“Đồng tâm hiệp lực” đối phó với Trung Quốc
Nhiều quốc gia đang can thiệp sâu hơn vào Biển Đông trong một loạt động thái có thể khiến Trung Quốc "nổi giận", đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ nhằm tập hợp các quốc gia cùng chí hướng để chống lại các hành vi ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở vùng biển có vai trò vô cùng quan trọng này.
Gần đây, Nhật Bản đã thông báo một gói hỗ trợ quốc phòng mới cho Philippines theo cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Cùng lúc đó, Anh đang triển khai đội tàu hải quân lớn nhất của nước này tới khu vực, dẫn đầu là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Trong khi đó, một công ty của Mỹ và Australia cũng đang hoàn tất việc tiếp quản một xưởng đóng tàu lớn ở Vịnh Subic chiến lược ở Philippines như một phần trong nỗ lực rộng hơn là nhằm ngăn Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong một tuyên bố chung vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng các nước G7 (gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Pháp, Canada và Nhật Bản) đã thể hiện "sự phản đối mạnh mẽ trước bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng, phá hủy trật tự khu vực và trật tự quốc tế dựa trên quy tắc". Tuyên bố này không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc nhưng thời điểm và nội dung của nó đã thể hiện một thông điệp rõ ràng.
Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách kêu gọi các nước G7 "tuân thủ lời hứa không đứng về bên nào trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia khu vực, chấm dứt tất cả những ngôn từ và hành động vô trách nhiệm cũng như đóng góp mang tính xây dựng vào hòa bình và ổn định khu vực".
Trước sự ủng hộ ngày càng tăng của quốc tế, những người có quan điểm hoài nghi Trung Quốc ở Philippines ngày càng có lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm duy trì quan hệ với Bắc Kinh.
Ngày 4/5, phía Philippines lên tiếng “phản đối việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm bắt cá đối với các khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines”. Tuyên bố nhấn mạnh “ngư dân của chúng tôi được khuyến khích ra khơi và đánh bắt cá trong vùng biển của chúng tôi”.
Tháng trước, thậm chí Tổng thống Duterte cũng khẳng định lập trường rõ ràng: "Có những điều chúng tôi thực sự không thể nhượng bộ, chẳng hạn như việc yêu cầu chúng tôi dừng đánh bắt cá và tuần tra trong khu vực này".
"Tôi đã nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn rắc rối, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu yêu cầu chúng tôi rời đi thì câu trả lời là không".
Giữa bối cảnh căng thẳng Philippines và Trung Quốc leo thang, Mỹ đã đưa nhiều tàu chiến tới khu vực nhằm thể hiện sự ủng hộ với đồng minh Đông Nam Á này. Mỹ cũng triển khai 65 máy bay tuần tra tới các khu vực tranh chấp hồi tháng 4, Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho hay.
Trong khi đó, Anh đã và đang triển khai hạm đội hải quân lớn nhất trong những năm gần đây, trong đó có tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm và các tàu trợ chiến.
"Khi Nhóm Tác chiến Tàu sân bay (CSG) của chúng tôi khởi hành vào tháng 5, nó sẽ khiến cho lá cờ Nước Anh Toàn cầu tung bay nhằm gia tăng ảnh hưởng, thể hiện sức mạnh, hợp tác với những người bạn và tái khẳng định cam kết của chúng tôi nhằm đối phó với những thách thức an ninh hôm nay và tương lai", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố.
Việc Anh điều tàu chiến tới là một phần trong Sáng kiến Tự do Hàng hải đa phương (FONOP) ở Biển Đông nhằm vào Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ và Australia đã tiến hành các chuyến tuần tra chung ở khu vực này giữa lúc Malaysia và Trung Quốc căng thẳng về các hoạt động khai thác năng lượng trên biển.
Đội tàu của Anh sẽ tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và được các chiến đấu cơ F-35 của Thủy quân Lục chiến Mỹ, tàu khu trục của Mỹ và Hà Lan theo cùng. Nửa cuối năm nay, Đức dự kiến lần đầu tiên đưa tàu khu trục đi qua Biển Đông trong vòng gần 20 năm.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho Philippines. Tháng 8/2020, 2 đồng minh của Mỹ đã ký một thỏa thuận 100 triệu USD, theo đó cho phép Tập đoàn Điện tử Mitsubishi xuất khẩu hệ thống radar trên không cho Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP).
Không chỉ giới hạn ở tập trận hàng hải
Liên minh đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Trung Quốc không chỉ bao gồm các cuộc tập trận hàng hải và hỗ trợ an ninh trên biển. Nhiều công ty phương Tây cũng chủ động mở rộng ảnh hưởng ở những cơ sở hạ tầng quan trọng của Philippines và các cơ sở chiến lược gần Biển Đông.
Công ty Austal của Australia, hợp tác với công ty Cerberus Capital Management sẽ hoàn tất việc tiếp nhận các xưởng đóng tàu Hanjin ở Vịnh Subic của Philippines, nơi thường tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và quân đội Philippines.
Cả Austal - một công ty quốc phòng và đóng tàu lớn, cùng Cerebus, vốn đều có quan hệ sâu sắc với Lầu Năm Góc, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược của thương vụ gần đây mà theo đó, Austal, công ty chuyên đóng tàu chiến cho Hải quân Mỹ, dự kiến sẽ cung cấp thêm 6 tàu tuần tra ngoài khơi cho Lực lượng Vũ trang Philippines.
Năm 2019, các công ty có liên hệ với nhà nước Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua 1 xưởng đóng tàu rộng 300 hec-ta do công ty Xây dựng và Công nghiệp nặng Hanjin của Hàn Quốc xây dựng. Lực lượng quốc phòng Philippines và các đồng minh quan trọng như Mỹ, Australia và Nhật Bản đã nhanh chóng ngăn nỗ lực này của Trung Quốc.
Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson cũng thẳng thắn nói về tầm quan trọng chiến lược của thỏa thuận trên, đồng thời nhấn mạnh "lập trường dựa trên các quy tắc" của Canberra đối với những tranh chấp ở Biển Đông.
"Điều chúng tôi muốn nói là tất cả các quốc gia nên tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế về tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế", Đại sứ Australia cho hay, song không trực tiếp nêu tên Trung Quốc./.