“Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 ở Nhật Bản”, USNI dẫn lời ông Kenneth Braithwaite phát biểu tại hội nghị chuyên đề thường niên của Liên đoàn tàu ngầm hải quân Mỹ hôm 17/11.
“Chúng tôi muốn xây dựng một hạm đội được đánh số mới. Và chúng tôi muốn đặt hạm đội đó ở nơi giao nhau của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và chúng ta sẽ có dấu chân của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Braithwaite nói.
“Chúng ta phải trông cậy vào các đồng minh và đối tác như Singapore, như Ấn Độ, và việc đặt một hạm đội ở đó sẽ cực kỳ phù hợp…Hạm đội đó sẽ tạo nên năng lực răn đe ghê gớm hơn nhiều”, ông nói thêm.
Ông Braithwaite cho biết ông chưa thảo luận với quyền bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller về kế hoạch này, nhưng đã bàn với nhiều người khác.
Ông nhấn mạnh rằng chỉ riêng Mỹ không thể đối phó với Trung Quốc, và các nước Thái Bình Dương ở khắp thế giới cần hỗ trợ để đẩy lùi Bắc Kinh về kinh tế và quân sự.
Phát biểu của ông Braithwaite được đưa ra khi Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đăng lên Twitter bức ảnh nhóm tàu sân bay USS Nimitz tham gia đợt hai của chiến dịch tập trận Malabar cùng với hải quân các nước Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, hôm 17/11. Bốn quốc gia này tạo nên nhóm Bộ tứ mà Trung Quốc coi như NATO ở châu Á.
Cảnh báo thẳng thừng
Các nhà phân tích nói rằng kế hoạch thành lập hạm đội mới là tín hiệu gửi đến Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ không rời đi, mà còn đến gần hơn với khu vực, trong bối cảnh sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ đang đặt ra câu hỏi về vai trò của Washington ở khu vực.
“Nó gửi đi tín hiệu rằng chúng ta vẫn ở đây và đó không chỉ là lời nói mà cả hành động”, TS Aparna Pande, giám đốc Sáng kiến tương lai Ấn Độ và Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Hudson ở Washington, nói với Straitstimes.
“Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể được thấy qua sự tiến triển dần dần: từ tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông đến xây dựng năng lực cho các đồng minh; Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trở thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương; những thoả thuận hậu cần với các nước ở khu vực, trong đó có Ấn Độ; và tuần này diễn ra đợt tập trận Malabar với Bộ tứ”, TS Pande nói.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng tại hãng nghiên cứu RAND, viết trên Twitter rằng hải quân Mỹ có kế hoạch “tăng gấp đôi phần "Ấn Độ Dương" trong cụm Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
“Nếu hải quân Mỹ xúc tiến việc thành lập Hạm đội 1 ở Ấn Độ Dương, điều đó sẽ tái khẳng định rằng Washington tiếp tục nhìn chiến lược châu Á qua lăng kính Ấn Độ - Thái Bình Dương, chứ không chỉ tập trung vào Tây Thái Bình Dương”, ông Grossman nói với Straits Times.
“Mỹ có thể tìm cách tận dụng Ấn Độ Dương để thực hiện chiến lược cạnh tranh và đẩy lùi Trung Quốc, và quan trọng hơn là Ấn Độ ngày càng thiên về cách làm đó”, ông Grossman đánh giá.
Hạm đội 7 của Mỹ ở Nhật Bản hiện nay phụ trách một khu vực rộng lớn, xuống đến cả biên giới Ấn Độ - Pakistan. Bổ sung thêm Hạm đội 1 sẽ giúp giảm bớt công việc của Hạm đội 7, đồng thời giúp tư lệnh của hai hạm đội chú ý nhiều hơn đến các nhóm đồng minh và đối tác cũng như không gian địa lý nhỏ hơn.
Ông Braithwaite chưa tiết lộ thông tin cụ thể nào về sức mạnh của Hạm đội 1 trong kế hoạch, hay cách thức hoạt động của hạm đội này có khác biệt hay sẽ phối hợp với Hạm đội 7.
Trong một diễn biến khác, hôm 17/11, Mỹ đưa 2 máy bay ném bom tầm xa vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc lập ra trên biển Hoa Đông, trong lúc hải quân Trung Quốc đang tiến hành tập trận trên biển.