Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong cuộc tập trận sáng ngày 26/8, quân đội Trung Quốc đã cho phóng 2 quả tên lửa ở Biển Đông.
Hành động phóng tên lửa trong đợt tập trận bắn đạn thật được quân đội Trung Quốc tiến hành vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang vô cùng căng thẳng liên quan tới hàng loạt bất đồng về vấn đề thương mại, chính trị, Biển Đông, eo biển Đài Loan và Hong Kong.
Giới chuyên gia nhận định, việc phóng tên lửa là tín hiệu Trung Quốc muốn nhắn gửi tới Mỹ về khả năng sẵn sàng đối phó nếu không may xảy ra xung đột quân sự giữa quân đội Mỹ - Trung.
Trong cuộc tập trận vào ngày 26/8, hai loại tên lửa mà Trung Quốc bắn ở Biển Đông được xác định là DF-21D và DF-26B. Trong đó, SCMP đưa tin, tên lửa DF-26B được Trung Quốc phóng từ tỉnh Thanh Hải, còn tên lửa DF-21D phóng từ tỉnh Chiết Giang.
Cả hai tên lửa được Trung Quốc phóng hướng về khu vực nằm giữa bờ biển tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.
Mục đích phóng tên lửa DF-21D và DF-26B trong cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc chưa được hé lộ. Song theo SCMP, “vị trí tên lửa rơi nằm trong khu vực giới hạn hoạt động để tiến hành tập trận từ ngày 24 – 29/8 như Cục Hải sự Hải Nam thông báo hôm 21/8”.
Trong đó, DF-21D là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” với tầm bắn từ 1.450 – 1.550 km. Tên lửa DF-21D của Trung Quốc được cho có khả năng đánh bại hệ thống chiến đấu Aegis vốn được dùng để bảo vệ các chiến hạm mặt nước chủ chốt của quân đội Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Còn tên lửa DF-26 có tầm bắn từ 3.000 – 4.000 km. Với tầm bắn này, tên lửa Trung Quốc có thể tấn công tới các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam.
Trang web MissileThreat của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) từng nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc chưa từng công khai thông tin về việc đã thử nghiệm phiên bản chống hạm của tên lửa DF-26 đối với các mục tiêu trên biển hay chưa.
CSIS cho biết thêm, “lực lượng tên lửa quân đội Trung Quốc từng cho thử nghiệm một loại tên lửa mới trên biển Bột Hải vào tháng 5/2017”, mà theo giới phân tích khả năng đây là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26.
Những tên lửa đạn đạo chống hạm di động như DF-21D và DF-26B hiện đóng vai trò quan trọng đối với năng lực chống xâm nhập, chống tiếp cận mà Trung Quốc muốn xây dựng trên Biển Đông.
Vào tháng 7/2019, Trung Quốc từng phóng thử ít nhất là 1 tên lửa ở Biển Đông. Còn vụ phóng thử tên lửa DF-21D và DF-26B của Trung Quốc vào sáng ngày 26/8 diễn ra trong bối cảnh trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ cho tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Điển hình, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ liên tiếp triển khai tập trận ở Biển Đông nhằm thể hiện cam kết duy trì trật tự trong khu vực, cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược.
Trong tháng Bảy, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã cùng có mặt ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, Mỹ điều động hai tàu sân bay cùng lúc tới khu vực.
Đáng nói, hồi tháng 10/2019, Trung Quốc cũng đã cho ra mắt tên lửa đạn đạo chống hạm DF-100/CJ-100. Tên lửa này được cho bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Trung Quốc lên tiếng
Hôm 27/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định các cuộc tập trận gần đây của quân đội nước này không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Cụ thể, trong cuộc họp báo vào sáng 27/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nhấn mạnh, Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể đưa ra hành động thực tế để tạo dựng “bầu không khí tích cực” cho những trao đổi cấp cao giữa quân đội hai nước.
Trong tháng Tám, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở Biển Đông. Gần nhất là vụ phóng hai tên lửa DF-26B và DF-21D ở Biển Đông trong ngày 26/8.
Theo ông Qian, động thái của Mỹ đã vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và trên không giữa quân đội Mỹ - Trung cũng như các quy định quốc tế liên quan và có thể gây ra hiểu nhầm hoặc dẫn tới va chạm bất ngờ.
Về phần mình, quân đội Mỹ cho biết chuyến bay của trinh sát cơ U-2 được thực hiện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ khẳng định chuyến bay “tuân thủ các quy định và luật lệ quốc tế”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.