Lịch sử những lần lâm nạn nghiêm trọng nhất của tàu sân bay Mỹ

Anh Tuấn |

Ngày 14/01/1969, do một quả tên lửa Zuni phát nổ, lửa đã bùng lên trên tàu sân bay USS Enterprise, khiến 28 thủy thủ thiệt mạng, 214 người khác bị thương và 15 máy bay bị phá hủy, 18 quả tên lửa cũng bị phát nổ theo dây chuyền và trên tàu có 8 lỗ thủng lớn trên boong.

Tạp chí National Interest đưa tin, trong vòng 75 năm qua, nhờ nhiều phương pháp bảo dưỡng thiết thực, quy trình huấn luyện nghiêm khắc, Hải quân Mỹ có thể thực hiện các chiến dịch tàu sân bay một cách hiệu quả.

Tuy vậy, những bài học mà Hải quân Mỹ nhận được thường là sau khi đã phải trả giá bằng sinh mạng cũng như tiền bạc. Hàng trăm thủy thủ đã chết hoặc bị thương trong nhiều vụ tai nạn khi tàu sân bay đang hoạt động ngoài khơi. Cụ thể, nhiều kinh nghiệm về tàu sân bay có được vào thời Chiến tranh Việt Nam trong các năm 1960.

Lịch sử những lần lâm nạn nghiêm trọng nhất của tàu sân bay Mỹ - Ảnh 1.

Ngày nay Mỹ rất hiếm khi gặp sự cố trên tàu sân bay

Vào ngày 26/10/1966, một quả đạn pháo sáng đã bất ngờ phát nổ gây ra một vụ hỏa hoạn lớn trên boong tàu sân bay USS Oriskany khiến 44 thủy thủ thiệt mạng và 156 người khác bị thương. Ba máy bay đã bị phá hủy khi vụ nổ xảy ra và ba chiếc khác cũng bị hư hại.

Vụ việc nghiêm trọng thứ hai xảy ra vào ngày 29/07/1967, một vụ cháy lớn đã bốc lên trong một chiến dịch quân sự của tàu USS Forrestal ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, khiến 134 thủy thủ thiệt mạng, 161 người khác bị thương và 21 máy bay trên tàu cũng đã bị phá hủy.

Nguyên nhân được xác định là do một quả tên lửa Zuni bất ngờ phát nổ, tạo ra phản ứng dây chuyền. Vụ hỏa hoạn đã khiến tàu không thể hoạt động và phải trải qua nhiều tháng sửa chữa.

Vụ việc thứ ba xảy ra vào ngày 14/01/1969, cũng do một quả tên lửa Zuni phát nổ, lửa đã bùng lên trên tàu USS Enterprise và khiến 28 thủy thủ thiệt mạng, 214 người khác bị thương và khiến 15 máy bay bị phá hủy. 18 quả tên lửa cũng bị phát nổ theo dây chuyền và trên tàu có 8 lỗ thủng lớn trên boong tàu. Phải mất ba giờ đồng hồ ngọn lửa mới được dập tắt.

Sau các vụ hỏa hoạn trên, Hải quân Mỹ đã thực hiện những thay đổi lớn nhằm kiểm soát hư hại tàu, đồng thời áp dụng những quy tắc xử lý vũ khí mới. Bản thân các tàu sân bay cũng được lắp đặt thêm các hệ thống cứu hỏa để nhanh chóng ngăn ngừa các đám cháy lớn. 

Có thể nói rằng đây là một bài học đắt giá đối với Hải quân Mỹ, khi hàng trăm người đã chết hoặc bị thương, rất nhiều máy bay đã bị hủy hoại hoàn toàn và bản thân các tàu sân bay cũng bị thiệt hại nặng.

Kể từ đó đến nay, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cao an toàn cho các thủy thủ tàu sân bay. Ví dụ, một điều rất đơn giản đó là người dưới boong không được đứng trước một động cơ phản lực đang hoạt động, bởi lực hút khi nó dẫn không khí vào bên trong sẽ rất mạnh. 

Đã có một thủy thủ suýt mất mạng do đứng trước một động cơ máy bay, và điều này cho thấy những hiểm họa có thể xảy ra khi làm việc trên boong tàu sân bay.

Một sĩ quan Hải quân Mỹ cho biết, Hải quân Mỹ nay đã “luôn luôn cẩn thận” trong suốt 75 năm vận hành tàu sân bay trên biển. Điều này đã giúp lực lượng này tránh những tai nạn mà Nga đang gặp khi sử dụng tàu Đô đốc Kuznetsov mới đây.

“Chúng tôi có hơn 75 năm kinh nghiệm sử dụng tàu sân bay. Có rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sai sót và đảm bảo máy bay có thể hạ cánh an toàn”, một quan chức Mỹ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại