Lộ diện vũ khí Iran bắn rơi UAV Mỹ: Rất bất ngờ - Không như tất cả dự đoán!

Chỉ Nhàn |

Truyền thông Nhà nước Iran tuyên bố, "tác giả" vụ tấn công bắn rơi máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Triton của Mỹ là hệ thống tên lửa phòng không nội địa của nước này.

Trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường tung hàng loạt bằng chứng cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu dầu trên eo biển Hormuz hồi cuối tuần trước, thì sáng nay truyền thông Nhà nước Iran đồng loạt đăng tải thông tin lực lượng vũ trang nước này vừa bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.

Động thái này được cho là sẽ tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa", đẩy quan hệ Tehran - Washington tới bờ vực chiến tranh, "thùng thuốc súng" có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Chỉ ít giờ sau, Washington đã lên tiếng xác nhận và cho biết đó là một chiếc UAV MQ-4C Triton, không phải là RQ-4 Global Hawk mà Iran tuyên bố.

MQ-4C Triton là phiên bản dành cho Hải quân Mỹ được phát triển từ chiếc RQ-4 Global Hawk. Cho nên, hình dáng của chúng tương đối giống nhau, việc Iran nhầm lẫn cũng là chuyện thường.

Loại UAV này có khả năng đạt trần bay tới 18.000m, tầm bay 15.000km, thời gian hoạt động liên tục tới 30 tiếng.

Tạm gác những phản ứng của hai bên sau vụ việc, câu hỏi lúc này được không ít người quan tâm là Iran dùng thứ gì để bắn rơi MQ-4C?

Đầy bất ngờ "tác giả"!

Hầu như không ít người sẽ ngay lập tức nghĩ tới đó chắc chắc là hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 mà Nga chuyển giao cho Iran vào năm ngoái.

Với tầm tác chiến tới 200km, độ cao tác xạ đến 27km, S-300PMU2 chắc chắn là loại vũ khí đáng sợ nhất của Iran hiện nay. Nó thừa sức bắn rơi bất kỳ máy bay tối tân nào của Mỹ.

Thế nhưng, theo hãng thông tấn Fars, lực lượng không gian vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không 3rd Khordad (Khordad thế hệ 3) để bắn rơi UAV Mỹ ở bờ biển phía Nam nước này.

Đây là thông tin cực kỳ bất ngờ vì Khordad là hệ thống phòng không chẳng mấy tên tuổi do Iran tự phát triển và công bố tính năng mà không thể kiểm chứng nổi.

Lộ diện vũ khí Iran bắn rơi UAV Mỹ: Rất bất ngờ - Không như tất cả dự đoán! - Ảnh 1.

Bệ phóng tên lửa 3rd Khordad trông khá giống xe phóng của tên lửa Buk (Nga).

Fars thông tin chi tiết thêm rằng, IRGC lần đầu tiết lộ khả năng hệ thống tên lửa phòng không Khordad hồi năm 2014. Nó được thiết kế và sản xuất hoàn toàn bởi các chuyên gia Iran.

3rd Khordad có khả năng phát hiện và tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu phản lực, máy bay ném bom, UAV, tên lửa hành trình ở độ cao đến 27km.

Một chỉ huy IRGC hồi năm 2014 mạnh dạn tuyên bố là hệ thống phòng không Khordad có thể so sánh với tên lửa S-300 của Nga, tầm bắn của nó tăng lên 100km và sẽ đạt 200km trong tương lai.

Hệ thống phòng không 3rd Khordad có thể cùng một lúc dẫn đường cho 8 tên lửa để theo dấu tiêu diệt 4 mục tiêu trong "nháy mắt".

Tất cả các thành phần radar, bệ phóng đều được đặt trên xe tự hành.

Đáng chú ý, trong khi đó, hãng thông tấn AP lại cho rằng, hệ thống tên lửa phòng không Khordad 15 (phiên bản cải tiến khác) mới là "tác giả" vụ bắn rơi chiếc UAV.

Khordad 15 mới chính thức ra mắt hồi đầu tháng 6, có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tối đa 150km, tiêu diệt UAV, máy bay ở cách xa đến 120km.

Dù thế nào, 3rd Khordad hay Khordad 15 thì thông tin lúc này cũng vẫn là tên lửa nội địa của Iran đã xé nát UAV Mỹ.

Iran đang "đánh bóng tên tuổi"?

Dẫu vậy, cũng không thể loại trừ một khả năng thông tin của Fars có sự "điều hướng" từ bộ máy truyền thông của Nhà nước, Quân đội Iran.

Từ lâu, Iran được cho là luôn thổi phồng khả năng của các hệ thống vũ khí nội địa do nước này tự chế tạo như "gà đẻ trứng".

Hầu như trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, cứ vài tháng Iran lại ra mắt một, hoặc thậm chí là vài loại vũ khí với đủ mẫu mã từ tên lửa đạn đạo tới máy bay tàng hình, pháo - tên lửa phòng không...

Lộ diện vũ khí Iran bắn rơi UAV Mỹ: Rất bất ngờ - Không như tất cả dự đoán! - Ảnh 3.

Tên lửa 3rd Khordad của Iran khai hỏa.

Tuy nhiên, chưa có một đánh giá nào một cách khách quan nhất về khả năng thực sự của vũ khí nội địa Iran. Bởi nhìn chúng bên ngoài trông như "mô hình cắt dán" vô tội vạ nhằm phô trương thanh thế trước Mỹ và đồng minh.

Thế nên, không thể loại trừ khả năng "tác giả" thực sự vụ bắn rơi phải là S-300PMU-2, nhưng để "đánh bóng tên tuổi hàng nội", Tehran quyết định yêu cầu truyền thông tuyên bố tên lửa nội địa bắn rơi UAV Mỹ.

Việc này góp phần "tô thêm son đỏ" cho tên lửa "made in Iran", lên dây cót tinh thần cho binh sĩ, đồng thời khiến địch thủ phải e dè trước hàng trăm khẩu đội tên lửa nội địa của Tehran.

Tất nhiên là cũng chẳng thể loại trừ việc 3rd Khordad thực sự làm nên "tên tuổi" trong lần đầu xuất trận.

Điều đó cũng là tin vui cho công nghiệp quốc phòng Iran, qua đây họ có thể chứng minh cho cả thế giới rằng, vũ khí Iran không kém Nga - Mỹ. Và Washington nên cẩn trọng trong các hành động gây chiến của mình!

Nói chung, để biết chính xác nhất thì cần phải chờ kết quả "điều tra" của các bên liên quan, chắc chắn Mỹ biết rõ UAV của mình bay ở đâu, cách đất liền bao xa, và các hệ thống radar dày đặt Trung Đông cũng ghi nhận được tên lửa được bắn đi từ đâu.

Tính toán cự ly có thể "sơ sơ" tìm ra được sự thật liệu 3rd Khordad bắn rơi MQ-4C Triton hay đó là tên lửa S-300.

Hệ thống tên lửa phòng không Khordad của Iran tác chiến thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại