Lằn ranh đỏ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang trên đà vượt qua lằn ranh đỏ của Nga trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, điều này xuất phát từ lý do cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan hoàn toàn khác với Syria và Libya, chuyên gia Kerim Has, nhà phân tích chuyên về các vấn đề Nga-Thổ nói với Ahval News.
Vào ngày 1/10, Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga trực thuộc bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, mối quan hệ giữa ông Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin là một "bãi mìn". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua ranh giới và "dẫm phải một quả mìn" ở Nagorno-Karabakh.
"Mặc dù lằn ranh đỏ vẫn chưa vượt qua, nhưng ông Erdoan đang chọc vào cơn giận của ông Putin", chuyên gia Has nói. Theo đó, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo vốn đã căng thẳng từ trước khi chiến sự nổ ra xung quanh Nagorno-Karabakh hôm 27/9.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thiết lập mối quan hệ đôi bên cùng có lợi ở các cuộc xung đột Syria và Libya, nhưng trong đó cũng đầy rẫy sự bất đồng do hai bên ủng hộ các phe đối lập. Họ là đối tác chiến lược đồng thời là đối thủ cạnh tranh, thậm chí là đối thủ trực tiếp trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, Nagorno-Karabakh có một ý nghĩa riêng biệt đối với Nga, nhà phân tích Has cho biết. Hai nước đã có cố vấn quân sự, lính đánh thuê hoặc quân đội được triển khai ở Syria và Libya, nhưng những nỗ lực tương tự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nagorno-Karabakh - một lãnh thổ từng nằm trong Liên Xô cũ – là điều tối kỵ, có thể dẫn đến leo thang không chủ ý và phá hủy vĩnh viễn quan hệ đối tác.
"Putin sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp nhiều hơn vào Karabakh, nơi được coi là sân sau của Nga", Has nhấn mạnh.
Nga có quan hệ tốt với cả hai bên trong cuộc xung đột. Nước này có hiệp ước quốc phòng với Armenia, quốc gia vốn được coi là đồng minh truyền thống, và gần đây đã thúc đẩy quan hệ nồng ấm hơn với Azerbaijan. Moscow cũng bán vũ khí cho cả hai nước.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã không hề giấu giếm sự ủng hộ đối với Azerbaijan khi cả hai chia sẻ mối quan hệ văn hóa, lịch sử và kinh tế lâu đời. Ankara đã hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan trong cuộc giao tranh nổ ra với Armenia vào ngày 27/9.
Armenia, Nga, Pháp và Iran đều cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến binh từ Syria tới Azerbaijan. Tuần trước, bộ Ngoại giao Nga cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về việc triển khai lực lượng dân quân Syria và Libya tới khu vực Nagorno-Karabakh.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria báo cáo khoảng 900 lính đánh thuê Syria đã được các công ty an ninh tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tới Azerbaijan kể từ khi cuộc đụng độ bắt đầu. Các thành viên của Quân đội Quốc gia Syria - một nhóm dân quân đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria - nói với Foreign Policy rằng, việc chuyển quân như vậy đã xảy ra ngay cả trước khi giao tranh. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều phủ nhận những báo cáo này.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lính đánh thuê nước ngoài để tạo ảnh hưởng trên một số mặt trận. Nhưng ông Putin đã không ngồi yên khi thông báo công khai rằng các chiến binh thánh chiến đã được gửi đến Nagorno-Karabakh thông qua Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Has nói thêm.
Nhà phân tích cho biết, ông Putin đang bày tỏ cảm xúc phẫn nộ thực sự trước sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong chiến lược ngăn cản ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Xoa dịu Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm S-400 trong thời gian gần đây.
Động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ trong thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất được coi là một nỗ lực nhằm xoa dịu quan hệ với Tổng thống Putin.
Hồi đầu tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển hệ thống S-400 của Nga tới một bãi tập gần tỉnh Sinop, miền Tây nước này để thử nghiệm.
"Việc công bố thử nghiệm S-400 ở Sinop một lần nữa dựa trên các tính toán chính trị. Mặc dù nó chưa được kích hoạt vào thời điểm hiện tại, nhưng nó sẽ sớm được kích hoạt", Has nói.
Căng thẳng giữa hai đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan đến hệ thống phòng không S-400 đã bùng phát vào tháng 4 khi ông Erdogan công bố kế hoạch kích hoạt.
Tuy nhiên, quá trình kích hoạt tốn kém đã bị trì hoãn trong vài tháng khi các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn các vấn đề kỹ thuật và dịch bệnh.
Washington đã đe dọa Ankara bằng các biện pháp trừng phạt và đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 vào năm ngoái sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, vũ khí mà Mỹ cho rằng không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa khả năng tàng hình của F-35.