Nhiều người tin rằng kể từ khi được đặt nằm trong cỗ quan tài thủy tinh trong suốt ở lăng Lenin tại Quảng trường Đỏ vào năm 1924, thi hài nhà lãnh đạo Đảng Bolshevik luôn nằm lại tại đây. Nhưng trong khoảng thời gian gần 4 năm diễn ra cuộc chiến chống lại Phát xít Đức, thi hài vị lãnh tụ Liên Xô từng được di chuyển khỏi thủ đô Matxcơva.
Gấp rút di chuyển
Những tuần đầu tiên sau khi cuộc chiến chống lại Phát xít Đức nổ ra, những đòn tấn công như vũ bão của quân Đức quốc xã thực sự là một cơn ác mộng với người Liên Xô. Quân Đức gần như đập tan Mặt trận phía Tây của Liên Xô trong một thời gian ngắn, chiếm lĩnh hầu hết vùng Baltic cũng như khu vực phía Tây Ukraine và Belarus.
Thi hài của Vladimir Lenin được chuyển khỏi Matxcơva trong thời gian diễn ra chiến tranh Vệ quốc. (Ảnh: RBTH)
Mặc dù khi đó Matxcơva vẫn chưa bị đe dọa ngay lập tức, giới chức Liên Xô đã bắt đầu tính tới chuyện di chuyển những thứ quan trọng ra khỏi thủ đô phòng trường hợp không kịp trở tay nếu quân Đức đánh úp bất ngờ. Thi hài của lãnh tụ Lenin nằm trong danh sách ưu tiên di chuyển cấp bách.
Một ủy ban đặc biệt ngay sau đó được thành lập để đánh giá những thiệt hại có thể xảy đến nếu Không quân Đức dội bom xuống Matxcơva. Họ nhanh chóng đưa ra kết luận rằng chỉ một quả bom nhỏ cũng có thể thổi bay lăng mộ Lenin.
Điều này đã khiến Ủy ban An ninh nhà nước Liên Xô (NKGB, tiền thân của KGB) ngày 3/7/1941 ra lệnh lập tức chuyển thi hài lãnh tụ Lenin tới thành phố Tyumen ở vùng Siberia trên một chuyến tàu đặc biệt. Theo RBTH, nhà lãnh đạo Stalin chọn nơi này vì nó không phải là trung tâm chiến lược và vì vậy sẽ không lọt vào tầm dội bom của kẻ địch.
Quyết định kịp thời này tỏ ra cực kỳ đúng đắn khi chỉ vài tuần sau vào ngày 22/7, những quả bom đầu tiên bắt đầu trút xuống thủ đô Matxcơva của Liên bang Xô viết .
Chuyến tàu bí mật
Toa tàu chở thi hài lãnh tụ Lenin được lắp đặt thiết bị giảm xóc và một số bộ phận đặc biệt để đảm bảo nhiệt độ cần thiết. Tất cả sẽ được một nhóm chuyên gia giám sát.
Các sỹ quan NKGB chịu trách nhiệm đảm bảo công tác an ninh trên cả con tàu và ở các điểm dừng trên suốt chuyến đi. Phần đường ray cũng được kiểm tra hết sức kỹ càng.
Hành trình dài 1500 km không đi theo lộ trình thông thường mà con tàu buộc phải di chuyển thêm một vòng lên phía Bắc qua vùng Yaroslavl không có người sinh sống để tránh kẻ thù nghi ngờ.
Sau gần 4 ngày, con tàu đến Tyumen an toàn. Các quan chức địa phương nhận lệnh tiếp đón tới khi đó mới biết được “chuyến hàng bí mật” chuyển tới từ Matxcơva thực chất là gì.
Quan tài chứa thi hài của lãnh tụ Lenin sau đó được đặt trong một căn phòng trống tại một trường học cũ. Đội ngũ các chuyên gia ướp xác túc trực ở một căn phòng bên cạnh. Các lớp an ninh được dựng lên với vòng ngoài là nhân viên của NKGB chi nhánh Tyumen và vòng trong là quan chức an ninh điện Kremlin tới từ Matxcơva.
Video: Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Liên Xô bắt đầu như thế
Trong khi cách đó 1.500 km, giới chức Liên Xô vẫn cắt cử người canh giữ, coi sóc lăng như thể thi hài của lãnh tụ Lenin vẫn đang yên nghỉ tại đó và chưa bao giờ rời đi.
Thi hài của vị lãnh tụ Liên Xô được giữ lại tại Tyumen trong 3 năm 9 tháng cho tới khi được đưa trở lại Matxcơva vào đầu năm 1945. Lần này, không có gì phải vội vàng, quá trình lên kế hoạch diễn ra trong 1 tháng.
Tới ngày 26/3/1945, thi hài của Lenin được đặt trở lại chiếc quan tài thủy tinh trong Quảng trường Đỏ và giữ ở đó cho tới ngày nay.