Liều bán hết vàng cưới, vay ngân hàng 70% để mua nhà vì ở trọ quá khổ: Sau 4 năm giá BĐS tăng gấp đôi

VÂN ANH |

Họ đã đi một hành trình dài để có nhà và xe.

Sở hữu căn nhà là niềm mơ ước của nhiều đôi vợ chồng. Tuy nhiên, không dễ dàng để người trẻ tậu được cơ ngơi riêng khi giá thành bất động sản ngày càng lên cao. Cũng vì thế, nhiều cặp đôi chấp nhận đi vay nợ, kèm theo đó là biết bao áp lực. Đó cũng là câu chuyện của vợ chồng Minh Tuyến (1993) - Nhật Quang (1992), đang kinh doanh hàng order từ Thái Lan.

Liều bán hết vàng cưới, vay ngân hàng 70% để mua nhà vì ở trọ quá khổ: Sau 4 năm giá BĐS tăng gấp đôi - Ảnh 1.

Gia đình Minh Tuyến - Nhật Quang

Bán hết vàng cưới, đánh liều vay nợ 70% ngân hàng để mua nhà

Trước khi mua được nhà mới khang trang, vợ chồng Tuyến từng ở tạm trong căn phòng vỏn vẹn 15m2 nằm trên tầng 4 của một khu tập thể cũ. Tại căn phòng, chất lượng sống không cao nên càng thúc đẩy cặp đôi nỗ lực hơn để thực hiện ước mơ mua nhà.

Quang kể lại: "Mình từng sống trên tầng 4, mỗi lên bê hàng lên xuống mà muốn tụt huyết áp luôn. Cả tầng dùng nhà vệ sinh chung nằm ở cuối hành lang. Hàng tuần còn phải dọn vệ sinh chung. Nghĩ lại nhà vệ sinh đó mình vẫn thấy ám ảnh, đêm mà nằm đau bụng thì nhịn đến sáng còn hơn.

Mặc dù vợ mình thường dọn dẹp lại thảm cho sạch sẽ nhưng chuột vẫn chạy thành đàn. Có đêm mình bẫy được hơn 10 con. Khu rửa bát trong nhà chỉ vỏn vẹn 1m2. Mỗi lần trời mưa là vợ phải che ô nấu cơm luôn. Nó dột như ngoài trời vậy".

Cặp đôi từng ở trong khu tập thể cũ với chất lượng sống không cao

Đầu năm 2018, mặc dù kinh tế còn eo hẹp nhưng vợ chồng Tuyến - Quang đã bắt đầu tham khảo nhiều dự án chung cư. Cuối cùng, họ chọn mua căn hộ khi mới là dự án nằm tại quận Định Công (Hà Nội) vì nhìn thấy tiềm năng của chúng sau này.

Tuyến nhớ lại: "Ban đầu mình cũng lo lắng khi chọn mua nhà ở dự án. Vì loại hình bất động sản này có nhiều rủi ro chẳng hạn chủ đầu tư chậm tiến độ, bỏ dở dự án không xây nữa hoặc tình trạng xây nhà không đúng thiết kế và quy hoạch dẫn đến không cấp được sổ đỏ. Tuy nhiên, do chồng đã tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư từ trước nên chúng mình vẫn tin tưởng bỏ tiền vào đây".

Cặp đôi có 3 tiêu chí để quyết định chọn mua căn hộ: "Đầu tiên vẫn là giá tiền, tiếp theo là vị trí địa lý. Khi tìm hiểu nhà, chồng mình biết gần đó có một dự án đường vành đai đi qua nên chắc chắn căn hộ sau này sẽ tăng giá. Ngoài ra, căn hộ này gần bến xe nên vợ chồng tiện đi về quê, bởi thời đó chúng mình chưa có ô tô. Thêm vào đó, căn hộ cách nhiều bệnh viện lớn chỉ khoảng 1-2 km thôi.

Cuối cùng là yếu tố nội thất. Thời điểm bàn giao, nhà mình sẽ có sẵn một vài thứ cơ bản như trần thạch cao, sàn gỗ, thiết bị vệ sinh liền tường, đường ống, điều hoà… Do đó, chúng mình không cần mất thêm tiền và thời gian lắp đặt thiết bị mới nữa".

Tính toán xong xuôi, vợ chồng Tuyến quyết tâm chọn mua căn hộ. Tuy nhiên, câu chuyện "tiền đâu đầu tiên" để tậu nhà lại là vấn đề nan giải khác. Theo chia sẻ từ chính chủ, họ đã dành tiền tích góp và bán hết vàng cưới được khoảng 200 triệu đồng. Còn thiếu bao nhiêu, cặp đôi mượn từ người thân và vay thêm từ ngân hàng 70% giá trị căn hộ.

Không dám ăn ngon và mặc đẹp để trả nợ mua nhà

Những ngày đầu tiên, họ mang 30 triệu đi đặt cọc và khoảng 150 triệu đồng để ký hợp đồng mua nhà. Sau đó, cặp đôi trả theo tiến độ dự án và đến cuối năm 2019, họ đã có thể dọn vào nhà mới.

Căn hộ có diện tích khoảng 70m2, gồm 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh. Được biết, bấy giờ tổng giá trị căn hộ của vợ chồng Tuyến là 1,7 tỷ đồng. Họ còn chi thêm khoảng 100 triệu đồng để mua nội thất và cải tạo không gian sống. Thời điểm nhận bàn giao căn hộ, cả hai còn nợ ngân hàng 50% giá trị căn nhà.

Căn nhà mới khang trang và đầy đủ tiện nghi

Nhớ lại hành trình đã đi qua, vợ chồng Tuyến gọi quyết định vay đến 70% giá trị căn hộ là "liều lĩnh". Thực tế, sau khi ký bút vay nợ từ ngân hàng, cuộc sống của cặp đôi đã thay đổi khá nhiều. Trộm vía là từ thời điểm mua nhà, công việc kinh doanh của họ dần khởi sắc.

Quang tâm sự: "Hồi đó, vợ chồng mới chớm làm ăn thuận lợi đã nghĩ đến việc mua nhà luôn rồi, chứ không phải công việc kinh doanh đã ổn định thời gian dài. Sau khi vay nợ, mỗi khi kiếm được 10 - 20 triệu đồng là chúng mình đóng luôn sổ tiết kiệm để nộp tiền nhà đợt sau. Cả hai không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, không dám tiêu bất cứ thứ gì cho bản thân. Đến cả cốc trà sữa, chúng mình còn uống chung".

Thời điểm còn nợ ngân hàng, cặp đôi đã dành đến 50% thu nhập hàng tháng để phục vụ mục đích trả nợ. Nói về bí quyết để tiết kiệm tiền giai đoạn này, Tuyến cho hay: "Hồi mới bắt đầu mua nhà, hai vợ chồng mình chưa có con nên sống rất tiết kiệm. Mình tự đặt ra mục tiêu chỉ xài tối đa 7 triệu đồng thôi, mọi thứ tiết kiệm hết mức có thể.

Mình đi chợ hàng ngày hay mua sắm gì đều sẽ ghi hết trên app điện thoại để có thể nhìn thấy số tiền bản thân chi tiêu ra như thế nào. Có tháng nhà mình tiêu ít, chỉ khoảng 5 triệu đồng cho tất cả khoản chi phí. Còn đâu được dư ra tiền thì nhà mình gửi sổ để trả nợ luôn".

Giá nhà tăng lên gấp đôi

Đi qua quãng thời gian khó khăn, hiện cặp đôi đã có nhà, xe và công việc thu nhập ổn. Chỉ khoảng 2 năm sau khi nhận bàn giao nhà, họ cũng đã trả hết nợ vay từ ngân hàng.

Với những cặp đôi hay gia đình trẻ có dự định vay nợ mua nhà, Tuyến có lời khuyên: "Việc vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ là một quyết định mạo hiểm với người có thu nhập chưa ổn định. Thực sự hồi đó chúng mình chuyển trọ nhiều và khổ cực quá nên mới liều mua nhà thôi. Ngoài ra, mình nghĩ cái dự án đó có thể lên giá nên cứ mua đã, công việc không thuận lợi thì vợ chồng bán đi. Thậm chí nếu hai đứa bán nhà đi thì chỉ có lãi chứ không có lỗ được.

Nhìn chung, mình nghĩ mọi người nên cố để dành được ít nhất 60% giá trị căn hộ mới nên vay thêm 30 - 40% từ ngân hàng, như vậy sẽ bớt áp lực hơn. Để hoàn thành mục tiêu mua nhà thì điều kiện tiên quyết vẫn là tiết kiệm. Mình kiếm được nhiều hay tiền ít còn phụ thuộc vào các yếu tố, nhưng riêng tiết kiệm là phụ thuộc vào bản thân. Cũng vì thế, phải đặt kỷ luật cá nhân từ những điều nhỏ nhất. Nếu đã vay nợ, tức là 'mua dây buộc mình' thì bạn phải có trách nhiệm với quyết định đó".

Liều bán hết vàng cưới, vay ngân hàng 70% để mua nhà vì ở trọ quá khổ: Sau 4 năm giá BĐS tăng gấp đôi - Ảnh 4.

Vợ chồng Tuyến cũng rút ra được một số kinh nghiệm khi mua nhà ở dự án: "Bạn nên tìm hiểu kỹ chủ đầu tư. Chẳng hạn họ là ai, các dự án từng xây dựng, chất lượng và tiến độ của dự án, tính pháp lý có chuẩn không để hạn chế rủi ro sau này.

Tiếp theo nữa là yếu tố danh mục nội thất khi bàn giao. Điều này đặc biệt quan trọng với gia đình có tài chính hạn hẹp, muốn càng tiết kiệm nhiều càng tốt. Ngoài ra, mình khuyên bạn nên đi xem trước các căn hộ mẫu, để xem thiết bị vệ sinh, trần, sàn mà chủ đầu tư sẽ dùng và lắp đặt cho căn hộ của mình, đánh giá chúng có đảm bảo chất lượng hay không".

Sau cùng, Tuyến nhận định: Dù cảm thấy quyết định vay số tiền lớn từ ngân hàng là "liều lĩnh" song chúng xứng đáng. Bởi hiện tại, giá trị của căn hộ đang ở đã tăng gấp bội đúng như vợ chồng họ kỳ vọng từ trước.

"Nếu có cho chọn lại, mình vẫn vay tiền mua nhà. Khi nghĩ lại mình vẫn thấy vợ chồng quá liều vì thu nhập không ổn định mà vẫn dám vay tiền mua nhà. Bên cạnh đó, mình cũng thấy may mắn vì thời điểm ký giấy mua căn hộ, vợ chồng mình làm ăn thuận lợi. Nếu hồi đấy mình không quyết tâm mua nhà luôn thì giờ đây, chưa chắc mình đủ tiền mua chúng. Suy đi tính lại, mình thấy vợ chồng đã tính toán sáng suốt vì giờ nhà mình đã nhân đôi giá tiền rồi", Tuyến bày tỏ.

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại