Giám đốc tình báo Litva Elegijus Paulavicius cho rằng: "Các nguồn lực mà Nga có ở thời điểm hiện tại sẽ đủ để tiếp tục cuộc chiến ở cường độ như hiện nay trong hai năm".
Ông Paulavicius nói thêm: "Việc Nga có thể tiến hành cuộc chiến trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các quốc gia như Iran và Triều Tiên cho quân đội Nga".
Các cơ quan tình báo của Litva cho biết các biện pháp trừng phạt không làm tổn hại đến khả năng tài trợ cho quân đội của Nga khi nước này chuyển hướng các nguồn lực cho họ từ phúc lợi công.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị súng cối để bắn về phía quân đội Nga bên ngoài thị trấn tiền tuyến Bakhmut, thuộc vùng Donetsk-Ukraine. ẢNH: REUTERS
Nga sử dụng "chuỗi dài các trung gian" để mua công nghệ phương Tây bị trừng phạt và quân đội của họ đang được điều chỉnh để đối đầu lâu dài với phương Tây, đồng thời ưu tiên nỗ lực xây dựng lại sự hiện diện quân sự ở khu vực Biển Baltic.
Báo cáo cho biết: "Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian và kết quả của cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến càng dài và càng tốn kém thì càng mất nhiều thời gian".
Liên quan đến tình hình tại Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 9-3 cho biết cho đến nay, Nga thấy các nước láng giềng Ukraine không mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc để giải quyết cuộc xung đột.
Trong khi đó, lực lượng Nga đã bắn một loạt tên lửa trên khắp Ukraine hôm 9-3, làm thương vong một số dân thường và làm mất điện trong khu vực. Kiev cho biết Nga đã sử dụng 6 tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal, một trong những vũ khí có giá trị nhất của Moscow.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã thực hiện một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn để đáp trả cuộc đột kích xuyên biên giới vào tuần trước. Nga tuyên bố đã tấn công tất cả các mục tiêu dự định, phá hủy các căn cứ máy bay không người lái, làm gián đoạn đường sắt và làm hư hại các cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí.
Moscow cho rằng những cuộc tấn công như vậy nhằm làm giảm khả năng chiến đấu của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev nói rằng các cuộc không kích không có mục đích quân sự và nhằm làm hại cũng như đe dọa thường dân. Theo Reuters, Nhà Trắng đã lên án cuộc tấn công tàn phá và Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine khả năng phòng không.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết việc mất điện tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine là một lời nhắc về tình hình nguy hiểm mà nhà máy và khu vực xung quanh đang đối mặt. Ông nói: "Nếu chúng ta cứ để điều này tiếp diễn hết lần này đến lần khác, thì một ngày nào đó vận may của chúng ta sẽ cạn kiệt".
Ông Grossi cho biết đây là lần đầu tiên nhà máy mất điện toàn bộ kể từ ngày 23-11-2022.