Tên lửa Javelin trong một cuộc tập trận của quân đội Ukraine. Ảnh: Defenseworld
Trong bối cảnh Nga đang huy động quân số cao nhất ở biên giới Ukraine kể từ năm 2014, câu hỏi dành cho Kiev là: Liệu đã đến lúc đưa vũ khí do Mỹ sản xuất vào thực địa?
Ukraine đã mua 210 tên lửa chống tăng và 37 bệ phóng từ Mỹ vào năm 2018 với giá khoảng 37 triệu USD. Nhưng đi kèm với hợp đồng đó là nhiều hạn chế về sử dụng, bao gồm cả việc vũ khí phải được cất trữ ở miền tây Ukraine, cách xa biên giới phía đông.
Javelin là loại tên lửa vác vai có sử dụng dẫn đường hồng ngoại với mục tiêu và khả năng tiêu diệt xe tăng đối phương từ cách xa tới gần 5km.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí này cho Ukraine sau khi người tiền nhiệm Obama từ chối đề nghị, do những lo ngại về cung cấp viện trợ gây chết người cho Kiev có thể “chọc giận” Moskva.
Ông Wess Mitchell, người từng là quan chức hàng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách các vấn đề Á-Âu, lưu ý rằng Javelins và các vũ khí sát thương khác được thiết kế không phải để ưu tiên sử dụng mà để ngăn chặn ý đồ xâm phạm lãnh thổ Ukraine.
Khả năng Ukraine đưa tên lửa Javelin sang phía đông
Tuy nhiên, trong khi Washington kêu gọi Kiev chỉ sử dụng tên lửa Javelins cho các mục đích phòng thủ và yêu cầu vũ khí phải được cất giữ ở một cơ sở an toàn cách xa các xung đột, thì không có giới hạn địa lý nào với việc triển khai tên lửa trên thực tế. Các quan chức Mỹ cho rằng điều đó có nghĩa là các lực lượng Ukraine có thể vận chuyển, phân phối và sử dụng loại vũ khí này bất cứ lúc nào.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mike Howard cho biết: “Javelin là vũ khí phòng thủ và Mỹ hy vọng Ukraine triển khai chúng một cách trách nhiệm và chiến lược khi cần thiết cho mục đích phòng thủ”.
Nếu tên lửa Javelin được di chuyển, điều đó cũng không nhất thiết có nghĩa là chúng sẽ được sử dụng. Hai nguồn tin Ukraine quen thuộc các cuộc thảo luận cho hay, theo tính toán của Kiev, ngưỡng để thực sự triển khai vũ khí này vẫn chưa tới. Nguồn tin tiết lộ, "làn ranh đỏ" sẽ là khi xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Một quan chức thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về di chuyển tên lửa Javelin cũng đều chưa đến cấp tổng thống và chưa có quyết định về việc có triển khai chúng hay không.
Một nhân vật thân cận với Tổng thống Ukraine cho hay, ông Zelensky đang mong muốn giảm leo thang căng thẳng, vì vậy ông sẽ không có khuynh hướng chuyển vũ khí về mặt trận phía đông.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết họ không biết gì về bất kỳ quyết định triển khai Javelins nào.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thăm vùng Donbass, miền đông Ukraine ngày 9/4/2021. Ảnh: AP
Căng thẳng Donbass gây lo ngại
Theo tờ Politio, giới chức cấp cao Ukraine lo lắng xung đột có thể leo thang nghiêm trọng và ít được chú ý, trong bối cảnh Nga liên tục điều động và gia tăng hoạt động quân sự tại khu vực biên giới giáp nước này.
Ít nhất 7 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuối tháng 3 trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở khu vực Donbass, nơi các lực lượng chính phủ Ukraine chiến đấu chống lại phe ly khai được Nga ủng hộ kể từ năm 2014.
Trong một tuyên bố hôm 12/4, các ngoại trưởng nhóm G7 đã lên án việc Nga tập trung quân ở sát biên giới Ukraine, nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" với hoạt động này.
“Những cuộc chuyển quân quy mô lớn, mà không có thông báo trước này, thể hiện các hoạt động đe dọa và gây bất ổn. Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình" - tuyên bố nêu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở biên giới Ukraine, kêu gọi Moskva giảm căng thẳng.
Binh sĩ Ukraine từ một chốt gác tiền tuyến với lực lượng ly khai ở Donetsk, ngày 19/2/2021. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong khi đó, qua cuộc điện đàm ngày 13/4 với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ các cách tiếp cận để giải quyết chính trị ở Ukraine.
Hãng thông tấn TASS dẫn thông cáo của Văn phòng báo chí Điện Kremlin cho hay: "Khi trao đổi ý kiến về cuộc khủng hoảng trong nước tại Ukraine, ông Vladimir Putin đã đề ra các cách tiếp cận để giải quyết chính trị bắt nguồn từ Gói các biện pháp Minsk".
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 2 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ năm 2014, bao gồm hai đợt tên lửa Javelin cũng như các thiết bị quân sự khác.
Ông Joe Biden, người đã không thành công trong việc cung cấp viện trợ sát thương cho Kive dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, gần đây đã phê duyệt khoản viện trợ vũ khí sát thương trị giá 125 triệu USD để giúp Ukraine bảo vệ biên giới, bao gồm hai tàu tuần tra vũ trang và radar chống pháo.
Tuy nhiên, theo ông Jim Townsend, một cựu quan chức Lầu Năm góc, Javelin vẫn là một giải pháp không hoàn chỉnh nếu xảy ra xung đột vũ trang. Vũ khí này sẽ bị hạn chế sử dụng nếu đối phương không có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công thông thường bằng xe bọc thép.