Đây là những dấu hiệu rõ nét của biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động mang tính đột phá, nguy cơ biến đổi khí hậu phủ bóng tương lai nhân loại.
Tài xế taxi đổ nước lên mặt để làm dịu cơn nóng trong một buổi chiều nóng bức ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: ANI
Tại khu vực Đông Bắc Á, một loạt quốc gia từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nhật Bản đều xảy ra nắng nóng trên diện rộng, với mức nền nhiệt cao trên 35 độ C. Chính phủ các nước này đã phải đưa ra cảnh báo nắng nóng gay gắt và khuyến nghị người dân cần đề phòng để tránh bị sốc nhiệt.
Tại Khu vực châu Mỹ, Mỹ và Mexico đang trải qua một đợt nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt độ dao động từ 38 đến 40 độ C. Theo phản ánh của nhiều người dân, ra đường hoặc làm việc trong thời tiết nắng nóng hiện nay giống hệt như một cái lò nướng:
“Tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng và thời tiết nắng nóng như thế này quả thực là khủng khiếp. Chúng tôi bị mất nước và phải nghỉ ngơi 15 phút/ lần sau đó mới có thể quay lại làm việc. Chúng tôi làm điều đó hàng giờ luôn”.
“Thời tiết thực sự rất nóng. Và bạn có tưởng tượng được không, nó y hệt một cái lò nướng vào lúc này”.
Ở khu vực châu Âu, điển hình là Anh và Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tượng tự. Còn tại khu vực Trung Đông, tháng 6 là tháng của lễ hành hương của các tín đồ Hồi giáo. Theo thống kê vừa được giới chức Saudi Arabia công bố, có hơn 2.000 tín đồ đã bị sốc nhiệt khi tham gia Hajj - lễ hành hương lớn nhất của người Hồi giáo, sau khi nhiệt độ tại nước này tăng vọt lên 48 độ C.
Tình trạng nắng nóng nghiêm trọng tại nhiều nước được xem là chỉ dấu rõ nét nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo cảnh báo của giới chuyên gia, nếu không có hành động mang tính đột phá, các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn.
Ông Kevin Anderson, chuyên gia về năng lượng và khi hậu quốc tế nhận xét: “Thách thức giảm lượng khí thải hiện nay khó khăn hơn nhiều so với 5 hay 10 năm trước bởi đây là một vấn đề tích lũy. Mỗi khi chúng ta đốt một số nhiên liệu hóa thạch, hoặc chúng ta có một tập quán hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp, thói quen đưa khí thải vào khí quyển, những khí thải đó tích tụ năm này qua năm khác trong khí quyển. Và vì thế thử thách ngày càng khó khăn hơn. Nếu thói quen này vẫn duy trì, khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn”.
Trong phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra hôm qua (3/7), Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Volker Turk đã cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, việc giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền. Ông Volker Turk kêu gọi các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau.