Quân bài trong tay Nga
Lệnh ngừng bắn được ký vào ngày 10/11 giữa Armenia và Azerbaijan do Tổng thống Nga Vladimir Putin làm trung gian không chỉ thiết lập hòa bình ở Nagorno-Karabakh mà còn củng cố ảnh hưởng của Nga ở Caucasus, theo Asia Times.
Nhiều người cho rằng, nơi đây là khu vực "ngưỡng cửa" của Moscow, nên ảnh hưởng rộng rãi của Nga được thiết lập một cách chắc chắn là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy.
Cần phải nhớ rằng, Mỹ đã không bỏ sót hành động nào trong suốt một tháng rưỡi qua ở Nam Caucasus. Nếu không cảnh giác, tình hình có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng khác.
Ở thời điểm hiện tại, với thỏa thuận ngừng bắn, Nga đã nắm trong tay quyền quản lý khu vực trong 5 năm tới và thậm chí là trong nhiều năm nữa, tránh xa khỏi sự nhòm ngó của Mỹ.
Lệnh ngừng bắn Karabakh được đánh giá là khá bền vững khi tính đến thời điểm này không có vi phạm nào xảy ra. Có những động lực mạnh mẽ để Armenia và Azerbaijan tự kiềm chế, đó là sự hiện diện của gần 2.000 binh lính gìn giữ hòa bình Nga, những người đã tràn qua biên giới Armenia đến Nagorno-Karabakh trong vòng vài giờ sau khi thỏa thuận được thông báo.
Một tuần sau khi ký kết, các lực lượng Nga đã thiết lập hai chục trạm quan sát dọc theo đường liên lạc giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan, cũng như hành lang Lachin quan trọng nối liền Nagorno-Karabakh và Armenia.
Diễn biến trên thực tế cho thấy sự hiện diện của Nga đang đóng vai trò là tác nhân quốc tế duy nhất trong thỏa thuận Armenia-Azerbaijan, để lại ít chỗ cho các cường quốc quốc tế khác tham gia.
Đặc biệt, Mỹ - quốc gia vắng mặt phần lớn trong cuộc xung đột – giờ đây cũng chỉ biết đứng ngoài nhìn vào cuộc chơi. Nếu kết quả không có gì thay đổi, sẽ còn hai tháng nữa là đến lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Tình hình sẽ ra sao khi tổng thống mới của Mỹ bước chân vào Nhà Trắng - và Washington sẽ có những lựa chọn nào để tham gia vào cuộc xung đột đáng chú ý ở Nagorno-Karabakh?
Trên lý thuyết, vẫn còn không gian cho sự tham gia của Mỹ đối với những tình tiết tiếp theo ở Nagorno-Karabakh. Vấn đề nan giải nhất trong xung đột ở khu vực này là phân định lãnh thổ tranh cãi – điều vẫn chưa được giải quyết - thậm chí còn không được đề cập trong thỏa thuận được ký vào tuần trước.
Chính sách ngoại giao cam kết của Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng ở khía cạnh này, một điều đã có tiền lệ trong quá khứ. Tại Key West, Florida, vào năm 2001, đại diện lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan đã tiến rất gần đến một giải pháp.
Tuy nhiên, câu chuyện đó đã xảy ra từ lâu. Các nước bảo trợ cho thỏa thuận thuộc Nhóm Minsk - nhóm gồm 11 quốc gia, đứng đầu là Nga, Mỹ và Pháp - đã dần xa rời các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh.
Cả hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã liên tục chỉ trích tính hiệu quả trong các nỗ lực của Nhóm Minsk sau 25 năm mà không có tiến bộ, và cấu trúc này cũng không đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc giao tranh gần đây.
Việc Nga đơn phương áp đặt thỏa thuận ngừng bắn hiện tại và sự tham gia của các lực lượng Nga ở Nagorno-Karabakh, cho thấy Moscow đang nắm trong tay quân bài chủ lực hiện tại.
Mỹ loanh quanh
Vậy làm thế nào để chính quyền Biden có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng trong cuộc xung đột, và quan trọng hơn là nỗ lực đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực?
Giới phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, Washington có thể làm được rất ít điều. Trong khoảng thời gian 45 ngày giao tranh vừa qua, Mỹ đã có cơ hội tự khẳng định mình là một thế lực lớn trong cuộc chơi, nhưng do bận rộn với bầu cử, nước này đã bị xao nhãng.
Mỹ bỏ lỡ cơ hội và cho phép Moscow kiểm soát hoàn toàn cách kết thúc cuộc chiến, đồng nghĩa với việc Nga hiện có các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của cả ba nước cộng hòa vùng Nam Caucasus. Do đó, bất kỳ sự tham gia muộn màng nào của Mỹ giờ đây cũng không còn nhiều ý nghĩa.
Trong thời gian tới, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn khi nói về những hành động cụ thể mà Washington nên thực hiện để có được một chỗ ngồi trên bàn đàm phán.
Có một số điểm của thỏa thuận Armenia -Azerbaijan hiện tại cần được làm rõ trên thực tế, bao gồm các đường kiểm soát chính xác trên thực địa, nhưng không điều nào trong số này có khả năng liên quan đến ảnh hưởng của Washington.
Mỹ sẽ phải chờ đến 5 năm nữa, khi Nga kết thúc nhiệm vụ 5 năm hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh thì mới có cơ hội tiếp theo.
Nhưng thật không may cho Washington, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không có xu hướng rời khỏi khu vực sau khi họ được triển khai, như ở Moldova và Georgia (Nga đã từng đóng quân trong hơn 20 năm). Rất ít khả năng lực lượng của Moscow đang được triển khai, sẽ rút khỏi Nagorno-Karabakh vào cuối năm 2025.
Thực tế là Mỹ đã bỏ lỡ con thuyền trong cuộc xung đột này cho chính quyền tiếp theo. Chính quyền sắp tới của Biden có thể sẽ chỉ loanh quanh bên ngoài, đóng một vai trò trong các vấn đề nhỏ, còn Nga mới là cường quốc nắm vai trò thống trị và quyết định số phận của Nagorno-Karabakh.
Và bằng thực tế này, Nga đã củng cố vị thế của mình trong khu vực "ngưỡng cửa", đồng thời loại bỏ nguy cơ chen ngang từ Mỹ. Điều tốt nhất mà chính quyền Mỹ tiếp theo có thể hy vọng làm trong việc duy trì ảnh hưởng của ở Nam Caucasus là nỗ lực gấp đôi ở Gruzia, quốc gia có nhiều vấn đề và xung đột chưa được giải quyết.
Kết quả cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan cho thấy, ngay cả khi Washington chỉ lơ là một chút cũng có thể gây ra hậu quả lâu dài.