"Lập kế hoạch cho các kịch bản thận trọng"
Tờ Telegraph (Anh) ngày 2/1/2025 đưa tin, các quan chức Mỹ tiết lộ với trang tin Axios (Mỹ) rằng, trong cuộc thảo luận bí mật diễn ra vào tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã trình bày với Tổng thống Joe Biden - người chỉ còn vài tuần nữa là hết nhiệm kỳ - về một loạt các phương án tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong trường hợp Tehran tiến gần hơn đến việc chế tạo bom hạt nhân trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào ngày 20/1 tới.
Một trong những nguồn tin cho biết, mục đích của cuộc thảo luận không phải là để ông Biden đưa ra quyết định dứt khoát mà là để tham gia vào việc "lập kế hoạch cho các kịch bản thận trọng".
Các nguồn tin nói rằng ông Biden đã tham gia thảo luận về cách Mỹ nên phản ứng nếu Iran thực hiện các bước đi cụ thể để chế tạo bom hạt nhân trước ngày 20/1/2025, bao gồm cả việc làm giàu uranium lên độ tinh khiết 90%.
Theo Telegraph, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Sullivan từng cảnh báo hồi tháng 12/2024 rằng có nguy cơ gia tăng về việc Iran có thể từ bỏ cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân.
"Đây là một rủi ro mà chúng tôi đang cố gắng cảnh giác ngay từ bây giờ. Đây là một rủi ro mà cá nhân tôi đang thông báo cho nhóm sắp đến [nhóm của ông Trump]", ông Sullivan nói và cho biết thêm rằng ông đã tham khảo ý kiến một đồng minh của Mỹ là Israel.
Iran đàm phán hạt nhân với 3 nước châu Âu
Trong một diễn biến khác, vòng đàm phán hạt nhân tiếp theo giữa Iran và Pháp, Anh và Đức sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 1 này, hãng thông tấn ISNA (Iran) đưa tin, dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi hôm 1/1/2025.
"Vòng đàm phán mới giữa Iran và ba nước châu Âu sẽ được tổ chức tại Geneva vào ngày 13/1", ông Gharibabadi nói.
Theo hãng tin Al Jazeera (Qatar), Iran đã tổ chức đàm phán với ba quốc gia châu Âu về chương trình hạt nhân của nước này vào tháng 11/2024. Cuộc đàm phán đó diễn ra sau khi Tehran tức giận vì một nghị quyết do châu Âu hậu thuẫn cáo buộc Iran thiếu hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Tehran đã phản ứng với nghị quyết này bằng cách thông báo cho IAEA rằng họ có kế hoạch lắp đặt thêm các máy ly tâm làm giàu uranium tại các cơ sở hạt nhân của mình.
Vào ngày 17/12/2024, ba nước châu Âu đã cáo buộc Iran tăng kho dự trữ urani làm giàu cao lên "mức độ chưa từng có" mà không có "bất kỳ lý do dân sự đáng tin cậy nào". Ba nước này cũng đưa ra khả năng khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran để ngăn Tehran phát triển chương trình hạt nhân của mình.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói với hãng tin Reuters (Anh) hồi tháng 12/2024 rằng Iran đang "tăng tốc đáng kể" quá trình làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%, gần hơn với độ tinh khiết 90% ở cấp độ vũ khí.
Trong khi đó, Tehran nhấn mạnh quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phủ nhận mọi tham vọng phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Theo hãng tin Al Jazeera, vào năm 2015, trước những lo ngại về khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân, 6 cường quốc (bao gồm Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp) đã đạt được thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Nhưng đến năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khi đó đã rút khỏi thỏa hạt nhân năm 2015 và áp đặt lại các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran. Động thái này đã khiến Tehran vượt qua các giới hạn hạt nhân của thỏa thuận, xây dựng lại kho dự trữ uranium đã làm giàu, tinh chế đến độ tinh khiết cao hơn và lắp đặt máy ly tâm tiên tiến để tăng tốc độ sản xuất.
Sau đó, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Tehran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã thất bại; nhưng ông Trump từng nói trong chiến dịch tranh cử của mình hồi tháng 9/2024 rằng: "Chúng ta phải đạt được một thỏa thuận, vì không thể để xảy ra hậu quả. Chúng ta phải đạt được một thỏa thuận."
Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào ngày 13/1 tới, một tuần trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.