liên quân do Ả Rập Saudi lãnh đạo và UAE đóng vai trò nòng cốt đã mở chiến dịch với biệt danh "Bão táp quyết tâm" và "Vãn hồi hy vọng" chống lại quân Houthi được Iran ủng hộ nhằm khôi phục lại chính phủ của Abdrabbuh Mansour.

Hơn bốn năm qua, UAE đã cung cấp vũ khí, tài chính và cử hàng ngàn binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng Houthi nổi dậy ở Yemen. Các lực lượng UAE đã dẫn đầu hầu hết các cuộc tấn công lớn của liên minh.

Abu Dhabi quyết định rút quân sau khi nhận thấy cuộc chiến của liên quân do Ả Rập Saudi lãnh đạo từ năm 2015 nhằm khôi phục quyền kiểm soát của chính phủ Abed Rabbo Mansour Hadi đối với toàn bộ lãnh thổ Yemen bước vào"ngõ cụt".

Những người cầm quyền UAE hiểu rằng cuộc chiến ở Yemen là một "vũng lầy" cần phải rút ra càng sớm càng tốt. Đặc biệt là sau những thiệt hại về người và của UAE phải gánh chịu trong bốn năm rưỡi qua.

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 2.

Phương tiện quân sự của UAE tại sân bay quốc tế thành phố Aden, Yemen, ngày 5/8/2015 (Ảnh: REUTERS/Fawaz Salman)

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 3.

Kể từ khi bùng nổ chiến sự vào năm 2015, quân Houthi không những không bị tiêu diệt mà còn ngày càng lớn mạnh. Người Houthi vẫn kiểm soát Thủ đô Sana’a và một vùng lãnh thổ rộng lớn. Các lực lượng này còn liên tục tấn công vào các cơ sở sâu bên trong lãnh thổ Ả Rập Saudi, kể cả một số cơ sở dầu mỏ gần thủ đô Riyadh bằng tên lửa và máy bay không người lái UAV.

Mới đây, Houthi đã bắn tên lửa đạn đạo vào các sân bay Abha, Najran của Saudi để trả đũa việc Saudi phong tỏa sân bay ở thủ đô Sana’a do Houthi kiểm soát. Theo một số nguồn tin, ngày 1/8/2019, quân Houthi còn tấn công và kiểm soát 15 vị trí của quân đội Ả Rập Saudi ở miền Nam nước này.

Tháng 6/2019, Houthi đã bắn tên lửa vào nhà ga của sân bay Abha, làm 26 người bị thương. Cuộc chiến kéo dài bốn năm đã không đánh bại được người Houthi và biến Yemen thành nơi mà Liên Hợp Quốc gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Năm ngoái, các lực lượng UAE đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn dọc theo bờ Biển Đỏ đến vùng ngoại ô thành phố cảng Hodeida, nhưng cuộc tấn công này đã bị quân Houthi chặn đứng và bị quốc tế phản đối vì lo ngại nếu cảng Hodeida bị cắt đứt, nguồn cung cấp lương thực có nguy cơ bị ngưng trệ sẽ đẩy hàng triệu người Yemen vào nạn đói.

Việc Washington ủng hộ liên minh do Ả Rập Saudi lãnh đạo, gồm cung cấp các thông tin tình báo và hậu cần, cũng như bán máy bay và bom đạn, đang ngày càng gây tranh cãi ở Mỹ do số dân thường bị chết trong cuộc chiến ngày càng lớn. Tại Mỹ, tiếng nói phản đối chiến tranh ngày càng tăng sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/2018.

Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Yemen và hạn chế cung cấp vũ khí cho Ả Rập Saudi và UAE. Các quan chức Lầu Năm góc đã cảnh báo không thể giành được một chiến thắng quân sự và kêu gọi liên minh do Ả Rập Saudi lãnh đạo đàm phán về một giải pháp chính trị.

Trong số các quan chức của Mỹ kêu gọi UAE rút khỏi Yemen có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, cựu Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ Lindsay Graham thuộc đảng Cộng hòa bang Nam Carolina.

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 4.

Cuộc chiến tranh ở Yemen đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế của các nước vùng Vịnh tham gia liên quân, đặc biệt là Ả Rập Saudi và UAE. Đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về chi cho cuộc chiến này, tuy nhiên theo ước tính sơ bộ đăng trên The Yemen.net, tổng chi phí đến tháng 10/2017 đã lên tới ​khoảng 80-100 tỷ USD. Một số thông tin khác cho biết đến nay con số này đã lên tới 600 tỷ USD. Việc kéo dài cuộc chiến, thiệt hại sẽ còn tăng hơn nữa và không một nền kinh tế nào có thể chịu đựng được.

Báo Al-Akhbar của Lebanon nhận xét, một trong những lý do UAE quyết định rút quân khỏi Yemen là "sự chảy máu kinh tế không chỉ đang làm tổn thương cho Abu Dhabi, mà còn cả các tiểu vương quốc khác nữa trong liên bang. Những hậu quả của cuộc chiến đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế của UAE được xây dựng chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ".

Chỉ một quả tên lửa của Houthi rơi xuống đường phố Dubai được mệnh danh là hòn ngọc của Trung Đông, cũng đủ để làm sụp đổ nền kinh tế và phá tan tất cả các "thành tựu thần kỳ" đạt được trong những năm qua. Đấy là chưa nói đến việc Dubai đang chuẩn bị tổ chức sự kiện quốc tế hết sức quan trọng - Dubai Expo-2020, một sự kiện hết sức quan trọng của UAE đến nay đã có 192/193 nước khẳng định tham gia. Những người cầm quyền của Tiểu vương quốc Fujairah cũng rất lo ngại chính sách hiện nay có thể biến tiểu vương quốc này thành chiến trường trong tương lai vì nó nằm sát eo Hormuz và vịnh Oman.

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 5.

Thành viên các bộ tộc trung thành với quân Houthi tập trung ở thủ đô Sana'a để ủng hộ vòng đàm phán hòa bình diễn ra tại Thụy Điển, ngày 13/12/2018 (Ảnh: AP Photo/Hani Mohammed)

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 6.

Mặc dù Ả Rập Saudi và UAE được Mỹ tuyên bố ủng hộ mạnh trong cuộc đối đầu với Iran, nhưng không làm thay đổi được quan điểm cứng rắn của Tehran.

Ả Rập Saudi và UAE đã rất hy vọng rằng, các tàu dầu bị tấn công ở cảng Fujairah, eo biển Hormuz và vịnh Oman gần đây, cũng như việc Iran bắn hạ chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ hôm 20/6/2019 sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Nhưng điều đó đã không xảy ra, vào phút chót Tổng thống Donald Trump đã hủy kế hoạch tấn công Iran.

Những sự kiện vừa qua tại khu vực cho thấy, Mỹ không sẵn sàng đối đầu quân sự với Iran và nếu Mỹ không tấn công Iran bây giờ thì họ sẽ không bao giờ làm việc đó nữa. Hơn nữa, Washington cũng đang tích cực đề nghị đàm phán trực tiếp với Iran. Các nước châu Âu cũng không ủng hộ chính sách của Mỹ đối với Iran. Trong khi đó, Iran lại tỏ sẵn sàng xây dựng mối quan hệ cân bằng và đề nghị ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với các quốc gia vùng Vịnh.

Trong tình hình như vậy, cả Ả Rập Saudi và UAE đều nhận ra rằng, không thể dựa vào Mỹ trong cuộc đối đầu mãi với Tehran và nếu Mỹ bước vào đàm phán với Iran thì vai trò và vị trí của họ trên bàn cờ Trung Đông sẽ giảm giá trị. Họ buộc phải nhanh chân tìm cách làm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ với Iran trước khi có bất cứ sự tiếp xúc nào giữa Washington và Tehran.

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 7.

Quan hệ giữa Ả Rập Saudi và UAE với Iran, mặc dù còn hết sức phức tạp, nhưng đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu giảm nhiệt. Đại sứ Ả Rập Saudi tại Liên hợp quốc Abdullah Al-Moualim tuyên bố "Ả Rập Saudi không muốn chiến tranh với Iran và đã đến lúc phải kết thúc cuộc chiến tại Yemen. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định nước ông sẵn sàng đối thoại với Ả Rập Saudi..."

Đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ 2013 đến nay, UAE đã cử một số đoàn, trong đó có đoàn bảo vệ bờ biển thăm Tehran để thảo luận với các quan chức Iran việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trước hết là hợp tác cùng nhau bảo đảm an ninh hàng hải và xuất khẩu dầu từ tất cả các quốc gia nhìn ra vùng Vịnh.

Cuộc xung đột Yemen chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE, Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moskva hồi tháng trước tuyên bố: "Chúng tôi muốn có một giải pháp chính trị. Chúng tôi sẽ cùng với Nga thúc đẩy cuộc đối thoại với tất cả các bên quan tâm, bao gồm cả LHQ. UAE ủng hộ các nỗ lực của Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths. Chúng tôi hy vọng năm 2019 sẽ là năm kết thúc cuộc chiến ở Yemen và là năm khởi động một tiến trình chính trị quy mô lớn vì lợi ích của người dân Yemen."

Hơn 4 năm tham gia Liên quân, điều gì khiến UAE nản lòng, ráo riết lui binh khỏi Yemen? - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại