Lính Ukraine hiến kế phá vỡ phòng tuyến kiên cố của Nga: "Đạn dược lảng vảng" thành vũ khí thống trị

Hữu Hiển |

Phía sau bãi mìn và chướng ngại vật, đối phương đang chờ đợi trong chiến hào của họ, sẵn sàng tấn công xe tăng và bộ binh đang cố gắng vượt qua vùng đất nguy hiểm.

Nhưng thay vì thế, hàng chục nghìn máy bay không người lái (UAV) lao xuống vị trí của đối phương, phá hủy phương tiện, pháo và boongke, dọn đường cho bộ binh.

Vũ khí chống tăng chủ yếu của quân đội Ukraine

Tờ Business Insider (BI) hôm 1/1 đưa tin, đó là tầm nhìn của Illya Sekirin - một người lính Ukraine điều khiển UAV chiến đấu. Anh ta tin rằng quân đội Ukraine cần tạo ra một nhánh riêng cho các hệ thống UAV và chiến tranh điện từ để tiến hành tấn công.

"Những đột phá với đội hình cơ giới cỡ lớn đang trở thành dĩ vãng", Sekirin viết trong một bài báo cho tạp chí British Army Review (Anh).

"Do đó, vai trò của nhánh UAV và chiến tranh điện từ sẽ đặc biệt hữu ích trong việc phá vỡ các vị trí kiên cố của đối phương thông qua việc tiến hành các hành động tấn công ồ ạt."

 - Ảnh 1.

Theo Illya Sekirin, quân đội Ukraine cần tạo ra một nhánh riêng cho các hệ thống UAV và chiến tranh điện từ để tiến hành tấn công thích ảnh. Ảnh: Getty

Theo BI, UAV cùng với pháo binh đã trở thành vũ khí thống trị trong cuộc chiến tại Ukraine. Đáng chú ý, mặc dù xe tăng vẫn là vũ khí chính trên chiến trường, nhưng chúng không còn chiếm ưu thế như trước nữa.

Hàng đàn UAV góc nhìn thứ nhất nhỏ bé đã khiến cho những vũ khí cồng kềnh, đắt tiền như xe bọc thép và pháo binh gặp nguy hiểm và cần được bảo vệ bởi hệ thống phòng không và tác chiến điện tử.

"UAV góc nhìn thứ nhất (còn được gọi là “đạn dược lảng vảng”) với chi phí khoảng 350 đến 450 USD/chiếc, đã trở nên hiệu quả đến mức giờ đây có thể được coi là vũ khí chống tăng chủ yếu của quân đội Ukraine", Sekirin viết.

Việc phá vỡ các phòng tuyến kiên cố là một hành động phức tạp và căng thẳng, thường dẫn đến tổn thất nặng nề cho quân tấn công của cả Nga và Ukraine. Do đó, Sekirin đã đưa ra giải pháp thay thế: sử dụng số lượng lớn UAV để chọc thủng phòng tuyến của đối phương, tạo ra không gian dễ chịu hơn cho quân tấn công.

"Ví dụ, 40.000 UAV sẽ tấn công theo từng đợt để tiêu hao sinh lực địch trong khu vực tiền tuyến rộng 10 km và sâu 20 km, với mật độ tấn công bằng UAV là 200 chiếc trên mỗi km2", Sekirin viết.

"Cuộc tấn công bằng UAV này đồng thời sẽ cung cấp hỏa lực yểm trợ chính xác cho các xe rà phá bom mìn và các đơn vị bộ binh cơ giới của phe mình [Ukraine] đang tiến lên với nhiệm vụ chiếm giữ khu vực. Thông qua việc phá vỡ tiền tuyến, các lực lượng cơ động thông thường sau đó có thể tiến vào để giành thế chủ động."

Sekirin lập luận rằng sử dụng UAV để tấn công giúp tiết kiệm chi phí và giảm thương vong cho binh sĩ Ukraine.

Không phải "thuốc chữa bách bệnh"

"Nếu giá của một UAV tấn công trung bình tính ở mức 500 USD, tổng số UAV sẽ có giá 20 triệu USD, chỉ tương đương với giá của hai xe tăng M1 Abrams. 40.000 UAV cũng chỉ chiếm 0,8% số lượng UAV tiêu dùng trên toàn thế giới (5 triệu chiếc đã được xuất xưởng vào năm 2020), cho thấy việc sản xuất và cung ứng sẽ không phải là vấn đề", Sekirin viết.

BI nhận định, số lượng UAV cho kế hoạch này vượt xa số UAV từng được sử dụng trong gần ba năm kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, vốn chủ yếu được dùng để vô hiệu hóa các phương tiện và theo dõi những nhóm nhỏ binh lính.

Việc biến UAV thành một lực lượng tấn công lớn sẽ đòi hỏi phải tăng cường liên lạc và chiến thuật để hạn chế hỏa lực nhằm vào vào đồng đội đang tiến lên - những người có thể giống với đối phương khi quan sát trên video nhiễu hạt hoặc nguồn cung cấp dữ liệu hồng ngoại.

 - Ảnh 3.

Mìn, UAV và chướng ngại vật đã cản trở sức mạnh của xe tăng trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Getty

Theo BI, điều trớ trêu là một thế kỷ trước, xe tăng được phát minh như một phương tiện để đột nhập vào các chiến hào kiên cố trong Thế chiến I, phần lớn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng súng máy. Thế chiến II đã chứng kiến các bên tham chiến dựa vào hàng loạt xe tăng không chỉ để xuyên thủng phòng tuyến mà còn tận dụng khả năng cơ động và hỏa lực của chúng để đập tan lực lượng địch và chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn.

Nhưng ngay khi xe tăng ra mắt vào năm 1916, người ta nhanh chóng nhận ra rằng chúng không phải là giải pháp kỳ diệu cho các vấn đề trên chiến trường. Xe bọc thép khi đó và cả hiện nay đều dễ bị tấn công bởi nhiều loại vũ khí. Điều này có nghĩa là các bên tham chiến phải sử dụng chiến thuật kết hợp, trong đó xe tăng phối hợp với các lực lượng khác như bộ binh, pháo binh, công binh và máy bay…

Do đó, BI nhận định, kế hoạch của Sekirin sẽ khiến UAV đảm nhận vai trò lịch sử của xe tăng. Nhưng bản thân điều đó lại đặt ra câu hỏi.

Vì UAV có giá rẻ và dễ sản xuất với số lượng lớn, nên quân đội và các chính trị gia sẽ rất muốn dựa vào một đội UAV khổng lồ thay vì các lực lượng đột nhập truyền thống như công binh chiến đấu và xe tăng rà phá bom mìn.

Nhưng cũng giống như xe tăng dễ bị tấn công bởi mìn, tên lửa chống tăng và bây giờ là UAV, thì bản thân UAV sẽ có khả năng trở thành nạn nhân của các biện pháp đối phó như gây nhiễu (vốn đã làm gián đoạn hoạt động của UAV trong cuộc chiến tại Ukraine) cũng như vũ khí chống UAV và UAV đánh chặn.

Theo BI, một đàn 40.000 UAV sẽ là một cảnh tượng ấn tượng và đáng sợ, nhưng chúng không phải là "thuốc chữa bách bệnh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại