Bức ảnh được cho là lính Nga hiện diện ở Ukraine trong cuộc xung đột năm 2014. Nguồn: Sina.
Gần đây, xung đột ở miền đông Ukraine lại tiếp tục “nóng” lên, Ukraine cho biết, Nga đang tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía đông Ukraine, đồng thời cáo buộc Nga theo đuổi "chính sách gây hấn".
Theo báo cáo của “Russia Today (RT)” vào ngày 5/4, khi được hỏi liệu các binh sĩ Nga có “mất tích ở Ukraine như năm 2014” hay không, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng, không có ai bị “lạc lối”, ông nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh quốc gia, quân đội Nga di chuyển theo bất kỳ hướng nào mà họ cho là cần thiết.
Ông Peskov nói rằng, Nga sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả Ukraine, và việc triển khai các binh sĩ này không tạo ra bất kỳ "sự lo lắng dù là nhỏ nhất" cho bất kỳ nước láng giềng nào.
Trước đó, ông Peskov tuyên bố rằng, hành động của Nga là phản ứng đối với “các lực lượng vũ trang ngày càng hoạt động tích cực của NATO, các tổ chức khác và các quốc gia riêng lẻ” và “điều này buộc chúng tôi phải cảnh giác”.
Ông Peskov cũng cho biết, Nga chưa bao giờ tham gia vào xung đột ở Donbass, Moscow cũng hy vọng, khu vực này sẽ tránh được ngọn lửa chiến tranh "bùng cháy trở lại".
Được biết, vào tháng 4/2014, một cuộc xung đột quy mô lớn đã nổ ra giữa quân chính phủ Ukraine và các lực lượng vũ trang ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine.
Tháng 8/2014, 10 lính dù Nga được cho là bị bắt tại Ukraine. Vào thời điểm đó, phía Nga nhấn mạnh rằng các binh sĩ bị bắt đã “bị lạc và đi nhầm vào biên giới Ukraine”, trong khi đó, phía Ukraine cáo buộc rằng, đây là bằng chứng cứng rắn cho thấy Quân đội Nga đã "xâm lược" Ukraine.
Với sự hòa giải của cộng đồng quốc tế, các bên xung đột ở Ukraine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk lần lượt vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015. Kể từ đó, các cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn đã được kiểm soát, nhưng các cuộc trao đổi quy mô nhỏ vẫn thỉnh thoảng xảy ra.
Tuy nhiên, cáo buộc của Ukraine về sự hiện diện của lính Nga ở nước này cũng làm dấy lên một hồi tranh cãi trong chính nội bộ Nga. Phe đối lập Nga vào tháng 5/2015 đã công bố báo cáo khẳng định, điện Kremlin đã chi hơn 1 tỉ USD để hỗ trợ phe ly khai ở đông Ukraine và ít nhất 220 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trên chiến trường này.
Phe đối lập Nga cho biết, đã tiến hành phỏng vấn nhiều gia đình binh sĩ Nga, kết quả cho thấy ít nhất 150 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine. Thêm 70 binh sĩ khác bị giết chết khi bạo lực bùng lên tại thị trấn Debaltseve hồi đầu năm 2015.
Báo cáo cho biết mỗi gia đình các binh sĩ thiệt mạng được bồi thường khoảng 3 triệu rúp (58.500 USD) với điều kiện họ không được công khai về cái chết của thân nhân, đồng thời các binh sĩ Nga khi được đưa đến miền đông Ukraine đều buộc phải làm thủ tục giải ngũ. Mỗi binh sĩ Nga tham gia chiến đấu ở Ukraine được trả lương 90.000 rúp (1.774 USD) mỗi tháng.
Không chỉ Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra những bức ảnh cáo buộc lính Nga được trang bị giống với những các binh sỹ chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở các thành phố, thị trấn tại miền đông Ukraine. Tuy nhiên, theo hãng tin của Anh BBC, không thể xác nhận được tính xác thực của các bức ảnh.
Đến nay, việc lính Nga có hiện diện ở Ukraine trong cuộc xung đột năm 2014 hay không vẫn còn là một “ẩn số”, nhưng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine Viktor Muzhenko năm 2015 đã từng thừa nhận rằng, quân đội nước này hiện không chiến đấu với các đơn vị thường trực quân đội Nga ở miền Đông Ukraine.
Đây là lần đầu tiên quân đội và chính quyền Ukraine chính thức phủ nhận sự hiện diện của quân đội Nga tại miền Đông, trái với các cáo buộc của cả Mỹ và một số nước phương Tây về sự tham gia của quân đội Nga vào cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine.