Lộ diện người đứng sau các cuộc biểu tình ở Kazakhstan

Bảo Hạnh |

Kể từ đầu năm nay, Kazakhstan đã chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực sau khi giá nhiên liệu tăng mạnh trong nước.

Yêu cầu giảm giá nhiên liệu và sa thải các bộ trưởng trong nội các Kazakhstan của người biểu tình nhanh chóng được chính phủ đáp ứng. Dù vậy, các cuộc biểu tình kèm hành động phá hoại và trộm cắp vẫn tiếp diễn.

Cựu Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Kazakhstan kiêm cựu giám đốc ngân hàng Makhtar Ablyazov đã tự xưng là "lãnh đạo" của các cuộc biểu tình đang diễn ra ở nước này. Ông Ablyazov cũng khẳng định ông thường xuyên đưa ra lời khuyên cho người dân TP Almaty về những vấn đề chiến thuật.

"Tôi là lãnh đạo của phe đối lập. Mỗi ngày người biểu tình đều gọi tôi và hỏi: 'Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi nên làm gì?' - đài Sputnik trích lời ông Ablyazov.

Lộ diện người đứng sau các cuộc biểu tình ở Kazakhstan - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Kazakhstan Makhtar Ablyazov. Ảnh: Sputnik

Cựu giám đốc ngân hàng, người đang sống ở Paris - Pháp sau khi bị cáo buộc đánh cắp 6 triệu USD từ một ngân hàng Kazakhstan, nói thêm rằng ông đã sẵn sàng trở về quê hương và lãnh đạo chính phủ lâm thời ngay sau khi các cuộc biểu tình đạt kết quả.

Ông Ablyazov phủ nhận các cáo buộc rằng cuộc biểu tình được nước ngoài tài trợ và khẳng định ông không nhận được tiền từ phương Tây vì mục đích này.

Trước đó, chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm về các cuộc biểu tình ở Kazakhstan. Tình trạng bất ổn bắt đầu ở nhiều thành phố sau khi giá gas tăng khoảng 100%.

Chính phủ Kazakhstan nhanh chóng giảm giá và hứa hẹn sẽ kiểm soát giá trong vòng ít nhất nửa năm nhưng người biểu tình lại có thêm yêu cầu khác: sa thải các bộ trưởng. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã sa thải nhiều bộ trưởng vì không ngăn chặn được các cuộc biểu tình.

Trong 1 diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7-1 cảnh báo Kazakhstan rằng nước này sẽ gặp khó khăn trong việc yêu cầu Nga rút quân sau khi nhờ quân đội Nga dập tắt bạo loạn và lập lại trật tự.

Lộ diện người đứng sau các cuộc biểu tình ở Kazakhstan - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Tokayev đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể đa quốc gia (CSTO), một liên minh quân sự Á - Âu gồm 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và Nga, để dập tắt các cuộc biểu tình.

Quân đội từ Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan, Kyrgyzstan bắt đầu được triển khai đến Kazakhstan từ ngày 6-1 và ông Tokayev yêu cầu các lực lượng an ninh "bắn những kẻ khủng bố mà không cần cảnh báo".

"Khi sự việc có liên quan đến CSTO, chúng tôi thắc mắc về bản chất của yêu cầu và lý do tại sao yêu cầu đó ra đời. Đối với tôi, các cơ quan trong chính phủ Kazakhstan chắc chắn có đủ năng lực giải quyết các cuộc biểu tình một cách thích hợp, quá đó vừa tôn trọng quyền của những người biểu tình vừa duy trì luật pháp và trật tự. Vì vậy, không rõ tại sao họ cảm thấy cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài" - ông Blinken nhận xét.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Kazakhstan và CSTO "tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".

Theo thông báo ngày 6-1 của Bộ Nội vụ Kazakhstan, 26 người biểu tình đã thiệt mạng và 18 người khác bị thương. Ngoài ra, ít nhất 18 nhân viên an ninh cũng thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại