Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy Đài Loan hạn chế nhà sản xuất chip lớn nhất của họ sản xuất chất bán dẫn cho Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc và đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Theo các quan chức Đài Loan và Mỹ, Washington trong nhiều năm qua đã liên tục yêu cầu chính quyền của bà Thái Anh Văn hạn chế Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - bán chip cho Huawei.
Tháng trước, một quan chức Mỹ đã nói với các nhà ngoại giao Đài Loan ở Washington rằng các con chip do TSMC sản xuất cho Huawei đang đi thẳng vào tên lửa của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan - một tuyên bố đầy ẩn ý về những rủi ro khi cung cấp công nghệ cho Trung Quốc.
Động thái này được đưa ra khi Washington tìm cách khắc phục những sơ hở trong lệnh cấm bán cho Huawei, một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn cho quốc phòng Mỹ và ngăn chặn Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ.
Những lo ngại của Mỹ liên quan đến chip mà các công ty Mỹ không còn được phép bán cho Trung Quốc. Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực chuyển giao công nghệ giữa ngành công nghiệp dân sự và quân đội, làm tăng mối lo ngại của Mỹ về chuỗi cung ứng.
Một quan chức chính phủ Mỹ thông báo: "Phía Mỹ thường có các trao đổi với người đồng cấp Đài Loan về vấn đề an ninh và việc sử dụng chuỗi cung ứng công nghệ của họ. Chúng tôi có các cuộc đối thoại tương tự về kiểm soát xuất khẩu và đối thoại về hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt với rất nhiều đối tác.
Trong trường hợp cụ thể này, chúng tôi có một đối tác đang bị đe dọa quân sự trực tiếp từ Trung Quốc, và cũng là một trong số ít nơi sản xuất một số công nghệ nhất định mà Trung Quốc cần để hỗ trợ tham vọng quân sự của mình."
Công ty TSMC đã nhận được thông báo về danh sách đen của Washington đối với Huawei, các công ty của Mỹ cũng bị hạn chế việc bán các sản phẩm cho các công ty Trung Quốc được nêu trong danh sách đen này.
Theo ước tính của Randy Abrams - người đứng đầu nghiên cứu chất bán dẫn khu vực tại Credit Suisse, Trung Quốc chiếm khoảng 20% doanh thu của TSMC trong quý 3 và Huawei chiếm gần một nửa số đó.
Nếu chính phủ Đài Loan buộc TSMC từ bỏ Huawei với tư cách là khách hàng, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tiêu cực.
Các chuyên gia trong ngành vẫn hoài nghi về khả năng Washington có thể buộc Đài Loan sẽ thực hiện yêu cầu của mình. Chiến dịch của chính quyền Trump trong việc thuyết phục các quốc gia khác cấm Huawei khỏi mạng 5G của họ đã thành công nhưng chưa như mong đợi.
Hiện tại, Đài Bắc từ chối bình luận về các yêu cầu của Mỹ. Alex Huang, phát ngôn viên của bà Thái Anh Văn, sẽ chỉ xác nhận rằng Mỹ đã thảo luận về các vấn đề chung của ngành công nghệ.
Theo ông Huang, ngành công nghệ công nghệ cao Đài Loan tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế và tiếp tục hợp tác với các nước lớn bao gồm Mỹ. Quan chức Mỹ cho biết Đài Loan sẽ xem xét kỹ hơn những cân nhắc đó trong tương lai gần.
Như vậy, cùng với việc yêu cầu các đối tác khác không sử dụng công nghệ 5G của Huawei, chính quyền Mỹ còn tăng cường yêu cầu đối tác của mình là Đài Loan để chặn nguồn cung đầu vào cho hãng này.