Lo đánh mất lợi ích trong tay, Nga-Trung sẽ bảo vệ Iran bằng mọi giá trước "móng vuốt" Mỹ?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trên thực tế, cái giá mà Mỹ phải trả để đổi lấy sự đồng hành của Nga và Trung Quốc trong việc đối địch Iran sẽ rất đắt, đắt đến mức hiện tại phía Mỹ không thể sẵn sàng trả được.

Iran ngày càng gần Nga và Trung Quốc

Việc Mỹ rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) đã gây khó cho EU nhưng đã tạo cơ hội mới cho Trung Quốc và Nga trong quan hệ với Iran.

Trung Quốc, Nga cùng với 3 nước đại diện EU là Anh, Pháp và Đức tham gia đàm phán và ký kết JCPOA với Iran. Tất cả những bên này đều muốn tiếp tục duy trì JCPOA ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận và đối địch trở lại với Iran.

Tehran tranh thủ Nga và Trung Quốc trong khi biến EU thành con tin của JCPOA theo hướng buộc EU phải đứng về phía lợi ích của Iran, để đổi lấy việc nước này tiếp tục tuân thủ JCPOA.

Ở tình thế hiện tại, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và ràng buộc lợi ích với Nga và Trung Quốc càng thêm quan trọng đối với Iran. Trong khi Iran phải tranh thủ hai đồng minh này thì Nga và Trung Quốc cũng phải tiếp tục bảo vệ Iran trước sự thù địch của Mỹ bởi đã có nhiều lợi ích chiến lược thiết thực hiện tại cũng như lâu dài ở Iran.

Chuyến thăm làm việc Trung Quốc của tổng thống Iran Hassan Rouhani nhằm tới mục đích ấy và cả hội nghị cấp cao lần này của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng không thể không bàn về chuyện ấy.

Bên trong nhà máy hạt nhân của Iran hồi năm 2006. Nguồn: CNN

Với quyết định rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy Iran về phía Nga và Trung Quốc, đã buộc Iran không có sự lựa chọn nào khác ngoài càng phải tăng cường quan hệ hợp tác với hai nước này và buộc hai nước ấy phải đối đầu với Mỹ để bảo vệ lợi ích của họ ở Iran.

Nga hợp tác với Iran đặc biệt trên lĩnh vực chính trị và quân sự, dầu khí và nhà máy điện hạt nhân. Cho tới tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 33 tỷ USD vào Iran (trong khi đầu tư của EU vào Iran là 20 tỷ USD) và dành cho Iran khung tín dụng vay 10 tỷ USD.

Vai trò của Trung Quốc

Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu lửa và khí đốt từ Iran. Iran đóng vai trò quan trọng đối với thành công của chương trình "Một vành đai - Một con đường" của Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc vì thế đều sẽ không để cho những lợi ích này của họ ở Iran bị tổn hại bởi chính sách và hành động của Mỹ đối với Iran.

Với Nga và Trung Quốc, phía Mỹ không thể vận dụng cùng biện pháp và phương cách để gây áp lực buộc phải nghe theo Mỹ như Mỹ có thể làm với EU, đặc biệt với việc áp dụng những biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Iran nhằm vào đấy khi tranh thủ Trung Quốc và Nga cũng như khi gây áp lực để buộc EU phải đối đầu với Mỹ nhằm bảo vệ JCPOA. Nga và Trung Quốc có thế riêng và nhiều con chủ bài trong quan hệ với Mỹ mà họ đều có thể sử dụng được vào mục đích bảo vệ những lợi ích của họ ở Iran.

Nga và Trung Quốc không ngăn cản được việc Mỹ trừng phạt cả những công ty và cá nhân duy trì quan hệ hợp tác với EU nhưng sẽ không để cho Mỹ hành xử tương tự với doanh nghiệp hay công dân của họ, bất kể rồi đây JCPOA tiếp tục có hiệu lực hay bị huỷ bỏ.

Trung Quốc nhập khẩu khối lượng rất lớn dầu lửa và khí đốt của Iran. Dù vậy, nguồn năng lượng nhập khẩu này không phải đến mức không thể thay thế được đối với Trung Quốc.

Nhưng Iran là mắt xích không đối tác nào khác có thể thay thế được trong chiến lược của Trung Quốc vươn ra vùng Vịnh và Trung Đông. Iran hiện cần Trung Quốc làm đồng minh như thế nào để đối phó Mỹ thì Trung Quốc cũng có nhu cầu cần thiết phải bảo vệ đối tác này như thế trước chính sách và hành động của phía Mỹ thù địch Iran.

Lo đánh mất lợi ích trong tay, Nga-Trung sẽ bảo vệ Iran bằng mọi giá trước móng vuốt Mỹ? - Ảnh 3.

Trung Quốc có được cơ hội thuận lợi để ràng buộc Iran chặt hơn nữa vào quan hệ hợp tác với mình, nhưng cũng chính vì thế mà sẽ không thể tránh khỏi gặp khó khăn và khó xử mới trong quan hệ với Mỹ.

Không có sự hợp tác của Trung Quốc và Nga, mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran không thể có được tác động như phía Mỹ mong muốn. Cho nên Mỹ sẽ thúc ép cả Nga lẫn Trung Quốc.

Cho nên việc Nga và Trung Quốc chìa ô dang tay bảo vệ Iran đến mức độ nào cũng còn phụ thuộc vào mức độ quan hệ song phương của Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Về lý thuyết là như vậy, chứ còn trên thực tế thì cái giá mà Mỹ phải trả để đổi lấy sự đồng hành của Nga và Trung Quốc trong việc đối địch Iran sẽ rất đắt, đắt đến mức hiện tại phía Mỹ không thể sẵn sàng trả được.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại