Lo ngại đi vào vết xe đổ ở Syria, ông Trump "chùn tay" trước động thái mới của Nga ở Venezuela?

Quốc Vinh |

Tổng thống Trump vẫn đang thận trọng đối với các kế hoạch ở Venezuela khi lo ngại Mỹ sẽ đi vào vết xe đổ ở Syria giống người tiền nhiệm Obama.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Donald Trump thường phàn nàn về cách Tổng thống Barack Obama vẽ ra những lằn ranh đỏ mà ông không bao giờ thực thi, và một nước Mỹ thể hiện sự yếu đuối khi để Nga bước vào Syria mà không bị cản trở. Ông cho rằng, điều này sẽ không xảy ra nếu nhà lãnh đạo Nga tôn trọng tổng thống Mỹ.

Nhưng hiện tại, ở Venezuela, ông Trump đang có nguy cơ phải đối mặt với lằn ranh đỏ của chính mình – và một lần nữa, điều này xảy ra với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, tờ New York Times nhận định.

Trong tuần qua, chính quyền Trump đã gia tăng cảnh báo về sự tham gia của Nga vào Venezuela, cho rằng Moscow đang giúp đỡ Tổng thống Nicolás Maduro và làm suy yếu hy vọng của các quan chức Mỹ trong việc quân đội Venezuela sẽ lật đổ ông.

Mỹ đã cố gắng tập hợp các đồng minh của mình đứng đằng sau Juan Guaidó, lãnh đạo phe đối lập, với tư cách là tổng thống lâm thời của Venezuela. Sáng 1/4, phát biểu tại Đại học Chiến tranh Quân sự ở Carlisle, Pennsylvania, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói thẳng: "Nga phải rời Venezuela".

Phát biểu trên được đưa ra sau tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton hồi tuần trước, người nói rằng sự xuất hiện của khoảng 100 "cố vấn" quân sự Nga ở nước này, cùng với vũ khí mới, đặt ra "mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh khu vực".

Về phần mình, Nga đã đưa ra những lý do hợp lý và hợp pháp đối với việc triển khai một nhóm nhân viên quân sự đến quốc gia Nam Mỹ. Ông Bolton cũng cảnh báo rằng không có quốc gia nào được phép vào Tây bán cầu "với mục đích thiết lập hoặc mở rộng các hoạt động quân sự".

Những tuyên bố như vậy dường như đã thiết lập một phép thử mới: Liệu Venezuela có phải là nơi ông Trump - người thường tỏ ra hòa dịu trước những thách thức của ông Putin - cuối cùng vạch ra lằn ranh đỏ với Nga hay không? Và, nếu vậy, ông có kế hoạch nào để thực thi nó không?

Trong tình hình hiện tại, Tổng thống Maduro vẫn đang nắm chắc quyền kiểm soát đất nước, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế đang gia tăng đối với Chính phủ của ông và việc Guaido được công nhận là tổng thống lâm thời bởi Mỹ và một số quốc gia khác.

Về phần mình, Tổng thống Putin cũng có cơ hội để lặp lại những gì đã làm ở Syria đối với Venezuela, sẵn sàng ủng hộ một nhà lãnh đạo mà nhiều quan chức Mỹ nói phải rời đi – lần này là Tổng thống Maduro thay vì Tổng thống Bashar Assad– đồng thời một lần nữa làm thất bại các mục tiêu khu vực của Washington.

Ông Trump có thiết lập lằn ranh đỏ?

Lo ngại đi vào vết xe đổ ở Syria, ông Trump chùn tay trước động thái mới của Nga ở Venezuela? - Ảnh 1.

Ông Trump không muốn vẽ thêm "lằn ranh đỏ" để rồi không thực hiện được như người tiền nhiệm.

Trái với những viễn cảnh lo ngại Nga sẽ bước vào Venezuela, cản trở mục tiêu của Mỹ, Tổng thống Trump cho đến nay đã khá thận trọng khi đe dọa hành động quân sự ở Venezuela. Mặc dù đã có những lời thông báo bóng gió rằng "tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn", không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự can thiệp quân sự nào đang được cân nhắc nghiêm túc.

Thay vào đó, Washington dường như đang thực hiện một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với việc bán dầu, đồng thời bác bỏ các cáo buộc của Nga rằng Mỹ đang cố gắng đảo chính ông Maduro và đưa ra cảnh báo "sẽ là một sai lầm cho người Nga khi nghĩ rằng họ có quyền tự do ở đây".

Tổng thống Putin nhiều lý do để giữ Tổng thống Maduro tiếp tục nắm quyền, bao gồm cả lý do về kinh tế, chính trị lẫn quan hệ sâu sắc trong quá khứ. Còn đối với ông Trump, đây là minh chứng mới nhất cho thấy sự thận trọng của ông khi nói về tầm ảnh hưởng đang lan rộng của Moscow trên khắp thế giới.

Sự im lặng của ông trái ngược với những nhân vật cấp dưới, như Bolton, Pompeo và tướng Joseph F. Dunford Jr., những người đưa ra những lời công kích Nga gần như mỗi tuần.

Điều này có thể xuất phát từ một trong những lý do được tiết lộ gần đây, có thể ông Trump không muốn đi vào vết xe đổ của cựu Tổng thống Barack Obama ở Syria.

Chính Tổng thống Obama đã tuyên bố vào tháng 8/2011 rằng "vì lợi ích của người dân Syria, đã đến lúc Tổng thống Assad phải bước sang một bên". Và chính ông Obama đã cảnh báo "việc sử dụng vũ khí hóa học là một yếu tố thay đổi cuộc chơi", nhưng ngay cả khi Mỹ lên tiếng cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học, thì chính quyền Obama lại giảm hành động quân sự tại đây.

Chỉ một năm trước, ông Trump vẫn trích dẫn lại quyết định đó, chỉ trích người tiền nhiệm chỉ vạch ra những cam kết nhưng không thực hiện được như đã hứa.

William J. Burns, Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Obama cũng đưa ra những cảnh báo mới về rủi ro cho ông Trump ở Venezuela tương tự như ở Syria.

Burns đồng ý về "kế hoạch dài hạn" của Obama, bao gồm "các quy tắc để tránh bị cuốn vào một vướng mắc quân sự khác ở Trung Đông". Nhưng ông thừa nhận rằng "về ngắn hạn" chính quyền Obama đã sai lầm trong việc phân bổ sai mục đích và phương tiện, hứa hẹn quá nhiều, thiết lập lằn ranh đỏ quá nhiều để rồi không thực hiện được.

Burns đã ca ngợi chính quyền Trump vì lúc này đã tránh được những vướng mắc quân sự, đỡ vướng thêm những chỉ trích về cái gọi là chủ nghĩa đế quốc Mỹ, trong trường hợp đối đầu với chính quyền Maduro. Ông cũng cho rằng Tổng thống Trump không nên mắc sai lầm bởi vốn dĩ khả năng ảnh hưởng của Nga tại Venezuela cũng đang bị hạn chế.

"Sự tập trung vào việc xây dựng áp lực chính trị và kinh tế là hợp lý", ông nói. Burns lưu ý rằng khoảng cách địa lý giữa Nga và Venezuela đã hạn chế khả năng của chính quyền Putin ảnh hưởng đến tình hình tại đây.

"Vấn đề là khoảng cách", quan chức dưới thời Obama lập luận. "Họ không có cách nào để thể hiện sức mạnh của mình theo cách mà họ đã làm một cách mạnh mẽ ở Syria".

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn gặp khó khăn cho mục tiêu can thiệp ở Venezuela là bởi khả năng xây dựng liên minh khu vực đang bị hủy hoại, do tình hình căng thẳng với Mexico, đặc biệt là các lời đe dọa gần đây trong việc đóng cửa biên giới và chấm dứt hỗ trợ cho El Salvador, Guatemala và Honduras - Burns chỉ ra.

Còn với Tổng thống Maduro, ông cũng đã học được một số bài học từ chính quyền Assad để tự tin rằng kế hoạch can thiệp của Mỹ sẽ không thành công.

"Miễn là còn kiểm soát quân đội, bất kể chế độ gì đi chăng nữa cũng có khả năng tồn tại lâu hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại