Liệu ‘thợ săn cá sấu’ Anh làm khó được trực thăng Ka-52 ở Ukraine?

LÊ HƯNG/VTC NEWS (Nguồn: Bulgarian Military) |

Trước những tổn thất do trực thăng Ka-52 “Alligator” (Cá sấu) của Nga gây ra trên chiến trường, quân đội Anh sẽ bổ sung khả năng phòng không cho Ukraine.

Trang tin Bulgarian Military cho biết, trong một động thái chiến lược nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ trực thăng Ka-52 của Nga, Vương quốc Anh đang dự tính triển khai các hệ thống phòng không tầm ngắn di động cải tiến tới Ukraine.

Hệ thống này bao gồm tên lửa không đối không ASRAAM, được đặt trên khung gầm xe tải Supacat HMT.

Thông tin trên đã được lan truyền rộng rãi trên các kênh Telegram thân Nga. Bên cạnh đó, nhiều tài khoản Twitter chuyên theo dõi về tình hình chiến sự ở Ukraine cũng đã chia sẻ nội dung này.

Liệu ‘thợ săn cá sấu’ Anh làm khó được trực thăng Ka-52 ở Ukraine? - Ảnh 1.

Tên lửa ASRAAM.

Tên lửa ASRAAM

Tên lửa không đối không tầm ngắn (ASRAAM) là tên lửa dẫn đường hồng ngoại được sử dụng bởi Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF).

ASRAAM được thiết kế để tấn công và tiêu diệt máy bay ở cự ly ngắn. Loại tên lửa này có thể được phóng từ nhiều phương tiện khác nhau như máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái.

ASRAAM có tầm bắn lên tới 25 km và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 3. Tên lửa này được trang bị đầu dò hình ảnh hồng ngoại cho phép nó theo dõi và tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Tên lửa có khả năng cơ động linh hoạt và có thể thực hiện các thao tác chuyển hướng ở tốc độ cao để tấn công các mục tiêu nhanh nhẹn. Động cơ của tên lửa được thiết kế hạn chế khói thải ra, làm giảm khả năng phát hiện của kẻ thù khiến nó khó bị phát hiện.

ASRAAM đã được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu của RAF và RAAF, bao gồm cả trong Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh Kosovo và Chiến tranh ở Afghanistan. Nó đã được chứng minh là một hệ thống vũ khí đáng tin cậy và hiệu quả, với tỷ lệ thành công trên 90% trong các cuộc giao tranh không đối không.

Liệu ‘thợ săn cá sấu’ Anh làm khó được trực thăng Ka-52 ở Ukraine? - Ảnh 2.

Xe tải Supacat HMT.


Xe tải Supacat HMT

Supacat High Mobility Transporter (HMT) là một phương tiện địa hình linh hoạt được thiết kế cho cả mục đích quân sự và dân sự. Chiếc xe được sản xuất bởi Supacat, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên sản xuất các phương tiện có hiệu suất cao để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt.

HMT có nhiều phiên bản khác nhau để đáp ứng các yêu cầu của từng loại hoạt động đặc thù. Xe có thể được trang bị nhiều hệ thống vũ khí, thiết bị liên lạc và các thiết bị dành riêng cho nhiệm vụ đặc biệt. Phương tiện này cũng được thiết kế để có thể vận chuyển bằng đường hàng không, tiện cho việc triển khai trong các môi trường xa xôi hoặc khó tiếp cận bằng đường bộ.

HMT đã được Lực lượng Vũ trang Anh sử dụng trong nhiều vai trò khác nhau, bao gồm trinh sát, tuần tra và hỗ trợ hậu cần. Phương tiện này cũng đã được xuất khẩu sang một số quốc gia khác, bao gồm Australia, Đan Mạch và New Zealand. Thiết kế chắc chắn và khả năng vượt địa hình của chiếc xe khiến nó rất phù hợp cho các hoạt động quân sự.

Liệu ‘thợ săn cá sấu’ Anh làm khó được trực thăng Ka-52 ở Ukraine? - Ảnh 3.

Xe tải Supacat HMT với tên lửa ASRAAM.


Lợi thế của ASRAAM so với các biện pháp đối phó của Ka-52

Ưu điểm của ASRAAM so với các biện pháp đối phó trên trực thăng Ka-52 là khả năng chống lại các biện pháp đối phó điện tử (ECM) và hồng ngoại (IRCM). Hệ thống dẫn đường của tên lửa có khả năng lọc các tín hiệu ECM và tập trung vào tín hiệu nhiệt của mục tiêu, khiến hệ thống ECM của trực thăng khó gây nhiễu cho tên lửa.

Ngoài ra, tên lửa ASRAAM còn có khả năng tấn công ngoài tầm nhìn. Điều này khiến cho máy bay trực thăng khó tránh tên lửa hơn, bằng cách thực hiện các thao tác né tránh thông thường.

Một ưu điểm khác của ASRAAM là khả năng cơ động cao, cho phép tên lửa theo dõi và tấn công các mục tiêu linh hoạt như trực thăng Ka-52. Tên lửa có thể thực hiện các cú ngoặt ở tốc độ cao và điều chỉnh đường bay để đánh chặn mục tiêu, khiến trực thăng khó tránh được tên lửa.

Bên cạnh đó, động cơ của tên lửa ASRAAM thải ra ít khói, điều này giúp làm giảm khả năng hiển thị của tên lửa trước các thiết bị cảm biến trên trực thăng Ka-52, giúp tên lửa có thể tiếp cận mục tiêu một cách bất ngờ hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại