Ngày 21/1/2020, tờ National Interest xuất bản bài viết: "How to Keep Libya from Collapsing into Chaos" (tạm dịch: Bằng cách nào để giữ Libya khỏi sụp đổ trong hỗn loạn) của tác giả Ahmed Charai.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh chiến sự tại Libya nói riêng và Trung Đông - Bắc Phi nói chung có thể nóng lên bất cứ lúc nào nếu thỏa thuận ngưng bắn đổ vỡ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Mỹ và Phương Tây sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu Libya sụp đổ trong hỗn loạn?
Libya rất quan trọng đối với an ninh của nước Mỹ, nhưng ngược lại, quốc gia Bắc Phi này ít được truyền thông Mỹ chú ý. Tuy vậy, với những sáng kiến mới của chính quyền của Tổng thống Donald Trump, sự quan tâm này có thể sẽ đột ngột thay đổi.
Nếu Libya "sụp đổ trong hỗn loạn", thì giá dầu thô sẽ nhanh chóng tăng lên. Chi phí năng lượng cao hơn sẽ đẩy giá lương thực tăng cao, giảm việc làm và làm chậm đi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Libya, một thành viên lâu năm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có trữ lượng dầu lớn thứ 10 trên thế giới và lớn nhất ở châu Phi. Việc giữ cho dòng dầu từ Libya chảy đi liên tục là điều cần thiết để giữ cho nguồn cung dầu thế giới tăng và ổn định giá.
Một Libya hỗn loạn cũng sẽ tạo ra một Afghanistan mới ở Bắc Phi, nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm Hồi giáo cực đoan âm mưu tấn công nước Mỹ.
Rõ ràng, "những người cấp tiến" ở Libya cùng chung hệ tư tưởng với trùm khủng bố Osama bin Laden, đã tổ chức các cuộc tấn công lớn ở Libya (bao gồm cả cuộc tấn công các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Benghazi).
Các sa mạc rộng lớn của Libya cũng là nơi những kẻ khủng bố huấn luyện trong khi các nhà nguyện Hồi giáo trở thành "trường học" nơi các nhà truyền giáo cực đoan thuyết giảng.
Đối với riêng Châu Âu, Libya tiềm ẩn một mối lo ngại thứ ba. Đất nước Bắc Phi chìm trong nội chiến đã là "cánh cửa" để khoảng 700 nghìn người di cư Arab và châu Phi đi qua để tới Châu Âu kể từ năm 2013.
Cảnh quay các tay súng được cho là thành viên của Công ty Wagner của Nga tham chiến tại trại Yarmouk, phía nam Tripoli, Libya, tháng 12/2019.
Vai trò của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và hành động của người Mỹ
Tuy nhiên, mối quan tâm của Washington đối với Libya đã trở nên rõ ràng kể từ sau vụ tấn công Benghazi năm 2012. Việc TT Trump sẵn sàng "đối đầu" với cuộc khủng hoảng Libya sẽ đánh dấu một bước ngoặt thực sự cho chiến sự ở Libya.
Hôm 19/1, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cùng với các đối tác Châu Âu tham gia cuộc họp tại Berlin.
Đây là nỗ lực để thực hiện một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc và mở đường cho giải pháp chính trị để chấm dứt nội chiến ở Libya.
Tuy nhiên, một người thực tế sẽ đặt câu hỏi: Liệu những "ngôn từ mạnh mẽ" này có thể ràng buộc những kẻ hiếu chiến ở Libya hay không?
Điều đó là không thể. Cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đang vũ trang, huấn luyện và tài trợ cho các nhóm dân quân đối lập nhau và tìm kiếm các thỏa thuận sinh lợi từ đối phương. Người Mỹ đã kể lại một "khoảng trống quyền lực"và rõ ràng người Nga và người Thổ đã lấp đầy nó.
Tướng Khalifa Haftar, người có hai quốc tịch Mỹ - Libya, từng được coi là một thế lực thân Mỹ ở Libya. Chỉ huy của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã làm hài lòng người Mỹ bằng cách mở rộng cuộc chiến chống khủng bố.
Hình minh họa.
Một thực tế khác mà Washington coi là tích cực là việc LNA chiếm giữ các cơ sở dầu mỏ ở miền trung và miền nam Libya đã thúc đẩy sản xuất và ngăn sự tăng cao của giá dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, Washington đã tỏ ra khá miễn cưỡng khi cung cấp vũ khí và huấn luyện cho LNA còn Moscow thì không. Từ tháng 9/2018, các tay súng người Nga đã xuất hiện trên tuyến đầu ở Tripoli bên cạnh các tay súng LNA của Haftar.
Các chuyến hàng vũ khí cũng đã được trông thấy tại các thành trì của LNA ở phía đông Libya và các thành viên của bộ lạc thân Haftar đã kêu gọi đóng cửa các cảng xuất khẩu dầu. Với sự giúp đỡ của Nga, rõ ràng LNA đang thắng thế ở Tripoli.
Đáng báo động hơn, Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), tàn dư của phe Hồi giáo đã thua cuộc trong cuộc bầu cử vào năm 2014, đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ như là "cái phao cứu sinh".
Đối với họ, nguồn lợi dầu khí ở đông Địa Trung Hải được sử dụng như một "phần thưởng" cho người Thổ. Vào tháng 1/2019, Ankara đã thực hiện thỏa thuận này. Hàng trăm, nếu không muốn nói là nhiều hơn, phiến quân Syria thân Thổ đang chiến đấu để bảo vệ GNA ở Tripoli.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai máy bay không người lái (UAV), cố vấn quân sự và các hệ thống phòng không cho các sân bay của GNA.
Bất kỳ phe nào chiến thắng cũng đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga sẽ thu lợi hàng tỷ USD trong xuất khẩu dầu, bán vũ khí và các hợp đồng xây dựng. Moscow cũng coi vị thế của mình ở Libya là "chìa khóa" để có được ảnh hưởng ở Trung Đông và Bắc Phi.
Vì vậy, cả niềm tự hào dân tộc và lợi ích kinh tế có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy các nhóm dân quân "đồng minh" của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya tiếp tục cuộc chiến tranh.
Tuy vậy, điều đó có thể sẽ không xảy ra khi người Mỹ "viết lại kịch bản". Và đó dường như là những gì chính quyền của ông Trump đang làm.
Nó bắt đầu bằng cách xây dựng "sự đồng thuận ngoại giao" ở Berlin, gắn lợi ích kinh tế và chính trị của Bắc Mỹ và Tây Âu trong một nền hòa bình ở Libya.
Tiếp theo, người Mỹ sẽ sử dụng các nguồn lực của mình tại Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để trừng phạt các quốc gia và doanh nghiệp bán hoặc cung cấp vũ khí cho các tay súng ở Libya.
Ngoài ra, người Mỹ có thể từ chối công nhận quyền khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển Libya do vi phạm quyền lợi của Cộng hòa Cyprus (đảo Síp) gần đó, cô lập các công ty hỗ trợ người Thổ khỏi thị trường chứng khoán Mỹ và ngân hàng quốc tế.
Cuối cùng, ông Trump có thể thành công trong việc thực hiện bằng ngoại giao những gì Nga và Thổ dường như không thể làm được bằng chiến tranh, mang lại sự thống nhất, hòa bình cho Libya.
Những lợi ích đem lại cho nước Mỹ sẽ rất lớn như giá dầu thấp, nền kinh tế mạnh hơn, chấm dứt các "thiên đường an toàn" của khủng bố và một chính quyền trung ương Libya chống lại nạn di cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy.
Nhưng đối với người dân Libya, những lợi ích cho chính họ sẽ còn nhiều hơn như vậy.
Ahmed Charai là một nhà phân tích người Morocco. Ông là một trong các lãnh đạo của Atlantic Council, cố vấn quốc tế của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Ông đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn National Interest tại Washington và Hội đồng tư vấn của Viện Gatstone ở New York .
Đoạn video ghi lại cảnh các tay súng (được cho là phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ không vận tới Libya) tuần tra tại Tripoli.